Lời Kinh Thánh

Hòa Bình Cho Nhân Thế

Khi phân nửa địa cầu, nơi hàng triệu người bắt đầu chào đón Lễ Giáng Sinh như là một dịp lễ lớn để mua bán và tiệc tùng tưng bừng; Thì đó cũng là mùa những người tin Chúa kỷ niệm sự Giáng Trần của Con Trời là Đức Chúa Giê-su.

Sự Giáng Trần của Đức Chúa Jesus đã được dự định từ thuở ban đầu khi Đức Chúa Trời vừa mới tạo dựng nên trời đất. Sự Giáng Trần, hạ sinh làm người đặng sống nơi trần thế của Ngài đã được tiên đoán hằng trăm năm trước khi Chúa ra đời. Nhà tiên tri Ê-sai (780 TC) đã viết trong sách của ông lời Đức Chúa Trời phán truyền: “Dân đi trong nơi tối tăm đã thấy sự sáng lớn; Và sự sáng đã chiếu trên những kẻ ở xứ thuộc về bóng của sự chết. Vì có một con trẻ sanh cho chúng ta, tức là một con trai ban cho chúng ta; Quyền cai trị sẽ nấy trên vai Ngài. Ngài sẽ được xưng là Đấng Lạ lùng, là Đấng Mưu luận, là Đức Chúa Trời Quyền năng, là Cha Đời đời, là Chúa Bình an. Quyền cai trị và sự bình an của Ngài cứ thêm mãi không thôi.” (Ê- sai 9:2, 6, 7).

Sự giáng trần của Đức Chúa Giê-su cũng đã được chính thầy tế lễ Xa- cha-ri, thân phụ của Giăng Báp-tít, tiên đoán với dân chúng ở thành Jerusalem: “Vì Đức Chúa Trời chúng tôi động lòng thương xót, Và mặt trời mọc lên từ nơi cao thăm viếng chúng tôi, Để soi những kẻ ngồi chỗ tối tăm và trong bóng sự chết, Cùng đưa chơn chúng tôi đi đường bình an” (Lu-ca 1:78-79).

Và chính trong đêm Đức Chúa Giê-su giáng trần, hạ sinh nơi chuồng chiên Bết-lê-hem,“Muôn vàn thiên binh hiện ra, rồi cùng với vị thiên sứ đó trỗi tiếng ca ngợi Đức Chúa Trời rằng, ‘Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho người được ơn’” (Lu-ca 2).

Đức Chúa Giê-su là “Chúa Bình an” và là “Đấng mang Hòa bình cho nhân thế,” và Ngài cũng “Đưa người ta đi trên con đường của sự hòa bình.”

Vậy sự bình an hay hòa bình nào mà Kinh Thánh đã lặp đi lặp lại khi nhắc đến sự giáng trần của Đức Chúa Giê- su? Sự bình an không chỉ là không có bạo động hay tranh chấp không thôi; Và hòa bình không chỉ là cố gắng đừng gây chiến, đừng tiêu diệt lẫn nhau hoặc đừng cổ võ cho chiến tranh mà thôi. Mà hòa bình và bình an còn có nghĩa là cho mỗi con người trên địa cầu được có cơ hội sống an lành, mức sống được nâng cao, và đời sống có nhân vị.

Từ thuở tao thiên lập địa, Đức Chúa Trời đã mang sự hòa bình và bình an đến cho vũ trụ. Ngài đã đẩy bóng tối mà mang sự sáng đến cho địa cầu; Từ những điều hỗn loạn của khoảng không, của sự tối tăm Ngài đã dựng một Vườn Địa Đàng tuyệt đẹp và hài hòa để người được sống an lành. Khi Đức Chúa Giê-su hạ trần, Ngài đến để mang hòa bình, mang sự yên ủi, mang sự bình an và hy vọng đến cho con người đang sống giữa một trần thế bạo động, náo loạn, và đau đớn trong sự kềm chế của Ma quỉ. Là tín đồ của Đức Chúa Giê-su, là những người biết mình là con của Đấng Tạo Hóa, chúng ta cũng phải có cùng mục tiêu như Thầy chúng ta, như Cha của chúng ta: Chúng ta phải góp phần vào việc mang hòa bình, bình an và hy vọng đến cho thế giới, cho cộng đồng, cho người chung quanh mình, để họ cũng có được cơ hội sống an lành và mức sống của họ được nâng cao và có nhân vị. Bởi vì chúng ta là con của Thiên Chúa, Ngài đã dựng nên chúng ta và chúng ta là con của Ngài, và chúng ta phải giống như Ngài. Chính Đức Chúa Giê-su đã khẳng định, “Phước cho những ai đem lại hòa bình, vì họ sẽ được gọi là con Đức Chúa Trời” (Ma-thi-ơ 5:9).

Trong mùa Giáng sinh, là tín đồ của Đức Chúa Jesus và biết Ngài là Đấng Cứu thế, chúng ta cần phải nhắc nhở thế giới biết ý nghĩa thật của mùa Giáng sinh. Chúng ta không chỉ phàn nàn hay bực bội người ta đã lấy mất Chúa ra khỏi Mùa Giáng Sinh; Chúng ta cần phải làm hơn vậy nữa. Chúng ta cần phải nhớ lại sự Hòa bình, sự Bình an, sự An lành mà Đức Chúa Giê-su mang đến thế gian cho muôn người, cho mỗi một con người nơi trần thế qua sự giáng sinh của Ngài.

Mùa Giáng sinh năm nay và những năm sắp tới, khi chúng ta thốt lên lời, Mừng Chúa Giáng Sinh chúng ta thật sự muốn chúc cho mọi người sự hòa bình và an sinh trong đời sống họ. Chúng ta sẽ theo gương của Đức Chúa Trời: Mang một chút Vườn Địa Đàng đến cho người quanh mình mặc cho thế gian có chao đảo giữa hận thù, ganh ghét hay tị hiềm đi chăng nữa.

Ngọc-Liên

Related Articles

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Back to top button