Câu Chuyện Truyền GiáoLời Kinh Thánh

Bàn Tay Uốn Nắn Xã Hội

Sách có câu, “Bàn tay đong đưa trẻ con là bàn tay cai trị thế gian.” Tổng
thống Abraham Lincoln nói, “Tôi có được những gì trong hiện tại và triển vọng trong tương lai, tôi đều mang ơn mẹ tôi.” Những văn thơ, những nhạc điệu thường ca tụng người mẹ, chẳng hạn như bài “Lòng Mẹ.”

Mỗi năm vào ngày Chủ Nhật thứ nhì của tháng Năm, chúng ta đều nghĩ đến ngày Lễ Mẹ. Ðây là dịp chúng ta nhớ ơn những tháng năm mẹ đã dìu dắt chúng ta; đây cũng là lúc chúng ta tri ân từ mẫu. Chúa nói lên tình thương của Ngài như một người mẹ, “Ta sẽ yên ủi các ngươi như mẹ yên ủi con. . .” (Ê-sai 66:13).

Mẹ có một thiên chức thật quan trọng. Sách Adventist Home chép, “Kề cận bên Chúa là người mẹ trên trần gian; tình yêu thương săn sóc của người mẹ tồn tại mãi mãi. . .” Ðây là đặc ân cho người mẹ. Với sự hỗ trợ của Thượng Ðế, người mẹ dùng năng lực uốn nắn con mình.

Nhiều khi xã hội có thái độ đối với mẹ không được kính nể, cho nên ngày nay có những người phụ nữ không muốn nhận thiên chức làm mẹ. Theo phong tục ngày xưa của Á Châu, người phụ nữ phải trung tín tam tòng: tòng phụ, tòng phu, tòng tử. Ở Mỹ Châu có một thời cũng thế, xã hội xem người mẹ là nô lệ cho chồng cho con. Công việc của người mẹ chỉ là đi chợ, nấu nướng, và săn sóc cho gia đình.

Ðầu thập niên 60, người mẹ bị khiển trách mọi điều. Nếu con bị cúm, thì người ta nói mẹ không săn sóc kỹ càng; nếu con theo băng đảng, thì người ta nói mẹ không biết hướng dẫn con; nếu con không thông sáng, thì người ta nói mẹ không biết dạy con. Có thể rằng xã hội khiển trách người mẹ, cho nên một số người mẹ từ chối vai trò của mình. Vì thế nên trong thập niên 70, có những người phụ nữ không muốn làm mẹ. Họ nói rằng, “Tôi sanh ra không phải để lau chùi, giặt quần giặt áo, hay nấu ăn nấu uống.” Có người thì nói, “Tôi xứng đáng hơn là làm nội trợ.” Và người khác nói, “Tôi có kiến thức cao; cho nên tôi có thể làm những công việc quan trọng hơn trong xã hội.” Những người phụ nữ kia nghĩ rằng, lo cho con là không xứng đáng với tư cách của mình; họ xem đây là một vị trí thấp kém.

Như vậy, nơi nào cần trí thức hơn là trong gia đình? Nếu người mẹ có thể uốn nắn tư tưởng đời sống của con, thì người mẹ cần có kiến thức rộng rãi để hướng dẫn con mình. Nếu mẹ là người có thể giáo dục những thói quen tốt lành, có phải mẹ là người cần nhất trong gia đình không?

Trách nhiệm của mẹ thật nặng nề. Chúa dạy rằng, “Hãy dạy cho trẻ thơ con đường nó phải theo; dầu khi nó trở về già, cũng không hề lìa khỏi đó” (Châm ngôn 22:6). Vì lẽ đó từ lúc con mới sinh ra cho tới tuổi trưởng thành, mẹ dành nhiều thời giờ dạy con những phép tắc, lễ độ, tiết kiệm, kiến thức, tập những thói quen tốt, v. v. để giúp ích cho tương lai và góp phần vào xã hội. Ðây là điều hân hạnh của mẹ, để uốn nắn đứa trẻ thành người chín chắn, để rèn luyện đức tính theo Thượng Ðế, để có ảnh hưởng tốt đẹp trong cuộc đời.

Trong dịp lễ Tri Ân Từ Mẫu, tôi xin chia xẻ một bài thơ tiêu biểu, nói lên thiên chức của người mẹ:

“Mẹ không phải là một họa sĩ vẽ bức tranh tuyệt mỹ;

Cũng không phải là nhà điêu khắc chạm trổ trên đá hoa cương;

Mẹ không phải là thi sĩ dùng mãnh lực văn thơ đưa vào tâm hồn;

Cũng không phải là nhạc sĩ biểu lộ giai điệu ủy mị;

Nhưng Mẹ được đặc ân của Chúa để phát triển đức tính thánh thiện con người.”

Cầu Chúa ban phước cho tất cả người mẹ đảm nhận trách nhiệm thiêng liêng nầy, và tôi muốn reo vang rằng, “người ẹ hôm nay là người xây dựng xã hội ngày mai.”

Mục sư Nguyễn Khắc Vinh

Related Articles

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Back to top button