Câu Chuyện Truyền GiáoLời Kinh Thánh

Kỷ Niệm 500 Năm Cuộc Cải Chánh

Cuối tháng 10 năm nay là kỷ niệm 500 năm mà 95 luận đề được đóng trên cửa nhà thờ Wittenberg, vào ngày 31 tháng 10, 1517. Ai viết những luận đề này và tại sao điều này quan trọng đến nỗi cả thế giới Cơ Đốc giáo làm ngày kỷ niệm?

Vào lúc 18 tuổi, Martin Luther vào trưởng đại học Erfurt thuộc nước Đức. Khi học trong thư viện ông chợt thấy cuốn Kinh Thánh tiếng La-tinh. Ông chưa bao giờ thấy quyển sách này và cũng chưa bao giờ nghe ai nói đến. Ông tưởng rằng những lời giảng phúc âm và các thư tín trong các buổi thánh lễ là trọn cuốn Kinh Thánh. Mừng quá, ông nhịn ăn bớt ngủ mà say mê đọc Kinh Thánh ngày và đêm.

Càng đọc ông càng trông thấy mình quá nhiều tội lỗi. Mỗi ngày tu tâm dưỡng tính để tìm mọi cách để xóa đi tội ác. Vì thế, ông quyết định học để trở thành tu sĩ. Sau khi học xong, giáo hội phong chức và bổ nhiệm ông chăm sóc nhà thờ Wittenburg.

Càng ngày đọc Kinh Thánh thì lương tâm càng cắn rứt vì ông thấy có những điều giáo hội dạy trái với Kinh Thánh. Sau một thời gian nghiên cứu, ông quyết định viết 95 luận đề để phổ biến cho giáo hội cũng như cho dân chúng. Từ lúc đó cuộc cải chánh bắt đầu. Hai niềm tin chính mà Linh mục Martin Luther nêu ra là (1) chỉ có Kinh Thánh và (2) được cứu rỗi bởi đức tin.

“Chỉ Có Kinh Thánh” mà thôi (Sola scriptura); chỉ có Kinh Thánh là mẫu mực cho đức tin, vì lời Chúa “tức là lẽ thật” (Giăng 17:17). “Đức Chúa Giê-su Christ hôm qua, ngày nay, và cho đến đời đời không hề thay đổi” (Hê-bơ-rơ 13:8). Cho nên lời Chúa cũng không hề thay đổi, “đương khi trời đất chưa qua đi, thì một chấm một nét trong luật pháp cũng không qua đi” (Ma-thi-ơ 5:18).

Tất cả tín ngưỡng đều phải dựa vào Kinh Thánh chứ không phải phong tục hay tập quán của con người. Nếu giáo điều nào không phải từ Kinh Thánh là không phải từ Chúa. Lời của Luther “đánh mạnh vào nền tảng của quyền thế giáo hoàng. Đó là nguyên tắc chính yếu của cuộc Cải chánh” (Ellen G. White, The Great Controversy (Thiện Ác Đấu Tranh) TADT, tr. 126). Cuộc cải chánh đưa nhiều người trở lại đọc Kinh Thánh.

Điều thứ hai là con người được cứu bởi đức tin chứ không phải việc làm. Trong thế kỷ thứ 16, Giáo hội La Mã cử ông Tetzel đi tuyên bố rằng những phiếu ân xá mà tất cả tội của người mua sau này vi phạm sẽ được tha thứ hết, và “không cần phải ăn năn” (D’ Aubigné, quyển 3, chương 1; TADT tr. 127). Ông cũng bảo đảm rằng phiếu xá tội có quyền cứu người sống lẫn người chết (History of the Reformation, quyển 1, tr. 96).

Trong Kinh Thánh có chép rằng khi Simon Magus muốn dùng tiền để mua quyền năng và phép lạ thì Phi-e-rơ quở trách, “Tiền bạc ngươi hãy hư mất với ngươi, vì ngươi tưởng lấy tiền bạc mua được sự ban cho của Đức Chúa Trời” (Công vụ 8:20). Giáo hội cho rằng “Sự cứu rỗi mua bằng tiền bạc dễ nhận lãnh hơn là sự cứu rỗi đòi hỏi sự ăn năn, đức tin, và sự cố gắng bền bỉ để kháng cự và chiến thắng tội lỗi” (TADT, tr. 128). Cho nên sự cứu rỗi đến bởi đức tin mà thôi (Rô-ma 1:17).

Bạn học được gì qua cuộc cải chánh này. Hãy hăng say đọc lời của Chúa vì “lời Chúa là ngọn đèn cho chân tôi, ánh sáng cho đường lối tôi” (Thi thiên 119:105). Hãy ăn năn và tin tưởng vào Chúa thì Ngài sẽ cứu bạn.

Mục sư Nguyễn Khắc Vinh

Related Articles

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Back to top button