Lời Kinh Thánh

Ba-by-lôn Của Kinh Thánh Là Gì Và Ở Đâu? 

Ba-by-lôn của Kinh Thánh Là Gì và Ở Đâu? 

Ba-by-lôn là thành phố nổi tiếng nhất của vùng Mê-sô-pô-ta-mi của thời cổ đại. Địa điểm của nó ngày nay nằm trong quốc gia Iraq và cách thủ đô Baghdad khoảng hơn 90 ki-lô-mét. Ba-by-lôn là tên gọi của một thành phố cường thịnh và về sau cũng chỉ về một đế quốc hùng mạnh thời cổ. Kinh Thánh nhắc đến Ba-by-lôn nhiều lần vì những cuộc chiến người Y-sơ-ra-ên, là dân được chọn của Đức Chúa Trời đã bị người Ba-by-lôn khởi chiến. Các sách Đa-ni-ên, Giê-rê-mi, và Ê-sai của Kinh Thánh nói đến thời kỳ dân Y-sơ-ra-ên bị tấn công, rồi thua trận và phải làm nô lệ chiến tranh cho người Ba-by-lôn. Và sách cuối cùng của Kinh Thánh là sách Khải Huyền nhắc đến Ba-by-lôn rất nhiều như đó là biểu hiệu của tội lỗi và của một thế gian bại hoại.

Những điều ghi lại trong các sách Kinh Thánh đã làm nhiều nhà khảo cổ Âu châu vào thế kỷ 19 quyết tâm tìm kiếm tàn tích của vương quốc Ba-by-lôn. Năm 1899, sau một cuộc thám sát, một nhà khảo cổ người Đức là ông Robert Koldewey đã đào thấy Ba-by-lôn, thành phố biểu hiệu cho sự kiêu ngạo của thế lực loài người mà cũng được biết trong Kinh Thánh là một thành nguy nga với các kiến trúc và những tường thành hùng vĩ và kiên cố. Sử sách đã ghi lại rằng Ba-by-lôn được xây bên bờ sông Ơ-phơ-rát để cho sông nầy chảy quanh thành và xuyên qua thành, và Ba-by-lôn còn có một Vườn Treo nổi tiếng xây như hình kim tự tháp đi lên từng bậc để trồng đủ mọi loài hoa thơm cỏ lạ, và có hệ thống mang nước dưới sông vào tưới cây cỏ xanh tươi quanh năm. Vườn Treo của Ba-by-lôn là một trong bảy kỳ quan của thế giới cổ.

Thành Ba-by-lôn có lịch sử bắt đầu từ khoảng năm 2334 trước Công nguyên. Đó là cổ thành. Về sau người A-mô-rít tấn chiếm thành và vua của dân A-mô-rít đã biến thành nầy thành một thành phố lớn bậc nhất của toàn vùng Mê-sô-pô-ta-mi (khoảng 1790 trước Công nguyên). Thời kỳ huy hoàng của Ba-by-lôn bắt đầu từ đây.

Nhưng Vua người A-mô-rít băng hà sớm và thành phố Ba-by-lôn yếu đi, tiếp theo sau đó nhiều chế độ đã chiếm đóng Ba-by-lôn: người Assyri bởi ông vua hiếu chiến San-chê-ríp. San-chê-ríp cướp phá Ba-by-lôn thẳng tay. Nhưng vì là một vua hung tàn, chính San-chê-ríp đã bị các con mình mưu sát. Con trai của San-chê-ríp lên làm vua và mang lại hòa bình cho Ba-by-lôn.

Khi cường quốc Assyri sụp đổ thì người Canh-đê chiếm đóng Ba-by-lôn, vua thứ hai của người Canh-đê là vua Nê-bu-các-nết-xa II (năm 604-561 trước Công nguyên). Vua nầy đã nới rộng và trùng hưng lại Ba-by-lôn, vua xây một Vườn Treo tuyệt đẹp và một chiếc cổng vĩ đại gọi là Cổng của Thần Ishtar. Đây cũng là vua Nê-bu-cát-nết-xa được ghi lại trong Kinh Thánh sách Đa-ni-ên. Thành Ba-by-lôn lúc nầy được xem là thành phố đẹp và huy hoàng nhất thế giới thời bấy giờ, và Ba-by-lôn lên hàng đế quốc vì chiến thắng tất cả các dân chung quanh mình.

Nhưng đến đời thứ ba của dòng vua Nê-bu-cát-nết-xa thì Ba-by-lôn bị người Ba Tư dưới quyền điều khiển của vua Đa-ri-út chiếm thắng. Trong một buổi dạ tiệc, vua Ba-by-lôn là Bên-xát-xa bỗng dưng thấy một hàng chữ hiện ra trên tường. Vua phải cho mời ông Đa-ni-ên là một cố vấn người Hê-bơ-rơ vào giải thích, và Đa-ni-ên nói rằng Thiên Chúa đã mang Bên-xát-xa đặt lên một cái cân, và vua bị thiếu hụt (không xứng đáng). Chính đêm đó vua Đa-ri-út đã mang quân Ba Tư tiến vào thành qua dòng sông chạy ngang hoàng cung. Câu chuyện nầy là gốc của câu ngạn ngữ của người phương tây, “chữ đã viết trên tường” để nói đến số phận hay kết cuộc không hay của một ai đó.

Dưới thời cai trị của người Ba Tư (Persia hay người ở Iran ngày nay), Ba-by-lôn phát triển thành trung tâm nghệ thuật và giáo dục. Toán học Ba-by-lôn, vũ trụ học và thiên văn học đã được thế giới trọng nể. Khi đế quốc Ba Tư suy yếu và đế quốc Hy Lạp bành trướng thì Ba-by-lôn vẫn là một thành phố cường thịnh. Đại đế A-lịch-sơn yêu thích Ba-by-lôn và dự định xây nó thành một thành phố huy hoàng và vĩ đại hơn, nhưng giấc mơ ấy không thành vì A-lịch-sơn Đại đế chết bất đắc kỳ tử. Dần dần Ba-by-lôn cũng mất đi cái huy hoàng của nó, và rồi nó bị bỏ quên. Năm 650 sau Công nguyên người Hồi giáo tấn chiếm và hủy phá hết tất cả những gì còn sót lại của Ba-by-lôn và Ba-by-lôn bị bỏ quên và chôn vùi dưới gió cát sa mạc. Mãi đến thế kỷ thứ 19, Kinh Thánh và các tượng khảo cổ bày bán ngoài chợ ở Trung Đông đã thúc đẩy các nhà khảo cổ Âu châu đi tìm Ba-by-lôn.

Ngọc Liên

Related Articles

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Back to top button