Lời Kinh Thánh

Tội Chúng Ta Chẳng Ngờ

Kinh Thánh trong sách Sáng thế Ký đoạn 19 kể lại sự kiện Thiên Chúa đã hủy diệt hai thành Sô-đôm và Gô-mô-rơ vì tội ác cùng cực của họ. Phần lớn, văn hóa thế giới định tội thành Sô-đôm chỉ nhìn qua một sự kiện, ấy là dân chúng trong thành này đã tràn đến nhà ông Lót – là người Thiên Chúa muốn cứu ra khỏi thành gian ác này – và họ đã tấn công nhà ông. Ý định của đám đông hung bạo và dữ dằn là đến để đòi ông Lót phải giao cho họ hai người khách lạ đang tạm trú tại nhà ông, để họ có thể hành hạ, chất vấn, và làm nhục hai người khách lạ ấy vì đã dám mon men đến thành phố giàu có của họ. Dân Sô-đôm không biết rằng hai khách lạ là hai thiên sứ mà Thiên Chúa sai đến đặng cứu ông Lót khỏi sự hủy diệt sắp đến cho thành. Nhưng hành động hung ác của Sô-đôm có căn nguyên. Kinh Thánh đã liệt kê các tội ác của Sô-đôm nhiều lần. Dưới đây là căn nguyên của các hành động gian ác và hung bạo của hai thành Sô-đôm và Gô-mô-rơ và đã đưa họ đến chỗ phải bị hủy diệt:

Lời tiên tri Ê-sai quở phạt dân Giu-đa cho thấy Đức Chúa Trời thấy tội ác của Giu-đa, mà thành phần lãnh đạo và toàn dân đã vi phạm cũng cùng là sự hung ác và tội lỗi của dân Sô-đôm ngày xưa, và Ngài còn gọi dân Giu-đa là dân Sô-đôm và Gô-mô-rơ!

“Hỡi những người lãnh đạo của Sô-đôm, Hỡi dân chúng ở Gô-mô-rơ, Tay các ngươi đầy những máu. Hãy rửa đi, hãy làm cho sạch! Hãy tránh những việc ác khỏi trước mắt ta. Đừng làm dữ nữa. Hãy học làm lành, tìm kiếm sự công bình; Hãy đỡ đần kẻ bị hà hiếp, làm công bình cho kẻ mồ côi, binh vực lẽ của người góa bụa.” (Ê-sai 1:10-16).

Khi dân Giu-đa sa đọa, Đức Chúa Trời đã sai tiên tri Ê-xê-chi-ên đến đặng cảnh cáo về đời sống của họ, vì tội lỗi của họ chẳng khác chi tội lỗi của Sô-đôm. Chúa phán, “Này, đây là tội của Sô-đôm em gái ngươi: Nó và các con gái nó có tánh kiêu ngạo. Chúng có dư thừa thực phẩm và sống sung sướng nhàn hạ nhưng không ra tay giúp đỡ người nghèo và những người khốn cùng. Chúng hống hách và làm những điều gớm ghiếc trước mặt Ta, nên Ta đã thấy dẹp bỏ chúng đi là phải” (Ê-xê-chi-ên 16:49).

Đó là tội lỗi của Sô-đôm và Gô-mô-rơ mà Thiên Chúa lấy làm gớm ghiếc: Họ giàu có và có đời sống dư thừa nhàn hạ, nhưng họ hống hách trong sự phè phởn của mình và không ra tay giúp người cơ hàn và thất thế. Họ đã bất công, thiếu tình thương, nhất là với những người bần cùng và cô lẻ. Chúa đã trừng phạt Sô-đôm vì Ngài thấy dân thành này đã không giúp đỡ và tiếp cứu người khốn cùng, và tệ hơn nữa, họ lại còn hà hiếp và bốc lột khi thấy người ta cô thế! Ngài định tội họ rằng tay họ dính máu của những người vô tội mà họ đã bốc lột, đày đọa và làm nhục!

Theo các sử gia Do Thái, vì thành Sô-đôm thời cổ đại nằm trong một thung lũng đất đai màu mỡ, nên dân thành rất kiêu ngạo về sự giàu có của mình. Họ xem mọi khách lạ đến hay đi qua thành mình đều là những kẻ có ý đến để ăn bám hoặc ăn trộm sự giàu có của thành. Dân thành Sô-đôm không muốn chia sẻ sự thịnh vượng với người khác, nên các khách lạ đi đến thành họ sẽ bị họ hành hung và hạ nhục; Và người nghèo trong vòng họ thì họ làm cho nghèo hơn để không được cạnh tranh mà ăn mất sự giàu có. Nên như lời cảnh cáo của tiên tri Ê-sai và Ê-xê-chi-ên, tội chính và ác nhất của thành Sô-đôm và Gô-mô-rơ là cách họ đối xử với người nghèo và khách ngoại bang hay những khách lữ hành đi ngang thành, vì các hạng người ấy yếm thế, không có bè đảng hay người bảo vệ.

Lời Thiên Chúa định tội Sô-đôm cũng có thể là những lời nhắc nhở cho chúng ta sống trong thời đại này. Nhất là những người được sống trong sự bình an, thịnh vượng và no đủ. Qua câu chuyện của sự trừng phạt mà Chúa đã dành cho dân thành Sô-đôm, chúng ta ý thức được rằng, tội của Sô-đôm có thể rất là gần gũi với chúng ta chứ không phải là những tội chúng ta nghĩ mình không vấp phạm. Tội ấy làm người ta đối xử vô nhân và không có lòng thương xót đối với người đồng loại. Người tin Chúa, là những người biết rằng Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta cho dầu chúng ta bẩn thỉu (Vì tội lỗi) và nghèo thiếu (Sự hoàn thiện), Ngài vẫn thương và cứu vớt chúng ta, và đã đối đãi với chúng ta bằng lòng nhân từ của Ngài. Để bày tỏ sự biết ơn với ơn phước và sự nhân từ Chúa ban, thì chúng ta càng cần phải phản chiếu lòng nhân từ, dễ tha thứ và biết thương người của Ngài. Người ta sẽ nhận biết một người thật sự là Cơ-đốc nhân, là người theo Chúa, qua thái độ và cách người ấy đối xử với kẻ khác nhất là khi đó là những kẻ yếm thế hoặc cùng khốn, những kẻ có thể chẳng có chi để đền đáp và trả lại cho người. Cơ-đốc nhân thật là người đối xử với mọi người bằng lòng nhân từ và sự công bằng. Chính Đức Chúa Jesus đã khẳng định điều ấy, “Nếu các con yêu thương nhau thì qua đó mọi người sẽ biết các con là môn đệ ta.” (Giăng 13:35).

 Ngọc-Liên

Related Articles

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Back to top button