Lời Kinh Thánh

Bảy Sự Kiện Về Ngày Thứ Bảy (Phần 2)

Sau đây là những sự kiện về ngày Sa-bát được tiếp tục trình bày.

 Sự Kiện #5: Ngày Sa-bát Không Phải Là Ngày Kỷ Niệm Giải Phóng Dân Do Thái Ra Khỏi Ai Cập.

Đây là một niềm tin trong Cựu Ước mà có người áp dụng sai lầm. Họ dùng những câu Kinh Thánh sau đây, “Nhưng ngày thứ Bảy là ngày nghỉ của Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi: chớ làm một công việc nào hết, hoặc ngươi, con trai con gái, tôi trai tớ gái của ngươi, hoặc bò, lừa, hoặc một trong các súc vật của ngươi, hay là khách ở trong nhà ngươi, hầu cho tôi trai và tớ gái ngươi cũng được nghỉ như ngươi. Khá nhớ rằng ngươi đã làm tôi mọi nơi xứ Ê-díp-tô, và Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi dùng tay quyền năng giơ thắng ra đem ngươi ta khỏi đó; bởi cớ ấy cho nên Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi có dặn biểu ngươi phải giữ ngày nghỉ” (Phục truyền Luật lệ Ký 5:14-15). Một số người cho rằng những câu Kinh Thánh này có nghĩa là Chúa dựng ngày Sa-bát là để tưởng niệm việc Chúa đã giải phóng dân Do Thái ra khỏi Ai Cập. Nhưng ngày Sa-bát đã được nói đển trong sách Sáng thế Ký (2:1-3) và là điều răn thứ tư bởi Chúa viết (Xuất Ê-díp-tô Ký 20:11) bày tỏ ngày thứ Bảy Sa-bát như một tưởng niệm sự tạo thế.

Sự Kiện #6: Ngày Sa-bát Không Phải Là Ngày Kỷ Niệm Sự Phục Sinh

Chúa Giê-su đã sống lại ngày Chủ Nhật và đó là then chốt trong lịch sử của thế giới. Nhưng không có chỗ nào trong Kinh Thánh gợi ý là chúng ta nên giữ ngày Chủ Nhật là ngày thánh. Nhiều sự kiện tuyệt vời xảy ra vào những ngày trong tuần, nhiều ngày lễ trong tuần để tưởng nhớ, nhưng Kinh Thánh không có ra lệnh giữ ngày ấy như là ngày thánh.

Tất nhiên ngày sống lại của Chúa Giê-su là một điều quan trọng mà chúng ta nên để ý, nhưng điều này không quyết định thay đổi ngày thờ phượng. Sứ đồ Phao-lô viết, “Vậy chúng ta đã bị chôn với Ngài bởi phép báp-têm trong sự chết Ngài, hầu cho Đấng Christ nhờ vinh hiển của Cha được từ kẻ chết sống lại thể nào, thì chúng ta cũng sống trong đời mới thể ấy” (Rô-ma 6:4). Lễ Báp-têm là tưởng niệm sự chết, sự chôn và sự sống lại của Chúa Giê-su. Tuy vậy, ngày Sa-bát là một tưởng niệm sự tạo thế.

Những người tin việc thờ phượng ngày Chủ Nhật là để tôn thờ sự sống lại của Chúa Giê-su thường trích dẫn buổi nhóm lại của các môn đồ trên phòng cao trong ngày Chúa sống lại từ mồ mả. Họ lập luận rằng những môn đồ họp lại vì tưởng nhớ sự phục sinh. Nhưng Kinh Thánh cho biết rằng họ họp lại không phải là vui mừng sự sống lại của Chúa Giê-su mà là một tình huống khác.

Cho dù chính các môn đồ nghe những lời làm chứng của Ma-ri về sự sống lại của Chúa Giê-su, nhưng họ “không tin.” Kế đó, Đức Chúa Giê-su lấy hình khác hiện ra cho hai môn đồ khác đang trên đường về làng Em-ma-út. Hai người nầy đi báo tin cho các môn đồ khác, nhưng ai nấy cũng không tin. Sau đó, Ngài hiện ra cho mười một sứ đồ đang khi ngồi ăn, và quở trách về sự không tin và lòng cứng cỏi của họ, “vì chẳng tin những kẻ từng thấy Ngài đã sống lại” (Mác 16:11-14).

Rõ ràng, không ai trong những môn đồ từ trên phòng cao tin rằng Chúa đã sống lại từ cõi chết, vì vậy họ không thể nào vui mừng để kỷ niệm sự sống lại của Ngài. Trong sách Giăng giải thích lý do các môn đồ họp mặt như sau, “Những cửa nơi các môn đồ ở đều đương đóng lại, vì sợ dân Giu-đa” (Giăng 20:19).

 Sự Kiện #7: Ngày Sa-bát Sẽ Được Vâng Giữ Vĩnh Viễn

Đức Chúa Trời tạo nên ngày Sa-bát có một mục đích rõ ràng. Không phải là một ngày nghỉ trong Cựu Ước hay là Tân Ước, cũng không phải những gì xảy ra trong quá khứ hay là hiện tại, mà được tạo dựng đời đời.

Kinh Thánh có chép, “Đức Giê-hô-va phán: Vì như trời mới đất mới mà ta hầu dựng, sẽ cứ còn trước mặt ta thể nào, thì dòng giống và danh hiệu các ngươi cũng sẽ cứ còn thể ấy. Đức Giê-hô-va phán: Từ ngày trăng mới nầy đến ngày trăng mới khác, từ ngày Sa-bát nọ đến ngày Sa-bát kia, mọi xác thịt sẽ đến thờ lạy trước mặt ta” (Ê-sai 66:22, 23). Ngày Sa-bát rất đặt biệt đến nổi Ngài kêu gọi tất cả mọi người phải giữ đời đời trong nước thiên đàng. Nếu ngày đó quan trọng đối với Chúa, thì nó không quan trọng đối với chúng ta sao? Nếu chúng ta giữ nó đời đời trong nước Ngài, thì tại sao chúng ta không giữ ngay từ bây giờ như là một cam kết về sự vâng phục của chúng ta đối với Ngài?

Với những sự kiện về ngày Sa-bát được trình bày, cầu Chúa ban cho quý vị thấy được lẽ thật và có sự can đảm giữ điều răn ngày Sa-bát để chứng tỏ lòng trung thành và mến yêu Chúa của mình.

Mục sư Nguyễn Khắc Vinh

Related Articles

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Back to top button