Câu Chuyện Truyền Giáo

Tháng Bảy, Kỷ Niệm Sinh Nhật Của Hoa Kỳ

Mùa hè cũng là mùa người dân Mỹ kỷ niệm sinh nhật lập quốc của quốc gia Hoa Kỳ. Ngày 4 tháng Bảy năm 1776, Bản Tuyên Ngôn Độc Lập đã được đọc để làm bằng chứng tuyên bố rằng Hoa Kỳ là một quốc gia độc lập và tự trị. Trước ngày tuyên bố độc lập, trên hơn một trăm năm, bao nhiêu người dân từ khắp nơi đã gan dạ bỏ quê cha đất tổ để đi tìm một vùng đất mới mà họ chẳng hề biết phong thổ nơi ấy là như thế nào. Trong số những người dân bỏ xứ ra đi để đến vùng Bắc Mỹ châu, phần lớn họ đã là những người muốn đi tìm sự tự do cho niềm tin và tín ngưỡng của họ.

Hầu hết các quốc gia Âu châu, 300 năm Sau Chúa và trong suốt mười mấy thế kỷ tiếp theo đều chịu ảnh hưởng tôn giáo và thuộc dưới quyền phán quyết của Hội Thánh Công giáo La Mã, thủ đô tại Vatican. Vào các thế kỷ 15, 16, có một số các tu sĩ hay thần học gia, họ là những nhà cải cách tôn giáo, và họ đã dám đứng lên đặt câu hỏi với Vatican về những giáo điều hay những nghi thức mà giáo dân phải theo. Các nhà cải cách nầy đã dùng Thánh Kinh để chứng tỏ rằng Lời Chúa thật sự không có ghi lại một số các lễ nghi phức tạp và rườm rà và đòi hỏi giáo dân như giáo hội đòi hỏi; và họ cho rằng đấy chỉ là tập tục do thành phần lãnh đạo tôn giáo đã suy diễn và đặt ra mà thôi. Sự chối bỏ giáo lý và ảnh hưởng của Vatican đã làm các nhà cải cách nầy bị cắt chức, dứt phép thông công, bỏ tù hoặc phải giong ruỗi trốn tránh. Những tín đồ đồng niềm tin với họ cũng bị chung một hoàn cảnh. Đó là lý do chính làm một số người nhất quyết từ bỏ Âu châu và Anh quốc để tìm về vùng đất mới là Mỹ châu, để tránh bị bắt đạo.

Vì lẽ ấy, Tu Chính Án thứ nhất của Hiến Pháp Hoa Kỳ khẳng định rằng quyền tự do tín ngưỡng của mỗi một con người phải được tôn trọng triệt để. Và tu chính án ấy cũng nói rõ ràng rằng chính quyền và tôn giáo không được trộn lẫn vào nhau, nghĩa là chính phủ Hoa Kỳ không có quyền thiên vị bất cứ một niềm tin tôn giáo nào, và cũng không được dùng tôn giáo mà áp chế và bắt buộc người dân phải theo.

Những người tiền phong tạo dựng nên quốc gia Hoa Kỳ đã là những người tin vào Thiên Chúa và tin rằng Đức Chúa Giê-su Cơ Đốc (Christ) là Con Đức Chúa Trời, và Ngài là Đấng cất tội lỗi thế gian bằng sự chết của Ngài đặng chuộc tội cho loài người. Họ là Cơ Đốc nhân (Christian). Vì lẽ ấy, Hiến Pháp Hoa Kỳ mang ảnh hưởng mẫu mực của Cơ Đốc giáo, và quốc gia Hoa Kỳ đã trở nên cường thịnh vì lòng nhân ái với tha nhân và sự trung chính của cá nhân được đề cao và sự cần cù được kính trọng.

Khi chúng ta ăn mừng ngày kỷ niệm sinh nhật của quốc gia Hoa Kỳ mỗi tháng Bảy, chúng ta hãy nhớ đến tiền nhân, những người đã đặt nền tảng xây dựng quốc gia này và vì sao mà họ đã bỏ nơi chôn nhau cắt rốn để đến nơi này.

Gần 250 năm từ ngày ra đời của Hoa Kỳ, mỗi năm, vẫn có biết bao người di dân mới đã đặt chân đến nước Mỹ. Cho dầu tôn giáo họ là gì, niềm tin của họ là thế nào, Tu Chính Án Thứ Nhất vẫn ảnh hưởng họ, họ có quyền tự do tôn giáo và có quyền gìn giữ hoặc áp dụng niềm tin của họ. Giáo hội Cơ Đốc Phục Lâm là một tổ chức triệt để tin vào quyền tự do tôn giáo của mỗi một cá nhân. Nhiều tín đồ Cơ Đốc Phục Lâm vì niềm tin vào sự giữ Ngày Sa-bát Thứ Bảy đã gặp khó khăn ngay tại Hoa Kỳ, nơi sở làm, chính tổ chức của giáo hội CĐPL đã giúp những người này tranh cải đòi hỏi quyền tự do tín ngưỡng của mình  phải được tôn trọng. Người Cơ Đốc tin vào sự truyền giảng đạo Đức Chúa Giê-su cho toàn thế gian, nhưng niềm tin phải là tự tâm, chứ không phải vì bị bắt buộc hoặc áp chế.

Ngọc Liên, tháng 7, 2015

Related Articles

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Back to top button