Câu Chuyện Truyền GiáoLời Kinh Thánh

Chiến Sĩ Trên Linh Trường

Sau những ngày dài đêm khuya gió lạnh và dầm mưa dãi nắng, cuộc hành trình thăm viếng và truyền đạo vẫn tiếp tục. Mười hai giờ trưa nắng chang chang, hai vợ chồng mệt mỏi đang lái xe Honda từ Ðà Lạt đến miền thượng (Ða-me), khi lọt xuống sình thì mới hay họ đã ngủ gục.

Ngồi đây trong thánh đường nghe Mục sư Nguyễn Xuân Sơn làm chứng (vào ngày 17 và 31 tháng 8), lòng tôi vô cùng cảm động và thương xót cho gia đình ông trong những ngày gian nan, gặp khó khăn từ công an. Tôi cố gắng kềm những giọt lệ và tiếp lắng nghe lời làm chứng của ông.

Vào tháng năm 1975, Giáo Hội Cơ Ðốc Phục Lâm Việt Nam di tản toàn bộ cơ cấu lãnh đạo sang Hoa Kỳ, hầu lánh cuộc chiến tranh tàn khốc sắp xảy đến khi chế độ Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam hoàn toàn sụp đổ. Mục sư Nguyễn Xuân Sơn đã nói rằng ông quyết định ở lại quê hương hầu việc Chúa theo sự hứa nguyện của mình.

Mục sư đã bắt tay ngay vào việc gây dựng lại cơ cấu lãnh đạo mới sau cuộc Hội Ðồng ngày 27-4-1975, bầu Mục sư đảm nhận chức vụ hội trưởng. Vì thiếu nhân sự nên Mục sư còn phải kiêm nhiệm chức vụ hội trưởng thanh niên, giáo hữu chứng đạo, chủ tọa Hội Thánh Chợ Lớn 10 năm và Hội Thánh Phú Nhuận 5 năm. Trong những lúc ấy Hội Thánh gặp sự thử thách lớn nhất.

Trong lúc đi truyền đạo thì phải giấu không cho ai biết, đôi khi cũng phải giấu luôn cả người nhà, và đánh lạc hướng những người theo dõi. Thường thường dời nơi này qua nơi nọ để tránh người theo dõi; giờ tốt nhất là ban đêm và giữa trưa. Nhân dịp ngày giỗ hay ngày lễ, tín hữu tụ tập nghe Mục sư giảng… lúc nào cũng có người canh bên ngoài. Có những lúc bị bắt thì tín hữu chịu hình phạt thế để cho Mục sư qua nơi khác.

Nhiều đêm ông và gia đình không ngủ được vì công an đi lục xét nhà. Có lần phải dời chỗ ngủ bốn lần, lần chót là lúc trời sắp sáng, trong lòng vẫn sợ hãi.

Trãi qua nhiều thử thách lớn, nhưng Mục sư luôn luôn nhờ sức toàn năng của Ðức Chúa Trời đã cùng với ban Quản Trị giữ vững cơ đồ giáo hạt, ổn định và phát triển không ngừng. Dù bị quản chế, giới hạn đi lại, bị bắt thẩm vấn và ngăn cấm truyền giáo, kinh tế khó khăn, ông vẫn không ngừng đi ra các linh trường để thăm viếng, thúc đẩy, huấn luyện nhân sự, vỡ đất mới và tổ chức các Hội Thánh mới như Long Thành, Quế Sơn, Hội An, Huế, Quảng Trị, Ðông Hà, Hà Nội, Hải Hưng, Hải Phòng,v.v… Ông cũng đã đến tận Bình Long để đem lẽ thật đến với người Stieng và người H’Rê tại Quảng Ngãi. Ông truyền đạo và mở mang hơn 30 địa điểm mới. Ông có ý định mở mang công việc Chúa tại Khe Sanh và Ðiện Biên Phủ, hai cứ điểm quan trọng trong hai cuộc chiến lớn tại Việt Nam. Lẽ thật cần phải được gây dựng tại nhiều nơi dọc Quốc lộ 1 ra tận Hà Nội, nhưng mộng ước đã không thành vì Hoa Kỳ đã chấp thuận cho gia đình ông định cư cùng gia đình bên vợ tại San Jose, California.

Ðã nhiều năm qua, Mục sư cầu nguyện rất nhiều về vấn đề ra đi hay tiếp tục ở lại hầu việc Chúa. Ðiều khó khăn nhất không phải là sợ khó khăn về chính trị hay kinh tế mà là Issac, con trai của ông khó có thể giữ ngày Sa-bát thánh tại học đường, vì vậy mà Chúa đã mở đường cho gia đình ông ra đi.

Kinh Thánh có chép trong Công vụ các Sứ đồ 12:5-9, người giảng đạo Phi-e-rơ khi bị cầm trong khám, người bị trói hai xiềng, ngủ giữa hai tên lính, và trước cửa có quân canh giữ ngục. Bỗng, một thiên sứ đến, và có ánh sáng soi trong ngục tối. Thiên sứ đập vào sườn Phi-e-rơ và đánh thức ông và bảo, “ Hãy mau chờ dậy.” Lập tức hai xiềng bèn rời ra khỏi tay ông. Kế đó, thiên sứ lại bảo, “Cài nịt, mang dép vào!” Phi-e-rơ làm theo. Thiên sứ lại tiếp, “Hãy choàng áo ngoài vào rồi theo ta.” Ông theo thiên sứ ra khỏi ngục. Ðức Chúa Trời đã giải thoát Phi-e-rơ ra khỏi những bắt bớ khi xưa, và nay cũng giải phóng Mục sư Nguyễn Xuân Sơn qua mọi khó khăn.

Nghĩ đến cuộc đời truyền giáo lắm khi phải trải qua nhiều gian nan, khổ cực, tôi cảm thấy yêu thương vợ tôi hơn. Tôi không dám nghĩ ngợi xa xôi mà cứ sống từng ngày. Níu lấy lời hứa của Chúa, Ngài sẽ ban Phước đầy đủ. Tình yêu thương của Chúa kích động lòng tôi vững bước hầu việc Ngài.

Mục sư Nguyễn Khắc Vinh

Related Articles

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Back to top button