Sức Khỏe

Làm Thế Nào Để Không Bị Đau Tim Vào Ngày 26 tháng 12?

Theo lịch sử, ngày 26 tháng 12 là một trong những ngày nguy hiểm nhất trong năm đối với những người bị bệnh tim, gồm có cơn đau tim (Heart attack), suy tim (Heart failure) và loạn nhịp tim (Arrhythmias). Nhiều bệnh gọi là “Giáng sinh vui vẻ và vành tim” (Merry Christmas coronaries) sẽ tấn công những người không ý thức rằng họ có nguy cơ khi mở quà Giáng sinh ngày hôm trước.

Mùa lễ lớn thường không tốt cho tim. Một cuộc nghiên cứu năm 2004 tại Đại học Tufts và Đại học California, San Diego cho thấy số tử vong liên quan đến tim tăng lên 5% trong mùa lễ lớn, có lẽ vì bệnh nhân trì hoãn sự chữa trị hay vì nhân viên trong bệnh viện thay đổi. Nhưng theo truyền thống, các bác sĩ nói phòng cấp cứu của họ thì yên lặng vào ngày Giáng sinh. Rồi, đến ngày 26 tháng 12, họ thấy số bệnh nhân bị bệnh tim tăng lên. Cuộc nghiên cứu năm 2008 cho thấy tỷ số bệnh nhân bị bệnh tim tăng lên 33% trong bốn ngày sau lễ Giáng sinh.

Làm Thế Nào Để Không Bị Đau Tim Trong Dịp Lễ?

Bác sĩ Samin Sharma, giám đốc chương trình Can thiệp về Tim mạch (Interventional Cardiology) tại Trung tâm Y tế Sinai ở Nữu Ước nói, “Đây là dịp lễ nổi tiếng về cơn đau tim, suy tim và loạn nhịp tim.” Khi ngồi ở bàn tiệc, vì có nhiều thời gian, bạn có khuynh hướng uống nhiều rượu nho (Wine) vì nghe nói rượu nho tốt cho tim. Nhưng chỉ uống hơn một ly có thể đem lại hậu quả tai hại. Uống nhiều có thể kích hoạt rung tâm nhĩ (Atrial fibrillation), một hình thức của nhịp tim không đều (Irregular heartbeat). Nếu việc này kéo dài, rung tâm nhĩ có thể làm tăng sự đột quỵ (Stroke). Bác sĩ Sharma nói, “Có những chiến dịch lớn về ‘Uống rượu thì đừng lái xe’ trong các dịp lễ lớn, nhưng không ai nói về uống rượu và những nguy hiểm cho tim.”

Mỗi năm, các bác sĩ chuyên khoa tim (Cardiologist) thấy cơn đau tim tăng lên khi khí hậu bắt đầu thay đổi. Lúc nhiệt độ hạ, thì mạch máu có khuynh hướng thu hẹp lại và áp huyết tăng. Bạn cần suy nghĩ kỹ trước khi quyết định xúc tuyết hay đi bộ nhanh lúc trời giá lạnh, vì những hoạt động mạnh có thể làm bạn đau ngực. Nhưng khí hậu lạnh không phải chỉ là thủ phạm. Tới ngày Giáng Sinh, nhiều người lẫn lộn những dấu hiệu của bệnh tim – như thở ngắn hay đau ngực – với sự ăn không tiêu vì những bữa tiệc linh đình. Và trong khi bạn có thể đi nhà thương vào những ngày thường, nhưng đi bệnh viện trong ngày lễ lớn thì quá phiền phức và làm người khác mất vui. Vì thế, nhiều người làm ngơ trước những triệu chứng của cơn đau tim cho tới khi họ thức dậy vào ngày 26 tháng 12, vẫn còn cảm thấy khó chịu. Nhưng lúc đó có thể quá trễ. Bác sĩ Sharma nói, “Nếu bị cơn đau tim, các cuộc nghiên cứu cho thấy bạn không thể đợi lâu hơn 12 tiếng để được chữa trị.” Vì thế nếu đợi cho tới ngày 26 tháng 12, có thể là bạn đang đùa giỡn với định mệnh.

Bệnh nhân bị bệnh tim và theo chế độ ăn ít muối, cần thận trọng vào dịp lễ Giáng Sinh. Các chuyên viên cho biết những người này có thể không sống theo các luật lệ hằng ngày, và đã ăn quá độ. Bữa tiệc thịnh soạn, nhiều muối, và nhiều rượu sẽ làm bệnh suy tim trở nên trầm trọng hơn.

Bác sĩ Sharma nói, “Y sĩ có thể khuyên bệnh nhân đừng ăn quá độ, nhưng, bệnh nhân là người quyết định.” Mỗi người, không phải chỉ bệnh nhân, cần thận trọng về những gì mình ăn. Bác sĩ Fletcher nói, “Chúng ta cần sống lành mạnh trong dịp lễ lớn, không nên đợi tới mùng 1 tháng Giêng. Bạn không thể giữ các quyết định của mình nếu bạn không sống sót qua những ngày lễ lớn.

www.health.com

Ngày 19 tháng 12, 2011

Related Articles

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Back to top button