Trên đời nầy rất nhiều người thường mắc phải một sai lầm nghiêm trọng mà ít ai quan tâm, đó là định kiến. Việt Nam ta có câu tục ngữ “rau nào sâu nấy”. Vẫn biết sự di truyền huyết thống là sự thật, thế nhưng không phải không có ngoại lệ. Do đó lại có câu “cha mẹ cú đẻ con tiên”, đó là chưa nói đến sự biến cải của lẽ đạo tái sanh. Câu tục ngữ sau đỡ cho câu trước, nhưng ít ai nhớ câu sau, mà cứ bám vào câu trước để đoán định một cách bất công. I Ti-mô-thê 5:21: “Ta răn bảo con giữ những điều đó, đừng in trí trước, phàm việc gì cũng chớ tây vị bên nào.” Phao-lô dạy dỗ cho Ti-mô-thê thật kỹ càng.
Một Cơ Đốc nhân chân chính phải ý thức điều dạy dỗ đó để được trưởng thành, đáng kể là người phong nhã, con cái Đức Chúa Trời. Sách xưa có thuật câu chuyện của quan Trung quân úy nước Tấn là Kỳ Hề, lúc 70 tuổi ông xin cáo lão. Vua Tấn Nịu Công hỏi:
— Có ai sẽ thay cho khanh được không?
Kỳ Hề trả lời:
— Không ai bằng Giải Hổ.
Tấn Nịu Công lại hỏi:
—Ta nghe nói Giải Hổ là kẻ thù của khanh phải không, sao lại tiến cử ông ta?
Kỳ Hề đáp:
— Chúa công hỏi hạ thần ai có năng lực để thay thế hạ thần, chớ có hỏi ai là kẻ thù của hạ thần đâu?
Sau đó ít lâu Giải Hổ qua đời. Tấn Nịu Công hỏi Kỳ Hề có ai thay thế cho Giải Hổ. Kỳ Hề thưa:
— Thế thì không ai bằng Kỳ Ngọ.
Tấn Nịu Công lại nói:
— Kỳ Ngọ có phải là con trai của khanh không?
Kỳ Hề trả lời:
— Chúa công hỏi hạ thần ai có năng lực để thay Giải Hổ, chớ có hỏi ai là con trai của hạ thần đâu?
Kỳ Hề là người chịu ảnh hưởng Nho học, cách xử sự của ông ta tỏ ra là một chính nhân quân tử, quảng đại, không hàm hồ, hẹp hòi ích kỷ.
Chúng ta, con cái của Thượng Đế, là những kẻ đi trong sự sáng của Chúa, cần phải tỏ ra bao dung, gạt bỏ định kiến tư riêng, để xứng đáng là những Cơ Đốc nhân chân chính, hoàng tử của Thiên Đàng. 24-3-2000
Nguyễn Quốc Thái
0 1,515 2 minutes read