Câu Chuyện Truyền Giáo

Đài Kỷ Niệm Đỉnh Núi Rushmore

Mùa hè năm 2014, tôi chở gia đình tôi đi từ California đến Michigan để dự đại hội đồng. Đây là cơ hội để tôi láy xe đến ngắm xem ngọn núi Rushmore. Ngóng nhìn đỉnh núi hùng vĩ đã được điêu khắc bốn khuôn mặt tổng thống Hoa Kỳ, lòng tôi bàng hoàng nghỉ đến những kỳ công vĩ đại mà ngày nay nước Hoa Kỳ trở thành cường quốc. Tại sao khắc trên đỉnh núi, tại sao chọn bốn tổng thống, và tại sao hơn ba triệu người viếng thăm hằng năm?

Đỉnh núi Rushmore nằm giữa vùng núi Black Hills thuộc tiểu bang South Dakota mà nhà điêu khắc Gutzon Borglum chọn để làm một đài kỷ niệm. Chương trình xây cất mất cả 14 năm trời, từ ngày 4 tháng 10, 1927 đến ngày 31 tháng 10, 1941, có cả 400 nhân công và tốn kém gần một triệu đô-la thời ấy. Khi phải đối diện với thời tiết khắc khe và đỉnh núi cao vút, rất ngạt nhiên là không một người nào thiệt mạng khi xây cất. Hơn 90% công trình là dùng thuốc nổ, và phải đục đẽo đồi núi cả 450,000 tấn đá. Những khuôn mặt tổng thống cao độ 60 feet, tương đương là 6 tầng lầu cao.

Bốn tổng thống được chọn là nói lên nền văn hiến Hoa Kỳ. Tổng thống đầu tiên của Hoa Kỳ là George Washington (1789-1797). Ông hướng dẫn đất nước phải đương đầu với nhiều áp lực, và ông tượng trưng cho thành lập “Nền Tảng.”

Kến đến là Thomas Jefferson (1801-1809), tổng thống thứ ba. Ông là một trong những người viết bản Tuyên Ngôn Độc Lập, và là người nới rộng đất nước vào miền Tây. Ông là người tượng trưng cho “Sự Mở Mang.”

Tổng thống Abraham Lincoln (1861-1865) là tổng thống thứ 16. Ông là người gìn giữ đất nước trải qua cuộc nội chiến và giải phóng các nhà nô lệ. Ông tượng trưng cho “Sự Bảo Tồn.”

Tổng thống Theodore Roosevelt (1901-1909) là tổng thống thứ 26. Ông là người đưa nước Mỹ bước vào thế kỷ 20 để bắt đầu những hãng xưởng, thành lập các cơ quan thương mại. Tổng thống này tượng trưng cho “Sự Phát Triển.”

Đứng chiêm ngưỡng đỉnh núi Mount Rushmore, lòng tôi hình dung công trình đục đẽo ngọn núi này thành một đài kỷ niệm. Họ không kể sự hao mòn sức lực, thương tích, tài chánh thiếu hụt, họ kiên trì cả 14 năm gian nan.

Tôi cũng tưởng đến một đài kỷ niệm khác đó là ngọn đồi Gô-gô-tha. Trên ngọn đồi đó có để lại dấu tích ấy là thập tự giá. Chúa Giê-su để lại một dấu tích đời đời. Một công trình cứu rỗi, một sự hy sinh vô hạn, một vương quốc đầy tràn tương lai. Không chỉ cho những ai sống tại Hoa Kỳ mà còn cho tất cả nhận loại.

Nhà điêu khắc Borglum hy sinh cuối cuộc đời mình xây đài kỷ niệm để thế hệ sau biết được sự hùng vĩ của đất nước Hoa Kỳ. Còn hơn nữa, các môn đồ của Chúa Giê-su hy sinh cuộc đời mình rao truyền thập tự giá để các thế hệ sau này cũng nhớ đến Đấng Cứu Chuộc.

Ngày nay ấn tượng thập tự giá vẫn còn truyền bá là vì có những anh hùng đức tin tiếp tục chia sẻ tình yêu vô biên của Chúa Giê-su. Sứ đồ Phao-lô nói, “Tôi không hổ thẹn về Tin Lành đâu, vì là quyền phép của Đức Chúa Trời để cứu mọi kẻ tin” (Rô-ma 1:16). Chúa Giê-su phán, “Hãy đi khắp thế gian giảng Tin Lành cho mọi người” (Mác 16:15).

Các bạn có thấy Chúa Giê-su hy sinh không, Ngài muốn cứu bạn hơn là bạn muốn được cứu. Thập tự giá nay còn đó, trong lòng của mọi người.

Khi bước ra khỏi Mount Rushmore, lòng tôi thỏa mãn đã biết được những anh hùng thành lập đất nước Hoa Kỳ. Ngày nào trời chưa sụp đất chưa động thì đài kỷ niệm vẫn còn đó.

Mục sư Nguyễn Khắc Vinh

Related Articles

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Back to top button