Câu Chuyện Truyền GiáoLời Kinh Thánh

Chừng Nào Là Thời Kỳ Thuận Tiện?

Từ Ngày Liệt sĩ (Memorial Day), ngày 25 tháng 5, có hơn 2,000 cơn lửa cháy 500,000 mẫu, từ miền bắc tới miền nam Florida. Gần 100,000 người đã phải bỏ chạy khỏi nhà khi các đám rừng cháy dữ dội đe dọa các thành phố. Tin tức từ CNN cho biết, “Ðây là cơn cháy rừng lớn nhất trong thế kỷ.” Giám đốc Sở Cứu Hỏa thành phố Ormond Beach nói rằng, “Chỉ có thời tiết thay đổi mới có thể cứu được.” Và thống đốc của tiểu bang Florida, Lawton Chiles, yêu cầu trên đài truyền hình rằng, tất cả mọi người hãy cầu nguyện cho có mưa.

Trong số những người tản cư có gia đình của Ông Danny Goodrich. Gia đình nầy không có đủ thì giờ để soạn những vật quí giá, chỉ đem theo vài bộ quần áo mà thôi. Sau vài ngày cơn lửa đã vượt qua, ông trở lại nhìn xem căn nhà thì thấy thiêu tàn, chỉ còn lại những mảnh vụn rải rác đây đó. Nếu ông trì hoãn thì ông và gia đình có lẽ đã thiệt mạng. Nếu bạn và tôi ở trong trường hợp của Ông Goodrich, chúng ta có trì hoãn không?

Hai chữ “trì hoãn” đơn sơ nhưng có liên quan đến cuộc sống hàng ngày và đôi khi còn ảnh hưởng đến sinh mạng của chúng ta.

Cuộc sống hàng ngày

Bởi sự trì hoãn mà trễ nải công việc. Có lần hai hãng điện tử đều kêu gọi tôi đi làm. Tôi cứ mãi so sánh hãng nào trả tiền lương cao hơn, hãng nào cho lợi tức nhiều hơn, hãng nào cấp bảo hiểm khá hơn. Vì sự trì hoãn nên tôi không được việc làm nào cả. Bởi sự trì hoãn mà trễ chuyến bay. Bởi sự trì hoãn mà trễ tàu. Tôi có một người thân vì tiếc của, chần chừ và lưỡng lự cho nên mới kẹt lại Việt Nam. Có bao nhiêu người Việt chúng ta vì trì hoãn trong năm 1975 mà lỡ chuyến, bao nhiêu người trì hoãn khi vượt biên làm cho cả chiếc tàu bị kẹt lại. Ðôi khi chúng ta trì hoãn vì tưởng rằng chúng ta còn đủ thì giờ.

Khi chúng ta có cơ hội để làm một điều gì đó, vì bởi trì hoãn nên chúng ta đánh mất cơ hội. Cơ hội mà qua rồi thì ít khi cơ hội trở lại.

Thành phố Pompeii

Ngày xưa, có một thành phố tên là Pompeii, ẩn sau bóng mát của rặng núi Vesuvius, thuộc miền nam nước Ý. Vào năm 79 sau Thiên Chúa, núi nầy nổ tung và hàng triệu tấn dung nham (đá lỏng, nóng từ núi lửa chảy ra) đổ xuống thành phố Pompeii, tràn ngập khắp nơi và tiêu diệt hoàn toàn dân cư. Ngày nay du khách đã đến thăm tro tàn trở thành cứng cùng với đá bọt, còn phủ trên sự tàn phá của thành phố cổ xưa. Những hình hài méo mó của nạn nhân mà hình thể của họ đã được giữ hoàn hảo.

Tôi tự nghĩ, “Nếu những đá của thành phố nầy biết nói thì câu chuyện kể về ngày cuối cùng của Pompeii sẽ như thế nào?” Biết bao nhiêu thảm cảnh về một thành phố đầy ắp người đã bị chôn vùi vào vĩnh viễn—bất kể họ sẵn sàng hay không. Bạn với tôi sẽ ra sao nếu phải trực diện với tình trạng đó? Chắc chắn nhiều người ở Pompeii đã nghe được tiếng nổ đầu tiên và có đủ thì giờ để nhìn thấy bức tường dung nham hãi hùng đổ xuống trước khi nó tràn ngập trên họ. Chúng ta không biết họ đã nghĩ gì, nhưng dựa theo vị trí thi hài của họ, chúng ta có thể hình dung sự kinh hoàng trước tử thần.

Khi khai quật sự đổ nát của thành phố Pompeii, các nhà khảo cổ tìm được một bộ xương của người đàn bà đang chạy xuống sườn núi Vesuvius, đôi bàn tay xương còn giữ đôi bông tai trang sức. Rõ ràng bà đã nhận ra sự hủy diệt đang đến và xông về nhà lấy đồ trang điểm cầm trong tay. Phải chăng vì sự trì hoãn mà bà đã bị tử thần bắt kịp và chôn vùi dưới dung nham? Có lẽ bà đã nghĩ rằng bà có nhiều thì giờ hơn là thực tế.

Ðừng nên trì hoãn

Trong tương lai, nhiều người cũng sẽ có một lỗi lầm tương tự khi sự hủy diệt đến địa cầu. Họ muốn được cứu và có ý định làm điều đó vào một ngày nào đó, nhưng cho rằng họ còn nhiều thì giờ. Cánh cửa không luôn mở đâu; một ngày nào đó nó sẽ đóng. Sau khi cánh cửa đóng thì “kẻ nào không công bình, cứ không công bình nữa; kẻ nào ô uế, cứ còn ô uế nữa; kẻ nào công bình, cứ làm điều công bình nữa; kẻ nào là thánh, cứ làm nên thánh nữa!” (Khải huyền 22:11). Có nghĩa là sẽ có hai hạng người: người làm điều thiện và người làm điều ác, người ở trong thành và người ở ngoài thành, người tin Chúa và người không tin Chúa. Kinh Thánh chép, “hễ ai tin thì được sự sống đời đời” (Giăng 6:47). Tôi muốn có sự sống đời đời và tôi tin rằng bạn cũng muốn sự sống đời đời.

Bây giờ Chúa đang thì thầm với chúng ta rằng, “Nầy, ta đứng ngoài cửa mà gõ; nếu ai nghe tiếng ta mà mở cửa cho, thì ta sẽ vào cùng người ấy. . .” (Khải huyền 3:20). Chừng nào là thời kỳ thuận tiện? “Kìa, hiện nay là thì thuận tiện; kìa, hiện nay là ngày cứu rỗi” (II Cô-rinh-tô 6:2).

Mục sư Nguyễn Khắc Vinh

Related Articles

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Back to top button