Câu Chuyện Truyền Giáo

Chúa Nói Với Chúng Ta Cách Nào?

Bạn có bao giờ lắng nghe tiếng Chúa phán cùng với mình hay không? Ngày nay, nhiều người cho rằng trò chuyện với Thượng Đế là việc phi thường hoặc huyền bí. Sự thật, Kinh Thánh đã đề cập đến điều nầy trong sách Gióp, “Vì Đức Chúa Trời phán một lần, hoặc hai lần; nhưng người ta không để ý đến” (Gióp 33:14). Cho nên, vấn đề không phải là Chúa không nói chuyện với con người mà con người không chịu lắng nghe tiếng Ngài.

Sau đây là ba điều hữu ích mà chúng ta lắng nghe tiếng Chúa. Điều thứ nhất là chúng ta thuộc về Chúa. Kinh Thánh có chép, “Ta là người chăn chiên hiền lành, ta quen chiên ta, và chiên ta quen ta. . . chiên đó sẽ nghe tiếng ta” (Giăng 10:14, 16). Khi chúng ta có mối tương giao mật thiết với Chúa thì chúng ta sẽ nghe được tiếng Ngài; nếu chúng ta không nghe tiếng Ngài nghĩa là chúng ta đã đánh mất mối tương giao ấy.

Sự hữu ích thứ hai là bảo vệ chúng ta. Nếu không lắng nghe sự hướng dẫn của Chúa để tránh con đường lầm lạc, thì sớm muộn chúng ta cũng rước họa vào thân. Trong sách Gióp có câu, “Hầu cho chở loài người khỏi điều họ toan làm, và giấu họ tánh kiêu ngạo, cứu linh hồn họ khỏi cái huyệt, và mạng sống khỏi bị gươm giết” (Gióp 33:17, 18). Khi nghe được sự cảnh báo từ Chúa, đó là Ngài đang tìm cách bảo vệ chúng ta.

Sự hữu ích thứ ba là giúp đỡ chúng ta sống đời phong phú. Đức Chúa Giê-su có nói, “Ta là gốc nho, các ngươi là nhánh. Ai cứ ở trong ta và ta trong họ thì sinh ra lắm trái; vì ngoài ta, các ngươi chẳng làm chi được” (Giăng 15:5). Càng phụ thuộc vào sự hướng dẫn của Chúa, chúng ta càng dễ thành công hơn. Nếu muốn cuộc đời có tác động và kết quả, chúng ta hãy lắng nghe tiếng Chúa và làm theo những điều Ngài dạy.

Bằng cách nào chúng ta có thể nghe được tiếng Chúa? Kinh Thánh có ghi lại nhiều phương cách mà Chúa thông công với con người như qua bụi gai, trụ mây, trụ lửa, giấc chiêm bao, thiên sứ, v.v. Sau đây là năm phương cách Chúa trò chuyện cùng chúng ta:

(1) Chúa nói chuyện với chúng ta qua thiên nhiên

Vạn vật đều chứng minh tình yêu của Đức Chúa Trời. Đồi cao, biển cả, đồng xanh đều thầm nhắn nhủ với ta về tình yêu của ĐấngTạo Hóa. Chính Đức Chúa Trời là Đấng cung cấp mọi nhu cầu hằng ngày cho mọi loài thọ tạo. Ngài dùng thiên nhiên để dạy chúng ta cách sống. Kinh Thánh có ghi, “Hãy xem loài chim trời: chẳng có gieo, gặt, cũng chẳng có thâu trữ vào kho tàng, mà Cha các ngươi trên trời nuôi nó. Các ngươi há chẳng phải là quí trọng hơn loài chim sao?” (Ma-thi-ơ 6:26).

(2) Chúa nói chuyện với chúng ta qua Kinh Thánh

Kinh Thánh không chỉ là lời hay ý đẹp, không phải chỉ là những câu chuyện ngụ ngôn, Kinh Thánh là sách dạy tất cả mà con người cần trong cuộc đời. “Cả Kinh Thánh đều là bởi Đức Chúa Trời soi dẫn, có ích cho sự dạy dỗ, bẻ trách, sửa trị, dạy người trong sự công bình” (II Ti-mô-thê 3:16).

Nếu không đọc Kinh Thánh, làm sao chúng ta biết được rằng Chúa muốn trò chuyện? Chúng ta có thì giờ dành cho những việc khác, tại sao không thể dành ít phút cho Chúa? Hằng ngày, chúng ta nên dành khoảng thời gian thật tĩnh lặng để cầu nguyện và thông công cùng Ngài.

(3) Chúa nói chuyện với chúng ta thông qua giảng sư

Kinh Thánh có chép, “Chúng tôi tạ ơn Đức Chúa Trời không thôi về sự anh em tiếp nhận lời của Đức Chúa Trời mà chúng tôi đã truyền cho, không coi như lời của loài người, bèn coi như lời của Đức Chúa Trời, vì thật là lời của Đức Chúa Trời” (I Tê-sa-lô-ni-ca 2:13).

Hàm ý của câu Kinh Thánh trên là Chúa nói chuyện với chúng ta thông qua người khác, có thể là giảng sư, mục sư, thầy giáo hoặc người đồng đức tin. Ví dụ, hôm đó Chúa cảm động vị mục sư để soạn bài giảng cho chính mình. Vì lý do nào đó, chúng ta không thể đến nhà thờ vào ngày hôm ấy; nghĩa là chúng ta để vuột mất cơ hội nghe tiếng Chúa phán. Đừng tránh né những lời khuyên của người khác, vì biết đâu đó chính là lời cảnh giác mà Chúa muốn truyền đạt đến chúng ta.

(4) Ấn tượng

Chúa có thể nói chuyện với chúng ta bằng cách đặt những tư tưởng hay cảm xúc vào lòng chúng ta. Sách Giăng có câu, “Nhưng Đấng Yên ủi, tức là Đức Thánh Linh mà Cha sẽ nhân danh ta sai xuống, Đấng ấy sẽ dạy dỗ các ngươi mọi sự, nhắc lại cho các ngươi nhớ lại mọi điều ta đã phán cùng các ngươi” (Giăng 14:26). Có lúc chúng ta gặp những chuyện bế tắc thì có những giác quan từ Đức Chúa Trời hướng dẫn chúng ta. Không phải ấn tượng nào cũng từ Đức Chúa Trời; cho nên, hãy dựa vào Kinh Thánh để biết đâu là lời Chúa chỉ dẫn.

(5) Chúa nói với chúng ta qua hoạn nạn

Những lúc gặp khó khăn hay hoạn nạn, chúng ta mới nhận ra Chúa đang cảnh tỉnh mình, “Những thương tích và dấu vít làm sạch điều ác, và roi vọt thấm vào nơi kín đáo của lòng” (Châm ngôn 20:23). Đôi khi, con người tự cho mình có thể làm mọi việc, đến lúc đi sai hướng và không thể tự cứu mới cầu nguyện đến Chúa.

Đó là năm điều hữu ích giúp chúng ta nghe được tiếng Chúa. Xin bạn hãy dùng thì giờ để đọc Kinh Thánh và cầu nguyện, chắc chắn bạn sẽ nghe được tiếng Chúa thường xuyên.

Mục sư Nguyễn Khắc Vinh

Related Articles

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Back to top button