Trong tờ báo số 7, tháng Một 1997, có đăng bài thơ “Hy Vọng” của Tiêu Dao Lãng Tử (TDLT), sáng tác tặng Nguyệt san Tiếng Nói Hy Vọng. Tuần lễ sau Tòa soạn nhận được bức thư của một độc giả, trong hàng giáo phẩm, đại ý ca ngợi “bài thơ quá hay, cho thấy tác giả đã khai ngộ rất cao.”
Trong bài thơ nói trên, niêm luật thật chỉnh tề, ý nghĩa thâm sâu. Khi so sánh tình cảnh thế gian với thượng giới, tác giả đối chiếu:
Cuộc thế bon chen trò ảo ảo. . .
Nước trời nhàn nhã phước đời đời.
Nói về giáo lý đạo Ðức Chúa Trời, TDLT ví món ăn tinh thần Hy Vọng như:
Tiệc mừng hôn lễ Chiên Con Thánh
Dọn sẵn để chờ bạn với tôi!
Vào cuối bức thư, vị độc giả kia muốn biết TDLT là ai, để mong được góp ý kiến. Có ngờ đâu TDLT hiện đang ở Việt Nam.
Tiêu Dao Lãng Tử là bút hiệu của Nhà thơ Nguyễn Quốc Thái, tác giả quyển “Chuyện Tích Kinh Thánh,” từ Cựu Ước đến Tân Ước bằng văn vần, vừa mới được phát hành. Nhận thấy việc hướng dẫn các thiếu nhi trong Hội Thánh về chuyện tích Kinh Thánh là điều cần ích, nên tác giả đã cậy ơn Chúa để làm công việc nầy.
Trong bài văn vần “Dựng Nên Trời Ðất,” phóng tác theo sách Sáng thế Ký, đoạn 1, Nguyễn Quốc Thái bắt đầu:
Xa xưa vũ trụ trống không
Ở trên mặt vực tối tăm mịt mờ.
Chúa trời từ lúc ban sơ,
Dựng nên trời đất cõi bờ thế gian.
Trong bài văn vần “Chúa Giáng Sinh, Mục Ðồng Ðược Thiên Sứ Báo Tin” (Lu-ca 2:1-21), tác giả diễn tả:
. . . Bỗng nghe thiên sứ phán rằng:
“Nghe ta báo một tin lành lớn lao:
Một Ðấng Cứu Thế ra đời
Một niềm vui lớn muôn người thế gian.
Một con trẻ bọc bằng khăn
Nằm trong máng cỏ chuồng chiên xứ nầy!”
Không trung thiên sứ tung bay
Hòa ca thánh nhạc mừng ngày vinh quang:
“Sáng danh Chúa cả thiên đàng
Loài người dưới thế bình an muôn đời!”
Trong bài văn vần cuối cùng, “Diễn Tiến Về Việc Chúa Giê-su Tái lâm—Lập Trời Mới Ðất Mới,” (tham khảo I Cô-rinh-tô 15, I Tê-sa-lô-ni-ca 4:13-18, II Phi-e-rơ 3, Khải huyền 20 và 21), tác giả kết thúc:
. . . Trời mới đất mới hiện ra
Thiên đàng tại thế tháng ngày yên vui.
Hãy cùng đầu phục Chúa mau
Vì ngày Chúa đến gần rồi ai ơi!
Tác giả làm thơ, văn; cân nhắc từ chữ, kể cả các dấu chấm, phết. Ông cẩn thận nêu lên sự khác biệt giữa văn vần và văn thơ. Theo ông, lối “văn vần . . . có vần điệu nhưng bình dân, giống như ca dao, vè . . . Không phải thơ, vì thơ phải thanh tao, trau chuốt, có hồn; gây được cảm hứng và rung cảm cho người đọc.” “Ðã mang lấy nghiệp vào thân” (Kim Vân Kiều—Nguyễn Du), nên ông được tiếng làm thơ và kể chuyện tích Kinh Thánh.
— Thế ông kể chuyện Kinh Thánh cho ai nghe?
Cho bất cứ ai thích nghe lời Chúa. Ông còn đi đến các hang cùng ngõ hẹp để thăm viếng, an ủi và cầu nguyện cho những kẻ nghèo khó, đau yếu, hoạn nạn. Kinh nghiệm cho chúng ta thấy những hạng người nầy thường sẵn sàng chấp nhận lẽ thật. Ðức Chúa Giê-su đã cho chúng ta một ví dụ về “yến tiệc lớn:” “Có người dọn tiệc lớn, mời nhiều người ăn. Khi đến giờ ăn, sai đầy tớ mình đi nói với những kẻ được mời rằng: Hãy đến, mọi sự đã sẵn rồi. Song họ đồng tình xin kiếu hết. Người thứ nhứt nói rằng: tôi có mua một đám ruộng cần phải đi coi; xin cho tôi kiếu. Kẻ khác nói rằng: Tôi có mua năm cặp bò, phải đi xem thử; xin cho tôi kiếu. Kẻ khác nữa rằng: Tôi mới cưới vợ, vậy tôi đi không được. Ðầy tớ trở về, trình việc đó cho chủ mình. Chủ bèn nổi giận, biểu đầy tớ rằng: Hãy đi mau ra ngoài chợ, và các đường phố, đem những kẻ nghèo khó, tàn tật, đui, què vào đây. . . Vì, ta nói cùng các ngươi, trong những kẻ đã mời trước, không có ai được nếm bữa tiệc của ta đâu” (Lu-ca 14:16-21, 24).
Trước kia Tiêu Dao Lãng Tử Nguyễn Quốc Thái là người truyền đạo ở miền Trung. Sau đó làm giám thị cho trường Cơ Ðốc, Phú Nhuận, Sài Gòn. Trong lúc đa số các mục sư và viên chức của Hội Thánh Cơ Ðốc Phục Lâm Việt Nam di tản sang Hoa Kỳ, trong biến cố tháng Tư, 1975; ông bị kẹt ở lại. Phải chăng Chúa giữ ông ở lại để làm chứng cho Ngài?
Ðào Thanh Khiết