Tùy Bút

Câu Chuyện Mùa Giáng Sinh

Ba thương yêu,

Khi con đang ở trong khu thương mại, tìm mua quà với một đứa bạn, thì một ý nghĩ chợt nảy ra. Con biết con muốn tặng gì cho ba vào dịp Giáng sinh này rồi. Ba chỉ muốn thấy con gái của ba học giỏi và ôm ba thật chặt trong lòng. Ba vẫn thường nói ba không thích những món quà được mua ngoài cửa hiệu.

Con trở về nhà, đi thẳng vào phòng, mở ngăn tủ lấy ra tờ báo cáo học trình vừa được nhà trường phát ra hồi chiều. Ba ơi, Giáng Sinh năm nay con không tặng ba món quà mua ở cửa tiệm như mọi năm đâu. Con sẽ gói tờ báo cáo học trình với tất cả môn học đều đạt điểm tối ưu của 6 tháng con đã chăm chỉ học hành thành một món quà Giáng Sinh đặc biệt tặng ba … Kết quả của những ngày tháng con đã dành trọn thì giờ cho việc học, nó cũng xuất phát từ lòng thương yêu ba, nhớ thương mẹ vô bờ bến, đã vâng lời ba không đi chơi với chúng bạn.

Con còn nhớ mùa Giáng Sinh năm nào, con hỏi ba về cái tên “Trần Giáng Ngọc Hồi Sinh” dài thườn thượt của con, cái tên đã từng là đề tài châm chọc của lũ bạn nghịch ngợm trong lớp. Ba đã giải thích tại sao ba lại chọn một cái tên khác người như vậy đặt cho con. Trần là tên họ của ba, Giáng Ngọc là tên của mẹ, người mẹ vắn số mà con chưa bao giờ được một lần thấy mặt, Hồi Sinh vì lẽ ra là con đã chết trên biển cả mênh mông. Nhưng nhờ những giọt máu đào của mẹ mà con đã được kéo dài sự sống cho tới khi được một tàu buôn Mỹ cứu giúp. Còn hai chữ Giáng và Sinh trong cái tên cũng biểu tượng cho mùa Giáng Sinh năm đó ba mẹ lênh đênh giữa đại dương bao la, trên một con thuyền gỗ mong manh mà chín người, trong đó có mẹ đã bỏ xác trong chuyến hành trình vượt biên đầy gian khổ. “Giáng Ngọc Hồi Sinh” cũng ngầm mang ý nghĩa hình ảnh người vợ hiền đã hồi sinh trong khuôn mặt đứa con gái của ba. Một cái tên đã ấp ủ, gói trọn một cảnh đời đầy đau thương của ba nằm trong hình hài con.

Ba mẹ lên thuyền trong một đêm tối đen giữa tháng 12 năm 1985 tại Rạch Giá. Sau ba ngày lênh đênh trên biển thì máy tàu bị hư, chiếc thuyền gỗ dài chưa đầy 18 mét chứa 66 người vừa ra tới hải phận quốc tế thì không chạy được nữa, thế là con tàu cứ trôi dật dờ theo sóng gió đẩy đưa. Qua đến ngày thứ bảy thì đồ ăn, nước uống trên tàu đều cạn kiệt. Không còn một tý nước ngọt nào, mọi người đều khát khô và đói, trong giờ phút khốn khó nhất đó thì con ra đời. Mẹ, một người phụ nữ trẻ mới ngoài tuổi hai mươi đang mang thai được tròn tám tháng. Có lẽ vì lo lắng, vì đói khát cộng thêm sóng nhồi dữ dội nên mẹ đã chuyển bụng và sanh sớm. Mẹ gần như lả đi, nhưng với sự giúp đỡ tận tình của các cô bác trên tàu, dù chính bản thân họ cũng đang đói, khát và lạnh; Mọi người chỉ biết im lặng cầu nguyện và rồi mọi việc cũng tạm ổn. Con chào đời mà mẹ hầu như không có giọt sữa nào cho con bú cả. Mẹ lúc tỉnh, lúc mơ, nhưng đôi tay gầy guộc luôn ôm chặt con vào người như sợ ai đó sắp cướp đi giọt máu yêu thương nhất của mẹ. Ba đau lòng nhìn vợ và con trong tuyệt vọng. Ba chỉ còn biết khóc và cầu xin Chúa ban phép lạ để con tàu được thoát nạn bình an, để mẹ tỉnh lại và có đủ sữa cho con bú. Qua ngày thứ tám thì con chỉ còn là một trẻ sơ sinh nằm thoi thóp thở trong vòng tay mẹ chứ không còn sức để khóc oe oe nữa. Đêm đó, mẹ bỗng tỉnh lại, mẹ dặn ba là nếu mẹ không sống được thì ba phải ráng sống để nuôi con. Ba đau đớn dùng mọi lời an ủi mẹ, rồi ba người nằm gục ôm lấy nhau và thiếp đi. Tờ mờ sáng hôm sau, mọi người chợt nhốn nháo vì con tàu chòng chành như muốn lật úp xuống. Mặt ba tái mét, môi run lập cập không nói nên lời khi phát hiện thân xác mẹ không còn động đậy, miệng đứa con gái sơ sinh vẫn còn ngậm vú mẹ mà máu be bét trong mồm. Ba chỉ biết ú ớ la lên khi những người trên tàu ôm chặt lấy ba. Trong phút chốc mọi người chợt hiểu, vì mẹ không đủ sữa cho con bú, nên mẹ đã hy sinh dùng dao rạch đầu vú mẹ để máu nóng chảy ra cho con bú hầu những giọt máu đó có thể kéo dài thêm sự sống cho con mình. Ôi! Một sự hy sinh cao cả đã đánh đổi mạng sống bản thân mình cho đứa con yêu dấu vừa chào đời …

Thình lình bóng dáng của một chiếc tàu buôn xuất hiện xa xa. Mọi người nhốn nháo dùng tất cả mọi thứ có thể để vẫy chiếc tàu lạ. Một con tàu buôn treo lá cờ Mỹ cuối cùng đã được Chúa dẫn dắt đến để cứu mạng cho 57 con người đang sống trong tuyệt vọng. Đêm đó là đêm giáng sinh đầu tiên của mấy chục thuyền nhân tưởng đã chết đi, giờ được sống lại, cùng ngồi bên nhau hát tôn vinh Chúa với bài “Đêm Thánh Vô Cùng” trên boong con tàu ân nhân của họ. Vị thuyền trưởng nhân hậu đã tặng cho ba một cuốn Kinh Thánh và khuyên ba hãy vững lòng cầu nguyện thì thế nào Chúa cũng cứu giúp, vì Chúa đã nói, “Trong ngày gian truân, hãy kêu cầu cùng ta. Ta sẽ giải cứu ngươi và ngươi sẽ ngợi khen ta” (Thi thiên 50:15).

Tiếng mở cửa nhà xe vang lên bên ngoài, tôi biết ba đi làm về. Tôi chạy vội ra thấy ba khệ nệ ôm một gói quà lớn. Tôi ôm lấy ba và hỏi, “Ba đi làm về có mệt lắm không? Để con lấy nước ba uống nhé!”.

Ba đặt gói quà xuống dưới gốc cây thông nói “Cám ơn con gái, đây là quà của ba cho con, đêm nay là đêm Giáng Sinh, sáng mai ngủ dậy, con mới được mở nhé!” Tôi ngoan ngoãn gật đầu trả lời “Dạ, còn cái gói dẹp này là quà của con tặng ba. Ba cũng phải để dành sáng mai hai cha con mình cùng mở nha.”

Nói xong tôi nhắm mắt lại mường tượng ra khuôn mặt khả ái của mẹ. Mẹ yêu ơi! Hình ảnh mẹ luôn in đậm nét trong tâm hồn con và con xin hứa sẽ vâng lời ba, ngoan ngoãn học hành để mẹ, nếu có sống cũng hẳn phải vui lòng và hãnh diện vì con.

Rồi hai cha con ôm chầm lấy nhau trong yêu thương, hạnh phúc của mùa Giáng Sinh.

Ngọc Anh, Christmas 2010

Related Articles

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Back to top button