Ca dao tục ngữ Việt Nam có những câu
bóng bẩy như:
“Cha mẹ nuôi con biển hồ lai láng,”
hoặc mộc mạc đơn sơ như:
“Công cha như núi Thái Sơn,
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.”
Người Việt chúng ta lúc nào cũng kính trọng và tri ân cha mẹ. Công ơn khó nhọc của cha mẹ thì không làm sao kể xiết.
“Cha mẹ ngảnh đi thì con dại,
Cha mẹ ngó lại thì con khôn.”
Cha mẹ mà bỏ luống con thì con dễ hư đốn dại khờ; ngược lại, nếu chịu khó săn sóc con, để ý tới việc học hành hay cách chơi với bạn bè thì ngày sau con có cơ hội nên người.
Bảo vệ
Trong gia đình, người cha là chủ gia đình, là người hướng dẫn con cái. Bởi thế nên, G. Herbert nói, “Một người cha trị giá hơn cả trăm ông thầy giáo.” Người cha không những dạy dỗ mà còn bảo vệ con cái.
Cha chúng ta trên Trời chăm nom chúng ta còn hơn thế nữa. “Hãy trao mọi điều lo lắng mình cho Ngài, vì Ngài hay săn sóc anh em” (I Phi-e-rơ 5:7).
Tài năng (quyền năng)
Lần đầu tiên cha của Bill Hybels dạy anh chèo thuyền buồm tại ngũ hồ Michigan. Sau khi dạy xong, cha nói, “Con hãy lấy thuyền ra chèo đi, nhưng phải đem một người bạn theo.” Chiếc thuyền dài 40 phít mà chèo trên ngũ hồ đó là một thử thách to lớn. Bill kêu một người bạn đi theo. Họ căng buồm lên mà chạy theo chiều gió. Mỗi lần anh thấy có đám mây nào đến gần hay sóng gió dữ dội thì anh vội vàng cập bến và thả buồm xuống. Khi anh thấy an toàn thì anh thở phào một cái, tim đập bình thường trở lại. Nhiều lúc chèo với bạn cũng thấy vui lắm, nhưng trong bão tố anh biết bạn không giúp đỡ được. Ngược lại những lúc khác khi anh đi chèo thuyền buồm với cha anh, Bill muốn thấy những đám mây và mong thấy sóng gió. Anh thích cảm giác ngọn gió mạnh và những sóng lớn. Anh biết rằng mình được an toàn nơi cha vì cha anh đã chèo thuyền qua biển Đại Tây Dương, cha anh chèo trong lúc có bão táp cả năm ngày. Bill biết chắc rằng cha có tài năng để điều khiển chiếc thuyền bình an trong ngũ hồ Michigan. Tất cả lo âu biến mất khi cha anh ở trên thuyền.
Đức Chúa Cha của chúng ta có quyền năng gìn giữ chúng ta an toàn khi gặp hoạn nạn. Hai ngàn năm trước có xảy ra một cơn bão tố. “Đức Chúa Giê-su xuống thuyền, các môn đồ theo Ngài. Thình lình biển nổi bão lớn, đến nỗi sóng dậy phủ thuyền; nhưng Ngài đương ngủ. Các môn đồ đến gần, đánh thức Ngài, mà thưa rằng: Lạy Chúa, xin cứu chúng tôi với, chúng tôi hầu chết! Ngài phán rằng: Hỡi kẻ ít đức tin kia, cớ sao các ngươi sợ? Ngài bèn đứng dậy, quở gió và biển; thì liền yên lặng như tờ” (Ma-thi-ơ 8:23-26). Chúa là Thiên phụ của chúng ta; Ngài có quyền năng làm ngưng đi những bão tố. Khi chúng ta có Chúa trong lòng thì chúng ta có bình an.
Hy sinh
Tháng 5, năm 1999, hai cha con ra tắm biển tại Ke‘e Beach ở hòn đảo Kauai thuộc tiểu bang Hawaii. Khi hai cha con vui chơi tắm biển thì người con bị yếu sức. Người cha liền tìm cách cứu con mình, trong khi ông lặn xuống để đưa đẩy con mình lên khỏi mặt biển để thở thì cha đã uống nước biển rất nhiều. Khi xe cứu thương đến, các nhân viên cấp cứu vớt được người con, nhưng không cứu được người cha. Cha đã cứu con bất kể mạng sống của mình. Đó là sự hy sinh vĩ đại.
Đức Chúa Cha yêu thương chúng ta đến nỗi đã sai Đức Chúa Giê-su xuống thế gian mà phó thác đời sống mình vì chúng ta. “Đức Chúa Trời đã làm cho Đấng vốn chẳng biết tội lỗi trở nên tội lỗi vì chúng ta, hầu cho chúng ta nhờ Đấng đó mà được trở nên sự công bình của Đức Chúa Trời” (II Cô-rinh-tô 5:21). “Bởi đó chúng ta nhận biết lòng yêu thương, ấy là Chúa đã vì chúng ta bỏ sự sống…” (I Giăng 3:16). Chúa hy sinh để chúng ta nhận sự sống đời đời. Phải chăng đó là lý do để chúng ta tin cậy nơi Ngài?
Mục sư Nguyễn Khắc Vinh
0 277 3 minutes read