Lu-ca 2:41—52
Chúng ta biết nhiều về chi tiết của sự giáng sinh của Đức Chúa Jesus. Chúng ta biết rõ ràng sự phục sinh của Ngài; Cũng như sự kiện Đức Chúa Jesus thăng thiên. Kinh Thánh ghi chép tỏ tường nhiều chi tiết về các sự kiện kia. Và dĩ nhiên cả bốn sách Phúc Âm ghi lại toàn cuộc đời hành đạo của Đức Chúa Jesus. Đó là hơn ba năm trời Ngài đã sống nơi trần thế, Ngài đã giảng dạy, chữa bệnh, làm người chết sống lại, và cả đời sống tín giáo của Chúa cũng như tình cảm những lúc Chúa vui, buồn, giận, khóc đều được các nhân chứng cùng thời với Ngài viết lại rõ ràng. Nhưng cả thời thơ ấu của Đức Chúa Jesus? Chỉ có sách Lu-ca ghi lại. Có thế cuộc đời ấu thơ của Chúa cũng như mọi đứa trẻ ngoan hiền khác trong thời 2000 năm trước. Thế giới thời đó nhiều cơ cực, nhưng nhịp sống con người cũng không nhiều phức tạp, nhất là những người dân thường nơi một làng nhỏ ở vùng Giu-đê. Tuy nhiên, tác giả Lu-ca, mà theo các nhà viết Kinh Thánh, đã ghi lại gia phả cũng như thời ấu thơ của Chúa qua lời kể của mẹ Ngài là bà Ma-ri, nhắc lại hai sự kiện. Bà Ma-ri khi nói về tuổi ấu thơ của con trai mình, đã không quên hai điều quan trọng: Ấy là lần bà lạc mất Chúa, và lời bà tóm tắt những năm tháng niên thiếu của Ngài, “Đức Chúa Jesus khôn ngoan càng thêm, thân hình càng lớn, càng được đẹp lòng Đức Chúa Trời và người ta.”
Khi bà Ma-ri nhận thức rằng con trai mình đã bị thất lạc, năm đó Đức Chúa Jesus đã 12 tuổi. Đó là tuổi thiếu niên, thôi còn là con trẻ. Đó là tuổi mà người Do Thái xem là người con trai đã bước qua ngưỡng của để bắt đầu cuộc hành trình sửa soạn cho một người thành nhân. Nếu chúng ta đọc Kinh Thánh và câu chuyện cha mẹ Đức Chúa Jesus khám phá họ đã lạc mất Chúa và tìm lại được; Chúng ta sẽ thấy, sự kiện này đánh dấu Đức Chúa Jesus đã ý thức mình là ai. Những lời dạy dỗ của cha me, Kinh Thánh và các sách tiên tri mà Chúa đã học hỏi những năm thơ ấu nay đã khải thị cho Ngài biết, Ngài chính là Jesus Christ, là Đấng Cứu Thế mà các sách tiên tri đã nói đến và trông chờ.
Mười hai tuổi, Đức Chúa Jesus nay đã ý thức sứ mạng của Ngài trên thế gian. Ngài đã trả lời mẹ rằng, “Thưa mẹ, sao cha mẹ tìm con? Cha mẹ không biết con phải ở trong nhà của Cha con sao?” Và Kinh Thánh tiếp theo, “Ngài đi xuống với họ, trở về Na- xa-rét, và vâng phục họ. Mẹ Ngài ghi nhớ mọi điều ấy trong lòng. Đức Chúa Jesus khôn ngoan càng thêm, thân hình càng lớn, càng đẹp lòng Đức Chúa Trời và người ta.”
Kinh Thánh chỉ ghi ngần ấy lời về thời thơ ấu của Đức Chúa Jesus. Nhưng chúng ta, là môn đồ Chúa, chúng ta muốn tìm hiểu chi tiết hơn thế nào thời niên thiếu và tuổi thanh niên của Ngài. Khi chúng ta thử thả mình theo dòng lịch sử, đặt mình vào vai trò của cậu thiếu niên Jesus và những năm Cậu sẽ thành nhân và bước vào ngưỡng của của cuộc đời. Người thanh niên Jesus đã nghĩ gì. Người biết sứ mạng của Người nơi thế gian. Người biết ý định Cha Thiên Thượng của Người và Người biết mối tương quan nào Người cần có với Cha Người. Người biết mình là Christ, tức là Đấng Cứu Thế, và Người biết mình là kẻ phải trả giá chuộc tội cho thế gian!
Đời sống thuộc linh của chúng ta cũng một thế ấy. Chúng ta phải tìm hiểu mình là ai trong toàn chương trình cứu chuộc của Đức Chúa Trời. Càng khôn lớn trong đời sống thuộc linh, chúng ta càng biết nhiều hơn về Cha Thiên Thượng đã dựng nên cá nhân chúng ta, vì Ngài có một chương trình và dự định cho riêng mỗi người. Chúng ta không thể cạnh tranh hay so sánh chương trình Chúa sắp đặt cho mình với người khác. Như Đức Chúa Jesus, chúng ta cần nuôi dưỡng và bồi đắp mối tương quan mình phải có với Cha Thiên Thượng của mình. Và chúng ta phải lớn khôn đời sống thuộc linh của mình mỗi ngày, hầu chúng ta trở thành con người mà Chúa đã muốn chúng ta là. Như Đức Chúa Jesus, chúng ta cũng phải khôn ngoan càng thêm trong sự hiểu biết của mình về Đức Chúa Trời và vai trò của mình; Đời sống chúng ta càng lớn trong Chúa, và cách sống và con người của chúng ta càng được đẹp lòng Đức Chúa Trời, . . . và với người chung quanh: Chúng ta mang lại sự hữu ích nào cho đời sông thuộc linh và cơ hội được cứu rỗi của họ?
Ngọc Liên