Lời Kinh Thánh

Các Dân Tộc Thời Cổ Thường Xâm Lấn Và Hiếp Đáp Dân Y-sơ-ra-ên

Các dân tộc thời cổ thường xâm lấn và hiếp đáp dân Y-sơ-ra-ên

Đọc toàn Cựu Ước, chúng ta thấy lịch sử của Y-sơ-ra-ên thường bị ngoại xâm. Các dân tộc bên ngoài có những đội binh hùng mạnh thường hay lấn áp hoặc hà hiếp dân Y-sơ-ra-ên từ khi họ lập quốc (sau thời Giô-suê đưa họ đến định cư nơi miền Đất Hứa Chúa ban) cho đến khi hai vương quốc Y-sơ-ra-ên và Giu-đa hoàn toàn bị hủy diệt khỏi bản đồ bởi đế quốc Ba-by-lôn (gần 500 năm trước Chúa).

Các quốc gia hùng mạnh hoặc các dân cư trong vùng phương đông của thời đại Cựu Ước ấy là: Ê-díp-tô, A-si-ri, Ma-đi-an, Phi-li-tin, Am-mốt, và Mô-áp.

Người Ê-díp-tô – Ngày nay nhiều người quen gọi là Ai-cập

Tổ phụ của người Ê-díp-tô là Mích-ra-im (Sáng thế Ký 10:6), là con của Cham (một trong ba người con trai của Nô-ê). Xứ Ê-díp-tô nằm trong vùng đông bắc Châu Phi, giáp bờ biển Địa Trung Hải, Biển Đỏ, Đại Sa mạc và xứ Ê-thi-ô-pi. Khí hậu Ê-díp-tô nóng và khô, nhưng những vùng cạnh bờ sông Nile và các vùng biển thì trù phú. Một vùng đất nơi một nhánh sông Nile chảy vào rất trù mật vì nhờ phù sa gọi là Gô-sen. Đây là nơi mà dân Y-sơ-ra-ên thời tổ phụ Gia-cốp đã được cho phép vào ở để làm nghề chăn nuôi.

Xứ Ê-díp-tô và người Ê-díp-tô có một nền văn minh phong phú trong thời cổ đại. Những di tích lịch sử và văn hóa của họ vẫn còn nguyên vì chúng làm bằng đá, xứ có phong thổ khô khan không sương móc, chỉ trừ là chúng đã bị chôn vùi bởi gió cát của sa mạc mà thôi. Văn hóa cổ đại của người Ê-díp-tô chú trọng về học vấn, thiên văn, mỹ thuật và âm nhạc. Người Ê-díp-tô có luật pháp nghiêm chỉnh không hành hạ tội nhân, xã hội không có tục đa thê, nam nữ rất bình quyền trong văn hóa cổ của người Ê-díp-tô. Các đạo binh của Ê-díp-tô được thao luyện kỹ càng; họ nuôi giống ngựa tốt nên có những xe kỵ tinh tế. Họ ra trận thường chiến thắng vì vũ khí tinh nhuệ, tuy nhiên không thấy họ chinh phục nhiều đất đai.

Nhưng điểm chính của văn hóa và phong tục của người Ê-díp-tô cổ là họ xem sự chết là quan trọng hơn cả. Họ sắm sẵn cho sự chết của mình. Đối với họ, sống là để lo cho cái chết, dành dụm để xây đắp một ngôi mộ lịch sự và bền chắc. Các kim tự tháp dọc bờ sông Nile chính là các lăng tẩm của các vua chúa thời xưa. Vua càng lớn càng mạnh thì kim tự tháp càng to. Tục ướp xác của người Ê-díp-tô rất thịnh hành và tuyệt hảo, vì vậy khi các nhà khảo cổ của thế kỷ 19, 20 tìm được những lăng tẩm của người Ê-díp-tô cổ đã tìm thấy những xác ướp cả 4000 năm trước! Người Ê-díp-tô thờ đa thần. Thần cao nhất là thần Amen mà vua của họ thờ, kế đến là các thần như mặt trời, mặt trăng, ngôi sao, và hạng thấp nhất là các con thú như bò, mèo, cá sấu, và sâu bọ. Họ thờ thần cá sấu vì họ sống cạnh bờ sông Nile, có rất nhiều cá sấu hà hiếp dân lành nên họ thờ cá sấu vì tưởng đó là thần chủ tể của con sông.

Trong Kinh Thánh, ông Môi-se là một nhà lãnh đạo vĩ đại nhất mà Đức Chúa Trời đã chọn để đưa dân của Ngài là người Hê-bơ-rơ (Y-sơ-ra-ên) bị làm tôi mọi tại xứ Ê-díp-tô. Ông Môi-se đã được người mẹ nuôi của mình là công chúa xứ Ê-díp-tô nuôi dưỡng trong triều đình. Công chúa nầy có tên là Hatshpesut. Pha-ra-ôn, vua cha của bà không có con trai, nên bà sẽ là người kế vị. Về sau công chúa có chồng là Pha-ra-ôn Thutmose II. Con của công chúa là Thutmose III rất ghét dân Y-sơ-ra-ên và Môi-se. Sau khi mẹ nuôi của mình chết, Môi-se không còn ai trong triều đình binh vực mình nên phải chạy trốn. Pha-ra-ôn Thutmose III ganh ghét với Môi-se và hận cả mẹ mình đến độ đã cho đập phá các công trình có kỷ niệm của bà. Nhiều nhà khảo cổ cho là Pha-ra-ôn Thutmose III chết đuối khi đạo binh của ông bị Đức Chúa Trời đánh chìm khi họ rượt đuổi dân Y-sơ-ra-ên tại Biển Đỏ.

Dân Ma-đi-an – Một giống dân du mục thời cổ

Theo Kinh Thánh, dân Ma-đi-an cũng cùng dòng dõi tổ phụ Áp-ra-ham. Sau khi bà Sa-ra mẹ Y-sác qua đời và Y-sác đã lập gia đình, ông Áp-ra-ham lấy một người vợ khác tên là Kê-tu-la. Một trong những người con của dòng nầy là Ma-đi-an, là tổ phụ dân Ma-đi-an. Áp-ra-ham cũng chia tiền của cho các người con dòng kế nầy nhưng ông biểu họ phải đi về hướng đông lập nghiệp, đứng ở gần vùng đất ông đã cho con trai dòng chính của ông là Y-sác, tổ phụ của dân Y-sơ-ra-ên. Như vậy, cũng như dân Ả-rập là dòng dõi của Ích-ma-ên, người Ma-đi-an cũng cùng dòng dõi Áp-ra-ham, họ thờ Đức Chúa Trời, và cũng giữ phép cắt bì cho ấu nhi nam, nhưng có thể sống chung đụng với các giống dân khác ở vùng Ca-na-an, họ đã bắt chước thờ thêm các tà thần.

Khi Môi-se chạy trốn khỏi cung điện Pha-ra-ôn, ông đã trú ngụ tại nhà của thầy tế lễ Giê-trô là người Ma-đi-an. Vợ của Môi-se là con gái ông Giê-trô.

Trăm năm sau thời Môi-se, dân Ma-đi-an hay đánh phá dân Y-sơ-ra-ên (thời kỳ quan xét Ghi-đê-ôn).

Dân Phi-li-tin.

Người Phi-li-tin được Kinh Thánh Cựu Ước nhắc đến nhiều lần vì họ tranh chiến và quấy nhiễu dân Y-sơ-ra-ên từ thời kỳ Sam-sôn làm Quan trưởng của họ cho đến thời vua Sa-lô-môn. Nhưng người Phi-li-tin không phải là một quốc gia thời cổ. Họ chỉ là cư dân của năm thành phố lớn nằm ở đồng bằng Gaza. Họ có thể là những người đã có thời kỳ chung sống với người xứ Ai Cập. Người Phi-li-tin cũng thờ các thần của dân cư vùng Ca-na-an, họ thờ thần Ba-anh, Át-tạt-tê và thần Đa-gôn. Về sau, người Phi-li-tin cũng bị quân đội hùng mạnh của A-si-ri tuyệt diệt.

Các anh hùng của Y-sơ-ra-ên đã có tranh chiến với người Phi-li-tin là Sam-sôn, ông đã bị họ đánh lừa và móc mắt cho mù để làm trò cười cho họ. Đa-vít đã chiến thắng người dũng sĩ khổng lồ của người Phi-li-tin là Gô-li-át. Về sau, vua Sau-lơ bất tuân lời Chúa ra chiến trận với người Phi-li-tin và bị họ giết cùng với con trai của vua là Giô-na-than. Cuối cùng là đời vua Ê-xê-chia vẫn còn bị người Phi-li-tin bắt nạt, nhưng Đức Chúa Trời đã giúp vua đánh đuổi họ về lại tận thành của họ ở Gaza. Dân Y-sơ-ra-ên không được phép có thợ sắt, nên mọi dụng cụ canh nông và binh khí của họ phải đem đến thành dân Phi-li-tin ở để được mài.

Ngọc-Liên

Related Articles

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Back to top button