Câu Chuyện Truyền GiáoTùy Bút

Tạ Ơn Trong Hoạn Nạn

Bà Naomi Gullickson vẫn còn đau buồn về chồng của bà đã chết tại Trung Tâm Mậu Dịch Thế Giới. Vết thương chưa lành thì bà nhận được tin ông nội của bà đi trên chuyến bay American Airlines 587 đã rớt xuống sau khi cất cánh khỏi phi trường Kennedy. Trong hai tháng liên tiếp, cơn hoạn nạn đã cướp mất hai người thân trong gia đình của bà. Làm sao bà có thể tạ ơn Chúa trong dịp lễ Tạ Ơn này?
Thế giới chúng ta đã thay đổi rất nhiều từ lễ Tạ Ơn năm trước. Cuộc khủng bố ngày 11 tháng 9 đã rung rinh nền tảng đất nước Hoa Kỳ và ảnh hưởng đến tất cả mọi người. Cả ngàn gia đình giống như Bà Naomi Gullickson tổ chức lễ Tạ Ơn thiếu cha mẹ, anh chị em, hoặc con cái là các nạn nhân của những thảm cảnh vừa qua.
Chúng ta sẽ bắt đầu như thế nào để tạ ơn Thượng Đế trong những hoàn cảnh này? Tuy rằng chúng ta ở trong tình trạng đau buồn, Chúa dạy, “Hãy cảm tạ Đức Giê-hô-va, vì Ngài là nhân từ; sự thương xót Ngài còn đến đời đời” (I Sử ký 16:34).
Hãy nhớ lại nguồn cội của lễ Tạ Ơn bắt nguồn từ hoạn nạn. Cũng như Hoa Kỳ đương đầu với nghịch cảnh, những người Pilgrims đã phải chịu đựng qua nhiều nỗi gian truân. Pilgrims là nhóm người thoát ly Anh Giáo để trở lại sống theo lẽ thật của Kinh Thánh. Họ bị bắt bớ vì đạo; cho nên tìm cách vượt biên qua Châu Mỹ. Vào ngày 16 tháng 9, 1620, nhóm này gồm có 102 người đầy niềm hy vọng đi trên chiếc thuyền Mayflower. Cuộc hành trình thật gian nan; họ phải đương đầu với những trận bão trên Đại Tây Dương. Tuy thế, họ cảm nhận Đức Chúa Trời kêu gọi họ phải tiến tới. Sau 65 ngày, họ cập bến Cape Cod (nay là Provincetown, Massachusetts) vào ngày 21 tháng 11. Và vào tháng 12 thì họ đến vịnh Plymouth để định cư.
Mùa đông năm đó thật là khủng khiếp. Bầu trời ảm đạm, giá buốt triền miên, không chỗ ẩn náu nào đủ sưởi ấm, không gia đình nào đủ dinh dưỡng. Người Pilgrims hoang mang, không biết đây có phải là ý muốn của Chúa để họ định cư nơi hoang vắng này không. Mùa đông năm đó đã cướp đi phân nửa số người.
Christopher Jones, thuyền trưởng của Mayflower, không chịu đựng được nữa và ông bỏ về ngày 5 tháng 4, 1621. Tôi có thể tưởng tượng ông đứng lên và kêu gọi, “Hãy theo tôi về Anh quốc. Chúng ta không thể nào sống ở đây được nữa. Hãy nhìn những ngôi mộ trên bãi biển mà chúng ta đã chôn chồng, vợ, và con cái của mình. Bây giờ hãy đi về cùng tôi.” Thật là ngạc nhiên, không có một ai đi theo ông Jones. Tất cả mọi người cảm giác trong đáy lòng là Chúa đưa họ đến đây. Chắc chắn họ sợ hãi, nhưng trong lòng họ muốn nói, “Tôi muốn chết ở đây và trung tín với Chúa hơn là chối Ngài để sống ấm cúng tại Anh quốc.” Trong mọi nghịch cảnh, họ vẫn trung thành với đức tin mình. Họ tin Chúa sẽ giúp họ vượt qua mọi khó khăn, vì Kinh Thánh có chép, “Ta sẽ chẳng lìa ngươi đâu, chẳng bỏ ngươi đâu” (Hê-bơ-rơ 13:5b).
Ngày nay trong bất cứ nghịch cảnh nào; quý vị có thể mất việc làm hay mất căn nhà, quý vị có thể mất người thân nhân hay mắc bệnh nan y, hãy tin rằng Chúa hứa, “Ta thường ở cùng các ngươi luôn cho đến tận thế” (Ma-thi-ơ 28:20).

Mục sư Nguyễn Khắc Vinh

Related Articles

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Back to top button