Kinh Thánh có câu “Đức Chúa Trời đã dựng nên người ngay thẳng; Song loài người có tìm kiếm ra lắm mưu kế” (Truyền đạo 7:29). Điều này cũng đúng khi áp dụng vào thức ăn. Chúa dựng nên hột gạo bổ dưỡng để làm thức ăn cho loài người. Nhưng người ta đã làm gì với hột gạo? Họ giã cho trắng, loại bỏ hết lớp cám là phần bổ dưỡng nhất, để ăn cái lõi bên trong, chỉ còn lại chất bột mà thôi. Còn đối với cây mía cũng vậy, nước mía nguyên chất có nhiều chất bổ nhưng khi được tinh lọc thành đường trắng thì đã mất đi 93% chromium, 89% măng-gan (Manganese), 98% cobalt, 83% đồng (Copper), 98% zinc, 98% magnesium. Cuối cùng, chỉ còn lại đường trắng mà người ta thường ăn, còn những chất bổ dưỡng thì bị loại bỏ và dùng để nuôi thú vật.
Năm 1920, ông Frederick Banting, một nhà nghiên cứu tại Gia Nã Đại (Canada), là người đầu tiên khám phá ra insulin, đến Panama để nghiên cứu về bệnh tiểu đường trong số những công nhân làm việc ở hãng đường. Ông thấy không có bệnh tiểu đường trong số những công nhân ăn mía hằng ngày, nhưng đối với những chủ nhân người Tây Ban Nha ăn đường trắng thì bệnh này lại tăng nhanh. Đường là chất bột thiên nhiên trong nhiều thức ăn, như trái cây và ngũ cốc. Nếu ăn đường trong thức ăn thiên nhiên, như cam, táo, thì tốt. Nhưng người ta thường dùng đường trắng, là thứ chỉ có calorie và mất hết chất bổ (Empty calorie). Năm 2008, trung bình một người Mỹ ăn khoảng 62 kg (136 pounds) đường mỗi năm. Điều này đã khiến nhiều người bị mập phì và tiểu đường.
Đường trắng rất độc hại. Theo Bác sĩ Kenneth Bock, một chuyên viên về dinh dưỡng và sức khỏe, đường làm cho hệ thống miễn nhiễm yếu đi. Hai lon nước ngọt (Soda) chứa khoảng 24 muỗng cà phê đường, làm giảm sự hữu hiệu của bạch huyết cầu tới 92% và ảnh hưởng đó kéo dài tới năm tiếng đồng hồ. Bạch huyết cầu là phần quan trọng của hệ thống miễn nhiễm, nếu chúng yếu thì không thể chống lại những vi trùng xâm nhập vào cơ thể.
Đường trắng cũng khiến cho tuyến tụy (Pancreas) và hạch adrenal phải làm việc quá độ để giữ lượng đường trong máu quân bình. Khi chúng ta ăn đường, thì đường được hấp thụ cách mau chóng. Điều này khiến tuyến tụy tiết ra nhiều insulin để giữ lượng đường ở mức quân bình. Nhưng vì insulin được tiết ra mau chóng khiến lượng đường trong máu bỗng nhiên hạ xuống thật nhanh. Để phản ứng lại sự hạ đường thật nhanh này, adrenal cortisone được kích thích để giúp lượng đường trở lại bình thường. Việc ăn nhiều đường khiến cho sự tăng lên và hạ xuống liên tục làm cho tuyến tụy và adrenal “Kiệt sức” sẽ dẫn đến bệnh tiểu đường và sự mệt mỏi mãn tính.
Vì đường không có chất bổ, cơ thể phải lấy những chất bổ dự trữ để chuyển hóa (Metabolize) đường. Khi kho dự trữ đã cạn, thân thể không thể chuyển hóa chất mỡ và cô-lét-tê-rôn được, đưa đến tình trạng cô-lét-tê-rôn và mỡ cao trong máu. Rút những chất bổ từ kho dự trữ của thân thể cũng dẫn đến sự thiếu khoáng chất như chromium (Điều hòa insulin), đặc biệt là magnesium (Một khoáng chất cần cho hơn 300 hoạt động của en-zim). Nếu tình trạng này kéo dài sẽ đưa đến nhiều thứ bệnh, từ buồn chán tới sự thiếu chú ý (Attention deficit disorder) và suyễn.
Trẻ em ăn thức ăn thiếu bổ dưỡng như kẹo, bánh, đồ chiên (Chips), nước ngọt thì dễ bị bệnh suyễn hơn các em không ăn, vì những thứ này thiếu các chất cần thiết cho sức khỏe. Thật ra, trẻ em là số khách hàng lớn nhất cho các thức ăn thiếu bổ dưỡng vào thời gian mà trí óc và thân thể chúng đang lớn lên mau chóng và cần nhiều chất bổ để phát triển bình thường, cả về thể chất lẫn tinh thần. Trong 30 năm, Stephen Schoenthaler đã nghiên cứu về thiếu nhi phạm pháp và học sinh ở các trường công. Trong một bài viết năm 1986, ông miêu tả một triệu em được điểm cao ở trường khi chúng bỏ ăn đường và bột trắng. Tiến sĩ Alexander Schauss, chuyên viên dinh dưỡng, cũng có cuộc nghiên cứu tương tự về trung tâm lưu giữ thiếu nhi phạm pháp báo cáo rằng những hành vi bạo động của các em giảm đi nhiều khi trung tâm không cho chúng ăn đường.
Phỏng dịch theo www.healthy.net