Nghiên Cứu Giáo LýVăn-Thơ-Truyện

SỰ AN ỦI CỦA CHÚA GIÊ-SU

 

“Phước cho những kẻ than khóc, vì  sẽ được yên ủi!” Ma-thi-ơ 5:4.

Sự than khóc mà Chúa Giê-su đề cập nơi đây là sự thực tâm đau buồn vì tội lỗi. Chúa Giê-su có phán rằng, “Còn ta, khi ta đã được treo lên khỏi đất, ta sẽ kéo mọi người đến cùng ta” (Giăng 12:32). Khi chúng ta nhìn thấy Chúa Giê-su bị đóng đinh trên thập tự, chúng ta nhận rõ được tội lỗi của loài nggười. Chúng ta thấy rằng chính tội lỗi đã làm Chúa Giê-su phải chịu đánh đập và chết. Chúng ta ý thức rằng trong khi chúng ta được yêu thương với một tình thương vô bờ bến, cuộc đời của chúng ta lại đầy dẫy sự vô ơn và chống đối Đức Chúa Trời. Chúng ta đã từ khước Người Bạn quí nhất và lạm dụng món quà vô giá của thiên đàng. Chúng ta đã đóng đinh Con Trai của Đức Chúa Trời, và chúng ta than khóc với tấm lòng cay đắng.

Sự than khóc này “sẽ được yên ủi.” Đức Chúa Trời bày tỏ cho chúng ta biết tội lỗi của chúng ta, để chúng ta tìm đến Chúa Giê-su, và qua Ngài chúng ta sẽ được giải thoát khỏi gông cùm của tội lỗi, và vui mừng trong sự tự do của con cái Đức Chúa Trời. Với tấm lòng thực tâm hối cải chúng ta có thể đến chân thập tự giá và đặt các gánh nặng của mình.

Lời của Đấng Cứu Thế cũng đem sự an ủi cho những kẻ đang gặp hoạn nạn hoặc đau buồn vì mất người thân yêu. Sự buồn rầu của chúng ta không phải từ dưới đất chui ra. “Vì ấy là chẳng phải bổn tâm Ngài làm cho con cái loài người cực khổ và buồn rầu” (Ca thương 3:33). Khi Ngài để chúng ta bị thử thách và hoạn nạn là “Vì  ích [lợi] cho chúng ta mà sửa phạt, để khiến cho chúng ta dự phần trong sự thánh khiết Ngài” (Hê-bơ-rơ 12:10). Nếu nhận lãnh với đức tin, sự thử thách mà dường như thật cay đắng và nặng nề sẽ là một ơn phước. Các thảm cảnh làm tàn lụi những niềm vui ở thế gian này sẽ là phương tiện để hướng lòng chúng ta về thiên đàng. Biết bao nhiêu người đã được biết Chúa Giê-su chỉ vì sự buồn rầu đã khiến họ đi tìm sự an ủi nơi Ngài!

Sự thử thách của cuộc đời là dụng cụ Đức Chúa Trời dùng để mài giũa cá tánh của chúng ta. Sự mài giũa, đẽo đục là một quy trình vất vả. Thử thách nào cũng khó khăn. Nhưng khi đã xong thì cũng như hòn đá đã được đánh bóng, chúng ta sẵn sàng tiếp nhận thiên đàng. Đức Chúa Trời không phí công mài giũa những hòn đá vô dụng. Chỉ những hòn đá quí báu mới được Ngài đánh bóng để đem về kinh đô Ngài.

Đức Chúa Trời sẽ uốn nắn tất cả những ai tin cậy nơi Ngài. Ai trung tín sẽ chiến thắng. Những bài học kinh nghiệm quí báu sẽ được thu thập.

Đức Chúa Trời không bao giờ bỏ quên những kẻ buồn rầu. Khi Đa-vít trèo lên núi Ô-li-ve “người vừa leo lên vừa khóc, đầu trùm lại và chân không” (II Sa-mu-ên 15:30), Đức Chúa Trời nhìn xuống với lòng thương xót. Đa-vít mặc áo vải thô và lương tâm bị cắn rứt. Các dấu hiệu nhục nhã bên ngoài chứng tỏ sự ăn năn hối lỗi thực sự của Đa-vít. Nước mắt tuôn rơi, tấm lòng tan nát, Đa-vít trình bày hoàn cảnh mình cho Đức Chúa Trời, và Ngài đã không bỏ rơi tôi tớ Ngài. Chưa bao giờ Đa-vít được Đức Chúa Trời thương xót như khi Đa-vít bỏ chạy trốn vì con trai mình nổi loạn. Chúa có phán rằng, “Phàm những kẻ ta yêu thì ta quở trách sửa phạt; vậy hãy có lòng sốt sắng, và ăn năn đi” (Khải huyền 3:19). Đấng Christ sẽ nâng đỡ tấm lòng thống hối và trau chuốt tâm thần đang than khóc cho đến khi nó trở thành nơi trú của Ngài.

(Còn một kỳ nữa)

Ellen G. White, Thoughts From the

Mount of Blessing, tr. 9-13.

Lý Minh Hà phiên  dịch

 

 

Related Articles

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Back to top button