(tiếp theo kỳ trước)
Nhưng khi tại họa xảy ra cho chúng ta, bao nhiêu người trong vòng chúng ta đã phản ứng như Gia-cốp! Chúng ta nghĩ đây là tai họa do kẻ thù gây ra, và trong bóng tối chúng ta vật lộn một cách mù lòa cho đến khi không còn hơi sức, và chúng ta không tìm được sự an ủi hay lối thoát. Đối với Gia-cốp, khi xương hông mình bị đánh vào rạng đông, mới biết mình đã vật lộn cùng Đức Chúa Trời, rồi cảm thấy bất lực, Gia-cốp khóc lóc gục vào lòng Chúa để tiếp nhận ơn phước mà ông vẫn hằng mong. Chúng ta cũng cần biết rằng sự thử thách đem lại lợi ích cho chúng ta, và chúng ta không nên coi thường sự sửa phạt của Chúa hoặc chán nản khi bị Ngài khiển trách. “Người mà Đức Chúa Trời quở trách lấy làm phước thay!… Ngài đánh hại, rồi tay Ngài chữa lành cho. Trong sáu cơn hoạn nạn, Ngài sẽ giải cứu cho, qua cơn thứ bảy, tai hại cũng sẽ không đụng đến mình” (Gióp 5:17-19). Cho những ai lâm vào cảnh khổ, Chúa Giê-su sẽ đến để hàn gắn vết thương. Cuộc đời của những kẻ bị mất người thân yêu, bị đau yếu, khổ sở sẽ được an ủi vì sự hiện diện của Ngài.
Đức Chúa Trời không muốn chúng ta cứ phải ở mãi trong hoàn cảnh buồn khổ, đau đớn, tan nát tấm lòng. Ngài muốn chúng ta hãy ngước lên và nhìn vào gương mặt từ ái của Ngài. Đấng Cứu Thế đứng ngay bên cạnh mà nhiều người không thấy được vì mắt họ đã bị mờ lệ. Ngài mong được nắm lấy bàn tay chúng ta, được chúng ta hướng về Ngài với đức tin đơn sơ, và để Ngài dẫn lối. Ngài hiểu những nỗi sầu khổ, đau buồn và thử thách của chúng ta. Ngài thương yêu chúng ta với một tình thương vô tận, và với lòng từ ái Ngài bao phủ chúng ta. Chúng ta có thể đặt hết tin tưởng nơi Ngài và hằng ngày suy gẫm về lòng từ ái của Ngài. Ngài sẽ nâng tâm hồn chúng ta lên khỏi những buồn khổ, ưu tư hằng ngày, và đưa vào chốn bình an.
Các bạn hiện đang đau đớn và buồn bã, hãy nghĩ đến điều này và vui mừng trong niềm hy vọng, “vì hễ sự gì sanh bởi Đức Chúa Trời, thì thắng hơn thế gian; và sự thắng hơn thế gian, ấy là đức tin của chúng ta” (I Giăng 5:4).
Phước thay cho những kẻ cũng than khóc với Chúa Giê-su về sự đau khổ và tội lỗi của thế gian. Sự than khóc không vương vấn lòng ích kỷ. Đức Chúa Giê-su là người đã từng trải sự buồn khổ, chịu đựng những thống khổ mà không ngôn ngữ nào có thể diễn tả. Tâm hồn Ngài đã bị tan nát và bầm giập vì tội lỗi của con người. Với lòng nhiệt tâm, quên mình Ngài làm việc vất vả để xoa dịu những thiếu thốn và khổ đau của nhân loại, và khi Ngài nhìn thấy đám đông từ chối không đến với Ngài để được sự sống, thì lòng Ngài nặng trĩu với những u buồn. Tất cả những ai noi theo gót Chúa cũng sẽ phải trải qua kinh nghiệm này… Khi nhận tình yêu thương của Chúa Giê-su, họ gia nhập sự cố gắng khó nhọc của Ngài trong việc cứu rỗi kẻ có tội. Họ chia sẻ sự đau đớn của Đấng Christ, và họ cũng sẽ chia sẻ sự vinh quang sau này. Một tâm, một ý trong công việc của Ngài, cùng Ngài uống chén đắng, họ cũng sẽ tham dự trong niềm vui của Ngài.
Chúa Giê-su biết cách an ủi vì Ngài đã chịu sự khổ đau. Khi nhân loại đau khổ, Ngài cũng đau khổ; và “vì chính mình Ngài chịu khổ trong khi bị cám dỗ, nên có thể cứu những kẻ bị cám dỗ vậy” (Ê-sai 63:9; Hê-bơ-rơ 2:18). Bất cứ ai dự phần vào sự khó nhọc của Chúa Giê-su thì cũng sẽ được chia sẻ sự an ủi. “Vì như những sự đau đớn của Đấng Christ chan chứa trong chúng tôi thể nào, thì sự yên ủi của chúng tôi bởi Đấng Christ mà chứa chan cũng thể ấy” (II Cô-rinh-tô 1:5). Chúa ban ân điển đặc biệt cho những kẻ than khóc, ân điển với quyền năng làm mềm lòng và đem linh hồn về cho Chúa. Tình yêu thương của Ngài sẽ xâm chiếm tâm hồn kẻ bị tổn thương, và đem đến sự an ủi cho những kẻ buồn rầu. “… Là Cha hay thương xót, là Đức Chúa Trời ban mọi sự yên ủi. Ngài yên ủi chúng tôi trong mọi sự khốn nạn, hầu cho nhân sự yên ủi mà Ngài đã yên ủi chúng tôi, thì chúng tôi cũng có thể yên ủi kẻ khác trong sự khốn nạn mà họ gặp!” (II Cô-rinh-tô 1:3, 4).