Câu Chuyện Truyền GiáoTùy BútVăn-Thơ-Truyện

Khủng Hoảng

Ông Hoàng Xuân Lưu cùng một nhóm người gồm 9 đàn ông và 2 đàn bà, trên đường vượt biển từ Việt Nam đến Mã Lai, trong một chiếc thuyền rộng 3 thước và dài 8 thước, với máy 1 động cơ chạy bằng dầu xăng. Theo lời ông, “Chỉ trong vòng một đêm và một ngày, nước uống, thức ăn và dầu để chạy máy đều đã hết. Trời rất nóng và không có mây. Chúng tôi không thể uống nước biển mặn nên tôi nói với mọi người trên thuyền hãy cầu nguyện lên Thượng Đế. Chúng tôi thay phiên nhau cầu nguyện. Tôi nói: ‘Nếu các bạn không biết Thượng Đế thì cầu nguyện bằng mọi cách.’
Sau một giờ bỗng nhiên tôi thấy đám mây đen trên thuyền chúng tôi. Trời không có gió để đưa mây đi, nhưng đám mây đã đến ngay trên thuyền. Rồi trời bắt đầu mưa vào chiếc thuyền nhỏ của chúng tôi. Tôi đứng nhìn khi trời mưa; bên phải, bên trái, đàng trước, đàng sau, trời chẳng mưa nơi nào cả, chỉ vào thuyền mà thôi! Tôi gọi bốn bạn thanh niên lấy tấm plastic và bốn người cầm bốn góc, rồi cắt ở giữa một lỗ để hứng nước chảy vào thùng. Cảm tạThượng Đế đã xuống ơn và cho tất cả chúng tôi phép lạ.”
Hoạn nạn, khủng hoảng là thời gian khó khăn hoặc nguy hiểm, là thời điểm gặp tai nạn rủi ro, gian nan khổ sở, ốm đau bệnh tật. Trong những lúc nầy, có một người bạn để trông cậy là điều tốt lành. Tục ngữ có câu: “Người bạn giúp đỡ ta khi cần thiết là người bạn thật sự.” Nếu không, quả là cô đơn, thất vọng.
Khi vui thì vỗ tay vào,
Đến khi hoạn nạn thì nào thấy ai!
(Ca dao)
Nếu không tìm được ai để trông cậy thì phải tự mình đối phó với nghịch cảnh. Những người không tin kính có gặt hái thành công? Đời họ cũng được suôn sẻ? Đôi khi họ được nhiều thắng lợi về vật chất hơn người tin Chúa? Có thể như vậy. Nhưng điều chắc chắn là: trong cơn khủng hoảng họ không có nơi nương tựa về mặt tinh thần.
Trong ngôn ngữ Trung Hoa, chữ khủng hoảng có hai nét chính: một nét có nghĩa nguy hiểm, nét khác có nghĩa cơ hôi. Như thế, khi gặp khủng hoảng không có nghĩa phải bị thất bại. Biết đâu đó là cơ hội để đưa chúng ta đến một tình trạng tốt đẹp hơn.
Có kẻ gặp họan nạn thì than trời trách đất, đổ lỗi cho số mạng. Nhưng cũng có người nhờ đó tìm nơi nương tựa nơi cánh tay quyền năng của Chúa. “Bấy giờ trong cơn gian truân họ kêu cầu Đức Giê-hô-va; Ngài bèn giải cứu họ khỏi điều gian nan” (Thi thiên 107:6). Điều nên nhớ là: Chúa hứa sẽ không để chúng ta đối phó với những tình trạng khủng hoảng ngoài sức chịu đựng của chúng ta; nhưng trong khi bị khủng hoảng, Ngài sẽ mở lối để chúng ta có thể chịu đựng được (I Cô-rinh-tô 10:13).
Đào Thanh Khiết

Related Articles

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Back to top button