John Wesley (1703-1791) là một giảng sư lừng danh trong thế kỷ 18; ông giảng hơn 42,000 bài, và viết 233 cuốn sách. Charles Wesley (1707-1788) là một nhạc sĩ nổi tiếng, sáng tác hơn 8,000 nhạc phẩm. Hai anh em đã phục hưng giáo hội Anh giáo bằng cách bắt đầu những nhóm nhỏ học Kinh Thánh và cầu nguyện tại Oxford. Vào năm 1729, John và Charles được chính thức gọi chung là nhóm “Methodist” (Giám Lý). Kết quả là họ đã tổ chức hội thánh, lập nhà thương cho kẻ bệnh hoạn, nhà cho kẻ mồ côi, trường học cho kẻ nghèo khó.
Làm sao họ làm được công việc vĩ đại như thế? John đã từng nói, “Tôi học nhiều về tôn giáo từ mẹ tôi hơn là tất cả các nhà thần học của Anh quốc.” Mẹ của John và Charles là Susanna Wesley (1669-1742), bà có ảnh hưởng lớn trên các con mình. Sự giáo dục bắt đầu ngay khi người mẹ quỳ gối cầu khẩn.
Bà Susanna lập gia đình với Ông Samuel Wesley và sanh 19 người con, nhưng 9 người con đã qua đời khi còn nhỏ. Giáo dục con cái là ưu tiên hàng đầu của bà. Câu Kinh Thánh khuyến khích bà để giáo dục con cái từ nhỏ là, “Hãy dạy cho trẻ thơ con đường nó phải theo; dầu khi nó trở về già, cũng không hề lìa khỏi đó” (Châm ngôn 22:6). Người mẹ gương mẫu có hai đều đáng chú ý: cuộc sống của bà có kỷ luật và đời sống trung thành.
Kỷ Luật
Kỷ luật cuộc sống hằng ngày. Bà tạo thứ tự và kỷ luật trong gia đình. Đông người như thế, nếu không có kỷ luật thì sẽ hỗn loạn. Bà sắp đặt giờ giấc cho tất cả công việc hằng ngày chẳng hạn như thức dậy, ăn uống, đi học, đi chơi, cầu nguyện, đi ngủ. Mỗi công việc đều có giờ có giấc. Kỷ luật giúp mọi việc trở thành thói quen.
Kỷ luật rèn luyện con cái. Bà giáo dục chúng từ lúc còn nhỏ. Bà đặt một căn phòng riêng trong nhà cho con cái học hành; bà dạy chúng từ 9 giờ sáng đến 12 giờ trưa, từ 2 giờ trưa đến 5 giờ chiều, 6 ngày một tuần. Chúng bắt đầu mỗi ngày đọc Thi thiên và cầu nguyện, rồi một đoạn trong Cựu Ước và Tân Ước, và chấm dứt với bài thánh ca. Chúng học đọc khi mới 5 tuổi, học tiếng Latin, học làm thơ và viết nhạc, và học tiếng Hy Lạp và Hy Bá buổi chiều với cha mình. Ngoài việc dạy chúng học hành, bà còn dạy chúng lễ độ. Việt Nam có câu, “Tiên học lễ, hậu học văn.”
Kỷ luật đời sống tâm linh. Khi vừa 5 tuổi, bà đã quyết định dành thì giờ mỗi ngày cầu nguyện và đọc Kinh Thánh. Khi lên 30 tuổi, bà dành 2 tiếng mỗi ngày để tĩnh nguyện. Trong bất cứ hoàn cảnh nào bà cũng tạ ơn Chúa. Đời sống của bà thể hiện tình yêu thương của Đấng Christ.
Trung Thành
Trung thành với chồng. Susanna lấy chồng trong cảnh nghèo nàn; trong lúc chồng thất bại trong kinh doanh, bà đứng kề cận và hỗ trợ. Năm 1705 tại London, có lần chồng bị bắt và đưa vào bót vì mắc nợ, và có những lần ông đi vắng cả năm trời. Bà chịu đựng, quản lý tài chính, và giáo dục con cái. Trong những điểm xấu của chồng, lúc nào bà cũng tìm những điều tốt cả.
Trung thành dạy dỗ con cái. Bà đã từng đặt câu hỏi, “Tôi phải làm gì để cho chúng sẽ bước vào sự vinh hiển đời đời?” Bà quan tâm đời sống tâm linh của chúng. Kinh Thánh dạy rằng, “Vì điều răn là một cái đèn, luật pháp là ánh sáng, và sự quở trách khuyên dạy là con đường sự sống” (Châm ngôn 6:23). Bà lúc nào cũng thiết tha cho con cái trở thành một Cơ Đốc nhân tốt. Chúng ta không nên xao lãng huấn luyện đời sống tâm linh trẻ em. Hãy dạy chúng về lời của Chúa, qua những lời này chúng biết thêm về Ngài.
Trung thành với Chúa. Vào những buổi chiều cuối tuần bà tổ chức lễ bái gia đình khi chồng đi vắng nhiều tháng. Có một đứa bé hàng xóm thấy vậy thì thích lắm. Đứa bé nài xin cha mẹ đến nghe, thì cha mẹ đến nghe thử và họ thấy được ơn. Và tin này lan tràn trong làng, cả 200 người đến nhà bà dự buổi lễ ấy mỗi tuần. Đời sống tâm linh của họ được trau giồi. Bà trung thành với Chúa bằng cách dạy con cái tin tưởng nơi Chúa.
Sau đây là lời khích lệ giúp chúng ta dạy dỗ con cái mình. “Hỡi các bậc phụ mẫu, trong việc huấn luyện con cái mình, hãy nghiên cứu bài học Chúa đã ban cho trong cõi thiên nhiên. Nếu phải uốn nắn một cây hoa hồng, hay hoa huệ, quý vị sẽ làm sao? Hãy hỏi người làm vườn xem ông dùng phương pháp nào khiến mỗi cành hay lá nảy nở thật đẹp đẽ, phát triển cân đối và xinh tươi. Ông sẽ cho bạn biết không được làm mạnh tay, hay dùng sức dữ dội; vì như thế chỉ làm gãy những cành lá mỏng manh. Nhưng nhờ những sự chăm sóc nhỏ nhặt, thường được lặp đi lặp lại. Ông tưới nước làm cho đất ẩm, bảo vệ những cây đang lớn khỏi những cơn gió mãnh liệt hay mặt trời nóng cháy, và Đức Chúa Trời sẽ khiến các cây đó nảy nở và trổ bông rực rỡ. Trong việc đối xử với con cái, hãy theo phương pháp của người làm vườn. Bằng những cái rờ êm ái, những sự chăm sóc ân cần, ta sẽ uốn nắn bản tính của chúng theo khuôn mẫu của bản tính Đấng Christ.”—The Desire of Ages, tr. 516.
Mục sư Nguyễn Khắc Vinh
0 352 4 minutes read