Nhân đọc một bài báo trên tờ Adventist World (Thế Giới Cơ Đốc Phục Lâm) số mới đây, tôi có phần ngạc nhiên khi có một tựa đề: “Ngôi Thứ Ba – Ân tứ hay bị lãng quên trong Hội Thánh Cơ Đốc” (The Third Person – The most neglected Gift in the Christian Church). Ngôi Thứ Ba ở đây theo giáo lý Cơ Đốc để chỉ Ngôi Thánh Linh, một Ngôi được xếp ngang bằng với Đức Chúa Trời và Đức Chúa Giê-su, cùng tồn tại sát cánh bên nhau trong cõi đời đời và chẳng bao giờ rời nhau dù trong khoảnh khắc.
Thực sự hiểu được và chấp nhận giáo lý Ba Ngôi Đức Chúa Trời là cả một thách thức cho những người mới đến với Chúa, nhưng lại trở thành vầng đá vững chắc, chỗ dựa khôn cùng cho những tín đồ một khi có lòng tin kính nơi Ngài.
Trở lại bài báo, tác giả viết tiếp. Gần vào những ngày cuối của Chúa Giê-su sống trên đất, Ngài có hé lộ, “Ta lại sẽ nài xin Cha, Ngài sẽ ban cho các ngươi một Đấng Yên-ủi khác, để ở với các ngươi đời đời” (Giăng 14:16), chữ ‘khác’ ở đây hiểu theo tiếng Hy Lạp ‘allos’ có nghĩa là Chúa Giê-su hứa sẽ xin Cha ban cho ta ‘một Đấng giống như chính Ngài’. Đấng ấy không hẳn là một quyền phép, mà là một Ngôi – một Ngôi mà lại nghe được sự thở than của mọi sinh linh, cảm nhận được nỗi thống khổ của mỗi kiếp người, thương cảm nỗi đau xót của từng thân phận, cùng hỗ trợ, thêm sức cho mỗi cá nhân trong cuộc sống hàng ngày và nhiệm vụ trước mắt. Tất nhiên mỗi cá nhân, thân phận ở đây phải hiểu là những con người có Chúa.
Vả, chính Đấng đầy quyền phép này – Ngôi Thứ Ba trong ba Ngôi – đã được hứa ban như một ‘ân tứ’ cho những kẻ biết cầu khẩn nơi Ngài. Dù bản thể con người vốn dĩ là xấu, nhưng Chúa Giê-su vẫn phán, “nếu các ngươi là người xấu, còn biết cho con cái mình vật tốt thay, huống chi Cha các ngươi ở trên trời lại chẳng ban Đức Thánh Linh cho người xin Ngài” (Lu-ca 11:13). Vậy đã là một sự ban cho, tại sao ta lại e sợ Ngài? Phải chăng ta chưa cảm nhận một cách nghiêm túc trong tinh thần thống hối về sự hiện diện của Chúa Thánh Linh trong đời sống của mỗi chúng ta?
Qua các câu Kinh Thánh được trích dẫn từ các sách trong Tân ước ngược về Cựu ước, chúng ta đều được dạy dỗ tỏ tường về bản vị của Ngôi Thứ Ba trong Chúa Ba Ngôi. Quả thật, Đức Chúa Thánh Linh tự thân là một trong ba Ngôi đã hành động cùng Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con trong sự Sáng thế (từ thuở ban đầu), sự hiện thân (xuống thế gian) và sự cứu chuộc (nhân loại). Chính Ngài đã cảm động và soi dẫn các tác giả của Kinh Thánh và làm đầy dẫy quyền lực trên đời sống của Chúa Cứu Thế. Ngài cũng là Đấng cáo trách và đoán phạt loài người, nhưng những ai biết đáp lời Ngài, Ngài sẵn sàng làm mới lại và biến hóa con người đó trở lại theo hình ảnh của Đức Chúa Cha.
Là Đấng được sai đến từ Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con, Ngài không những luôn sát cánh cùng con cái Chúa, lại còn gia ơn ân tứ thiêng liêng cho các hội thánh, cụ thể là thêm quyền phép cho từng hội thánh để làm chứng về Đấng Christ và kết hợp nhuần nhuyễn bằng lời Kinh Thánh hầu dẫn đưa con cái Chúa vào mọi lẽ thật.
Đi vào cuộc sống đời thường của mỗi tín đồ Cơ Đốc, Đức Thánh Linh luôn là giải pháp hóa giải mọi nghịch cảnh và vấn nạn của ta. Điều thứ 5 trong Tín giới cơ bản có ghi, ‘kẻ nào biết đáp lại Ơn Thánh Linh sẽ được Ngài chuyển hóa và làm mới lại theo hình ảnh của Đức Chúa Trời’. Sự mắc tội, sự lo lắng, sự bội nghịch và hàng trăm thứ rắc rối khác của thế gian sẽ bị tan chảy khi có ‘sự hiện diện’ của Ngôi Thứ Ba. Ngài xuất hiện như một quyền lực mạnh mẽ, nhanh nhậy có khả năng chuyển đổi, phục hồi những mảnh hồn bại liệt như lằn điện gây sốc kích động từng sợi thần kinh, ăn sâu vào từng thớ thịt làm cho cơ thể vốn èo uột tìm lại được sự sung mãn tràn đầy sức mới.
Mọi động thái diễn ra một cách âm thầm, khó thể cảm nhận như bà Ellen G. White đã viết, “Chẳng ai có thể thấy bàn tay đã trút đi những gánh nặng, hoặc dõi nhìn ánh sáng thiên thượng được soi rọi từ trên cao. Ơn phước thực sự chỉ đến một khi mỗi linh hồn – bằng đức tin của mình – biết tự thân quay về đầu phục Chúa. Rồi từ quyền lực này (mà chẳng ai chiêm nghiệm được bằng lòng trần mắt thịt) sẽ tạo dựng, biến hóa con người cũ thành một bản thể mới theo hình tượng của Đức Chúa Trời” (The Desire of Ages, tr. 173).
Quả là một thông điệp đáng suy gẫm cho những linh hồn đang đi trong tối tăm và cho một thế giới đang bị tàn lụi, lạc hướng. Chỉ có Ngôi Thứ Ba mới cứu ta ra khỏi mọi nan đề. Do vậy mà ta luôn cần ơn Đức Thánh Linh để trên cơ sở đó biết hết lòng tìm cầu sự hiện diện của Ngôi Thứ Ba – một Ân tứ không thể thiếu trong sinh hoạt hội thánh.
Đỗ xuân Thảo
(Dựa theo bài viết của Roy Adams, Phó Tổng Biên Tập, Adventist World, March’08).
0 1,440 4 minutes read