Văn-Thơ-Truyện

Một Gia Đình Dấn Thân Truyền Giáo

Là những người Cơ Đốc Phục Lâm, chúng ta đều được dạy dỗ một khi, “Tin lành nầy về nước Đức Chúa Trời sẽ được giảng ra khắp đất, để làm chứng cho muôn dân. Bấy giờ sự cuối cùng sẽ đến” (Ma-thi-ơ 24:14), thì hệ quả là ngày Chúa trở lại tất yếu phải đến. Muốn vậy các con cái Chúa phải tích cực làm chứng về danh Ngài và sứ mạng “dấn thân truyền giáo” trở thành công vụ thường xuyên không chỉ trong phạm vi hội thánh địa phương mà còn trải rộng ra các vùng đất xa xôi khắp các châu lục.
Ngày nay công việc truyền giáo đã mang tính chất toàn cầu và bằng những nỗ lực không mệt mỏi, giáo hội ta trong nhiều thập niên qua đang tập trung vào các xứ kém mở mang vùng Phi Châu, Á Châu và Mỹ La Tinh. Trong quá trình dấn thân truyền giáo, nhiều tấm gương hi sinh của các con cái và tôi tớ Chúa luôn được trân quý như là những chứng nhân không mệt mỏi đi gieo hạt giống Tin Lành của Chúa ra tận đầu cùng trái đất.
Gần đây nhất vào một ngày giữa tháng 4/2008, cả thế giới người ta chú ý về một tai nạn máy bay xảy ra tại Phi Châu. Trong khi loan tải về các con số thương vong và những người sống sót, báo chí truyền thông họ đã dành phần quan tâm đặc biệt cho một gia đình truyền giáo Cơ Đốc Phục Lâm người vùng Minnesota (Mỹ) đã thoát hiểm một cách diệu kỳ. Gia đình gồm hai vợ chồng, ông bà Barry và Marybeth Mosier, đứa gái April 14 tuổi và cậu bé Andrew 3 tuổi. Chính cô gái là người đầu tiên đã phụ lực một người đàn ông phá thủng một lỗ lớn trên thân tàu để làm cửa khẩu thoát thân cho toàn bộ hành khách trước khi phát nổ. Ở đây không nhắc lại chi tiết tai nạn đã được đài CNN loan tin (được Mục sư chủ nhiệm TNHV cho chuyển ngữ và lên mạng VietSDA ngay hôm sau) nên người viết bài này chỉ tập trung vào vài nét liên hệ đến gia đình Cơ Đốc Phục Lâm.
Thứ nhất, gia đình này là một gia đình truyền giáo, từ cha mẹ con cái đều là những thành viên tích cực. Họ được ơn kêu gọi từ Chúa khi gia đình Mosiers đã hoạt động liên tục cho công việc truyền giáo tại xứ Tanzania, một vùng đất miền đông. Trung Phi từ 8 năm nay. Ba tháng trở lại đây, đứa con trai lớn Keith, 24 tuổi lại từ Mỹ sang được cử làm trưởng toán công tác truyền giáo và cứu trợ tại xứ Congo sát nách quốc gia này. Bố mẹ và hai em của cậu đáp chuyến bay ‘định mệnh’ chủ ý là sang thăm cậu xem công việc thế nào để nếu được cả gia đình sẽ chuyển hẳn sang Congo và trên đường đi chiếc DC-9 đã lâm nạn tại Gomo, nơi có văn phòng của giáo hội khi vừa cất cánh khỏi mặt đất.
Sau khi tai nạn xảy ra, chuyện cảm động ở chỗ là cô April khi được di tản về bệnh viện, cô tin chắc cha mẹ và đứa em đã chết, nhưng không ngờ sau đó gia đình lại ‘đoàn tụ’ bình an, chỉ cậu bé bị gẫy chân khi hành khách xô đẩy nhau lúc thoát khỏi thân tàu. Được săn sóc xong, nhân viên cứu cấp không chịu trao lại cho mẹ cậu lý do chỉ vì vấn đề . . . màu da. Té ra cậu bé da đen này được gia đình nhận làm con nuôi. Bà mẹ phải xuất trình passport, vật duy nhất còn lại trong người, bà mới nhận lại được thằng “con út”.
Nhìn các hình ảnh của gia đình được đăng tải trên báo chí, truyền hình độc giả không thể nhận ra mẹ nuôi của cậu tuổi đời chỉ mới 53, nhưng trông giống như một bà già ở tuổi 68, ông chồng kém bà hai tuổi nhưng cũng chẳng trẻ hơn. Người xem hiểu ngầm bà mẹ giàu nghị lực này dù bận rộn tất bật với công việc Chúa cả gần chục năm tại vùng núi rừng heo hút, lại còn thêm vất vả vì nhận đứa bé mồ côi làm con nuôi từ ba năm nay nên chuyện già trước tuổi là điều dễ hiểu.
Cũng trong các cuộc phỏng vấn, tiếp xúc, người cha cho biết sẽ tiếp tục cuộc hành trình dù sự khởi đầu có phần không suôn sẻ, nhưng ông vững tin, “gia đình chúng tôi sống sót là có duyên cớ và duyên cớ đó là Chúa còn có công việc cho chúng tôi làm, biết đâu ý Chúa muốn gia đình tôi chuyển sang Congo hoặc bất cứ nơi nào Chúa cần là chúng tôi theo.”
Sau tai nạn, dù bị chấn thương mạnh về mặt tâm thần, có tác động đến phần tâm sinh lý, nhưng về mặt thuộc linh họ không hề dao động mà vẫn giữ vững lòng tin nơi Chúa. Họ ước nguyện sau khi phục hồi, gia đình lại tiếp tục công việc như là những chứng nhân của Hy Vọng (Agents of Hope). Họ cũng không ngại gian nguy nơi vùng rừng rậm Phi Châu vì họ tâm niệm, “nơi nào Chúa muốn chúng tôi đến, nơi đó là an toàn” và mọi sự ý Chúa được nên. Chính vì quyết tâm như vậy, nên cả gia đình dành được sự mến mộ của hàng triệu người theo dõi diễn biến câu chuyện thoát nạn diệu kỳ, vì họ không thể ngờ đức tin của gia đình truyền giáo này không hề chao đảo vì sợ bất trắc hiểm nguy cho cuộc hành trình thuộc linh trước mắt hoặc có ý bỏ cuộc vì ngại khó ngại khổ nơi rừng sâu xứ lạ cách xa quê hương an bình của họ cả hàng chục ngàn cây số.
Thuật lại gương truyền đạo của gia đình Mosiers, một trong những chứng nhân đã được Chúa giục lòng mạnh mẽ trong niềm khao khát đi rao truyền lời Chúa, người viết lại liên tưởng đến chặng đường truyền giáo của những người anh chị em đã dấn thân ở quê nhà, điển hình là những vùng sâu, vùng cao trên Tây nguyên, những thôn xóm bản làng mà điều kiện sinh hoạt còn cơ cực thiếu thốn, chưa kể đường đi, lộ trình băng ngang các đèo chênh vếch đá, thung lũng thâm sâu, núi rừng heo hút. Nhưng bằng quyết tâm và khấn nguyện, các chứng nhân của Chúa vẫn tiếp tục bền bỉ kiên trì cả mấy chục năm qua đem hạt giống Tin Lành đến cho các người anh em sắc tộc, mà thành quả là đã đem rất nhiều người về với Chúa. Sự hi sinh của họ Chúa biết. Công khó của họ không thể bị lãng quên vì phần thưởng của họ thuộc về miền vĩnh cửu.
Đỗ Xuân Thảo

Related Articles

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Back to top button