Hưởng ứng lời kêu gọi Cần Vương của vua Tự Đức, vào năm 1861, Nguyễn Trung Trực chiêu mộ khá đông nông dân, nổi lên đánh phá các đồn của Pháp ở vùng Tân An. Nghĩa quân, dưới quyền chỉ huy của Nguyễn Trung Trực, đã thâu hoạch được chiến công vẻ vang vào ngày 11-12-1861: đốt cháy rụi chiếc pháo thuyền Espérance của giặc Pháp tại vàm Nhựt Tảo, thuộc tỉnh Long An. Để ca tụng chiến công lẫy lừng của nhà cách mạng dân tộc, có người đã đề hai câu thơ:
Hỏa hồng Nhựt Tảo oanh thiên địa,
Kiếm bạc Kiên Giang khóc quỉ thần.
Diễn nghĩa:
Lửa Nhựt Tảo thiêu đốt phường cướp nước ngập cả đất trời,
Kiếm Kiên Giang vung lên làm cho quỉ sợ thần kinh.
Nhưng không bao lâu, do sự điềm chỉ của bọn tay sai, quân Pháp chiếm được Kiên Giang. Nguyễn Trung Trực phải rút quân về Núi Trầu, Hà Tiên; sau đó lánh sang đảo Phú Quốc. Ông thành lập chiến khu Cửa Cạn. Đã bao lần các tên phản quốc đem quân Pháp vào tấn công những căn cứ của nghĩa quân, nhưng đều thất bại. Theo lời xúi giục của lũ Việt gian, Pháp bắt giữ thân mẫu của Nguyễn Trung Trực và đồng bào trong vùng; rồi ra lệnh, nếu Nguyễn Trung Trực không chịu ra qui hàng, sẽ đem những người nầy ra xử tử.
Nhận thấy việc kháng Pháp không thể kéo dài thêm nữa, vả lại cần cứu sống mẹ và hàng trăm nhân mạng khác, Nguyễn Trung Trực phải giải tán tất cả nghĩa quân, rồi tự mình ra nạp mạng cho Pháp!
Thi sĩ Hàn Mặc Tử, khi mắc bệnh phong cùi, cảm thấy cái mong manh của kiếp người, nên đã thốt:
Chỉ có trăng sao là bất diệt,
Cái gì khác nữa thảy đi qua.
Năm 1940, Hàn Mặc Tử vừa đúng 28 tuổi. Thi sĩ nhờ một vị bác sĩ người Pháp, lúc đó đang làm giám đốc Bệnh viện Qui Nhơn, khám bệnh. Sau khi khám xong, bác sĩ tuyên bố bệnh tình của thi sĩ đã đến lúc trầm trọng.Tất cả những bộ phận trong người thi sĩ đều bị hư hỏng, có lẽ do những chất độc trong các thuốc trị bệnh hủi gây nên. Từ hôm ấy, Hàn Mặc Tử biết rằng mình đã đi vào con đường không có lối thoát. Người thi sĩ tài hoa bạc phận tỏ ra rất bình thản và đã nói với mẹ: “Mẹ ơi! Con sắp chết nay mai. Con không sợ chết Mẹ ạ! Nhưng nghĩ rằng con sẽ phải bỏ Mẹ, con đau lòng quá.”
Bài học cuối cùng mà Đức Chúa Giê-su ban cho loài người là bài học về bổn phận làm con. Trong khi đám đông tập trung lại tại đồi Gô-gô-tha để chứng kiến cái chết của Ngài, Ngài tìm thấy Sứ đồ Giăng đang nâng đỡ Bà Ma-ri. Nhìn xuống gương mặt đau khổ của mẹ và môn đệ Ngài yêu quý đứng đó, thì thưa cùng mẹ rằng: “Xin mẹ nhận người này làm con” (Giăng 19:26, BDM). Đoạn, Ngài lại phán cùng người môn đệ rằng: “Đó là mẹ ngươi” (Giăng 19:27).
Từ lúc đó trở đi, Sứ đồ Giăng đưa mẹ của Chúa về nhà mình, chăm nom săn sóc bà như đứa con chí hiếu đối với mẹ. Cái gương toàn hảo của Chúa Giê-su sáng ngời rực rỡ, nổi bật khỏi lớp sương mù của các thời đại. Trong khi chịu đựng sự hành hạ đau đớn tột cùng để làm của chuộc tội cho loài người, Ngài không quên mẹ, lại lo dự bị mọi sự cần thiết cho đời sống của mẹ.
Kinh Thánh dạy: “Hỡi kẻ làm con cái, hãy vâng phục cha mẹ mình trong Chúa, vì điều đó là phải lắm. Hãy tôn kính cha mẹ ngươi…, hầu cho ngươi được phước và sống lâu trên đất” (Ê-phê-sô 6:1-3).
Đào Thanh Khiết