Tùy Bút

Ma-ri, Người Nữ Được Ơn

Chúng ta, phần lớn, ghi nhớ trong trí mình hình ảnh bà Ma-ri theo như những hình vẽ hay các bức tượng mà các họa sĩ hoặc điêu khắc gia sáng tạo theo truyền thống. Các họa sĩ và điêu khắc gia của Âu châu chịu ảnh hưởng tôn giáo nên hình ảnh bà Ma-ri được vẽ hoặc khắc dưới hình một thánh nữ với hào quang và trái tim nhân ái.
Bà Ma-ri, theo Kinh Thánh, quê ở làng Na-xa-rét, vùng đồi núi Ga-li-lê. Phong thổ vùng đất nầy khô khan và không nhiều mưa nên đời sống dân ở đây nghèo, vất vả và họ phải rất chuyên cần; và họ cũng rất sùng đạo vì họ biết họ phải trông cậy vào Chúa rất nhiều để sinh tồn nơi vùng đất khô hạn nầy.
Nhân mùa Giáng Sinh, chúng ta hãy xem lại Kinh Thánh nói gì về “người nữ được ơn”, người mà Đức Chúa Trời đã chọn để mang Đức Chúa Jesus đến trần gian, và giao trọng trách làm mẹ và là người dưỡng dục Đấng Cứu Thế trong những năm Ngài còn thơ ấu cho đến khi Ngài trưởng thành và nhận lãnh chức vụ thiên thượng của Ngài.
Bốn sách Phúc Âm Ma-thi-ơ, Mác, Lu-ca và Giăng, là lời ghi lại của các nhân chứng đã sống cùng với Đức Chúa Jesus, và họ đã mắt thấy tai nghe cuộc đời hành đạo của Ngài. Qua các sách nầy chúng ta có thể thu thập được hình ảnh bà Ma-ri và cuộc đời của bà.
Ma-thi-ơ là sách Phúc Âm viết với chủ ý cho các độc giả người Do Thái, nên gia phả của Giô-sép, cha của Đức Chúa Jesus được ghi tường tận để chứng tỏ rõ ràng Ngài là giòng dõi nhà Vua Đa-vít. Sách Ma-thi-ơ không ghi nhiều về bà Ma-ri. Tuy nhiên, sách Phúc Âm nầy rất quả quyết về sự đồng trinh của bà Ma-ri khi bà được Đức Chúa Trời chọn, và đã lặp lại điều xác tín ấy nhiều lần khi nói về sự giáng sinh của Đức Chúa Giê-su, “Khi Ma-ri, mẹ Ngài, đã hứa gã cho Giô-sép, song chưa ăn ở cùng nhau, thì người đã chịu thai bởi Đức Thánh Linh” (Ma-thi-ơ 1:18). “Hỡi Giô-sép, con cháu Đa-vít, ngươi chớ ngại lấy Ma-ri làm vợ, vì con mà nàng chịu thai đó là bởi Đức Thánh Linh” (câu 1:20). “Nầy một gái đồng trinh sẽ chịu thai, và sanh một con trai, rồi người ta sẽ đặt tên con trai đó la Em-ma-nu-ên; nghĩa là Đức Chúa Trời ở cùng chúng ta” (câu 1:23). “Khi Giô-sép thức dậy rồi, thì làm y như lời thiên-sứ của Chúa đã dặn, mà đem vợ về với mình, song không hề ăn ở cho đến khi người sanh một trai thì đặt tên là JESUS” (câu 1:24).
Sách Phúc Âm của Mác không nhắc nhiều đến bà Ma-ri vì Mác khởi đầu sách mình là kể ngay vào chức vụ hành đạo của Đức Chúa Jesus. Ông viết về Đức Chúa Jesus là Đấng chúng ta tin, và đối với những kẻ tin Ngài, biết về chức vụ của Chúa là điều quan trọng hơn cả. Ông nhắc đến mẹ của Chúa cũng như bà đã là một trong những người tín đồ và môn đồ luôn luôn đi theo Ngài (Mác 3:31-35). Mác cũng cho thấy sau Đức Chúa Jesus, ông Giô-sép và bà Ma-ri cũng có những người con trai và con gái khác nữa, “mẹ và các em thầy”.
Lu-ca là một y sĩ, có lẽ ông là người có học hơn hết trong bốn tác giả Phúc Âm. Lối hành văn của ông có mở đầu, thân bài và kết luận. Mục đích của sách Lu-ca là viết về Đức Chúa Jesus cho những người không phải người Do Thái. Độc giả của Lu-ca thời ấy là những người Hy Lạp, La Mã hay những giống dân ở trong vòng cai trị của đế quốc La Mã. Lu-ca kể lại sự giáng sinh của Đức Chúa Giê-su với đầy đủ chi tiết nhất. Ông tả lại người thiếu nữ Ma-ri là người nữ được ơn. Qua ngòi bút của Lu-ca, chúng ta biết được Ma-ri là một người thiếu nữ tuận đạo và trung tín với Đức Chúa Trời. Nàng như những Cơ Đốc nhân trung tín, khi được sự kêu gọi của Chúa, sẽ sẵn lòng trả lời, “Chúa ơi xin hãy dùng con theo ý Ngài.” Khi Ma-ri được chọn làm mẹ của Con Trời, nàng đã vui mừng mà ca tụng Đức Chúa Trời rằng,
“Linh hồn tôi ngợi khen Chúa,
Tâm thần tôi mừng rỡ trước Đức Chúa Trời,
là Cứu Chúa tôi;
Vì Ngài đoái đến sự hèn hạ của tôi tớ Ngài.
Nầy từ rày về sau, muôn đời sẽ khen tôi
là kẻ có phước.” (Lu-ca 1:16-18)
Lu-ca ghi lại tuổi thơ ấu của Đức Chúa Giê-su theo lời bà Ma-ri kể lại cho ông. Cũng vì vậy, giòng dõi của Đức Chúa Jesus ghi trong đoạn 3:23-38 là gia phả của phía bên mẹ của Đức Chúa Jesus (Lu-ca 3:23-38). Ở đây, Giô-sép được ghi là con (rể) của Hê-li. Và giòng của Ma-ri và Giô-sép đều đến từ vua Đa-vít (Giô-sép thuộc giòng của vua Sa-lô-môn, và Ma-ri đến từ giòng một người con trai khác của Đa-vít là Na-than). Sách Phúc Âm Lu-ca kể tận tường về sự giáng sinh của Đức Chúa Giê-su, và cũng ghi lại sự trưởng dưỡng của Chúa và những kỷ niệm thơ ấu lạ lùng của Ngài mà bà Ma-ri rất ghi nhớ trong lòng.
Sách Phúc Âm của Giăng nhắc đến bà Ma-ri hai lần. Trong một tiệc cưới tại Ca-na, chính bà Ma-ri đã đến xin Đức Chúa Jesus giúp cho tiệc cưới ấy vì họ hết rượu nho. Không hẳn bà Ma-ri xin phép lạ, nhưng bà muốn nhờ Chúa (là con trai trưởng của bà) xem Ngài có cách gì giúp đỡ cho họ trong tình trạng khẩn trương. Đức Chúa Jesus đã làm phép lạ hóa nước thành rượu nho. Đó là phép lạ đầu tiên của chức vụ Ngài (Giăng 2:1-12). Lần thứ hai, Giăng nhắc đến bà Ma-ri khi bà, nơi đồi Sọ, ở dước chân thập tự giá khi Đức Chúa Jesus bị tử hình và tắt hơi thở cuối cùng (câu 19:25-27). Trước khi chết, Đức Chúa Jesus nhìn thấy Giăng đứng cạnh mẹ mình, Ngài đã giao Giăng chăm nom mẹ cho mình vì Ngài biết giờ mình đã đến. Đức Chúa Jesus là con trưởng nam, Ngài biết mình phải chết sớm, thấy mình không làm đủ phận làm con nên Ngài đã giao Mẹ mình cho Giăng để nhờ ông làm kẻ chăm nom Mẹ thay mình. Nhiều nhà nghiên cứu Kinh Thánh cho rằng ông Giô-sép lúc ấy hẳn đã qua đời, và các em của Chúa vì không có mặt ở nơi Chúa bị giết nên Ngài đã giao trách nhiệm nầy cho Giăng. Bà Ma-ri và ông Giô-sép còn có nhiều người con khác nữa, và một người em của Đức Chúa Giê-su là ông Gia-cơ, một lãnh đạo của hội thánh, là tác giả của Thư của Gia-cơ gởi cho các tín hữu.
Vì vai trò làm mẹ Chúa của mình mà bà Ma-ri đã được gọi là Mẹ của Chúa. Vì lẽ đó, có những Cơ Đốc nhân cho rằng người ta có thể nhờ Mẹ của Ngài mang lời cầu khẩn, năn nỉ của mình đến cùng Chúa. Đúng ra chỉ có Đức Chúa Jesus mới là Đấng có thể cầu thay cho chúng ta. Khi Đức Chúa Jesus trở về trời, Chúa không dạy các môn đồ rằng họ phải đến nhờ vả mẹ Ngài để nhờ bà làm trung gian cầu khẩn cùng Ngài. Trái lại, Đức Chúa Jesus đã hứa với các môn đồ rằng, khi Ngài đi rồi, Đức Chúa Trời sẽ ban Đấng Yên Ủi tức là Đức Thánh Linh đến để ở cùng họ và Đấng ấy sẽ dạy dỗ họ mọi sự, nhắc lại cho họ nhớ mọi điều mà Chúa đã phán dạy họ (xem Giăng 14:25-28).
Bà Ma-ri, đích thực là một người nữ được ơn hơn hết trong hết thảy mọi người đàn bà trên thế gian. Trong lời ca vui mừng khi được Đức Chúa Trời chọn để hoài thai Đức Chúa Jesus, bà đã tiên tri đúng về tương lai của mình, “Từ rày về sau, muôn đời sẽ khen tôi là kẻ có phước.”

Ngọc Liên

Related Articles

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Back to top button