Câu Chuyện Truyền Giáo

Lời Nói

Tương quan của người với người là qua lời nói. Vì lẽ đó trong toàn Kinh Thánh có rất nhiều sư dạy đồ về lời nói, về cách nói. Kinh Thánh nói về lời nói dối, về lời nói thật, về lời dua nịnh, về lời nhạo báng, về tính thài lai, về sự nghiêm trọng của cái lưỡi, và về sự làm vinh hiển Chúa qua lời nói của mình.

Khi chúng ta muốn bồi đắp mối tương quan của mình với nhau, chúng ta cần có lời nói. Lời nói đến từ lòng yêu thương, tha thứ là những lời hữu ích. Trong cả những lời nhắc nhở, khuyên nhủ, chúng ta cũng cần nói lời ngọt ngào thương yêu để thúc giục ủng hộ lòng người nghe. Khi chúng ta dùng lời chỉ trích, chắc chắn sẽ không có hiệu quả bằng mà có khi còn làm tình thân nứt rạn. Người Việt cũng đã có câu, “Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau ”, và Kinh Thánh cũng dạy, “Lời đáp êm nhẹ làm nguôi cơn giận, còn lời xẵng xớm trêu thạnh nộ thêm.” (Châm Ngôn 15:1).

Kinh Thánh cũng dạy, “Kẻ nào lấp giấu tội lỗi tìm cầu điều tình ái; Còn ai nhà lập lại điều gì chia rẽ bạn bầu thiết cốt.” Hay theo bản dịch 2011, “Bỏ qua lầm lỗi bồi đắp thêm tình cảm, Còn cứ nhắc lại lỗi xưa cưa tình bạn nát tan. ” (Châm ngôn 17:9).

Lời Châm Ngôn ở đây dạy chúng ta căn nguyên của một cách nói. Khi chúng ta tha thứ những lỗi lầm người khác vi phạm với mình, khi chúng ta quên đi những lời nói không hay, những hành động không tốt của một người nào đó đối với mình; Nghĩa là chúng ta chôn sâu và phủ lấp để không còn thấy hay nhớ lại nữa; Thì lòng chúng ta sẽ dễ thương người ta hơn, và tình bạn sẽ thêm khắng khít. Trong khi đó, nếu ai lỡ vi phạm với mình một điều gì, mình nhắc đi nhắc lại để họ và mình không quên được, hoặc chúng ta đi lặp lại hay kể lại cho người khác, thì chắc chắn cái tình thân, tình bằng hữu giữa mình với người này sẽ nát tan.

Đôi khi trong một cuộc tranh cãi, người ta muốn mang cái xấu hay điều lầm lỡ của người kia ra nói để cho đả tức, để thắng cuộc tranh luận, hoặc để hạ nhục họ. Làm thinh không nhắc hay lặp lại điều sai quấy hay sai lầm của người khác nhiều khi sao khó quá. Tiếng Việt gọi là “Chỉ muốn nói toạc móng heo” ra cho rồi. Hoặc muốn nói thẳng những cái xấu, cái ngu của người khác cho họ bẽ mặt!

“Lặp đi lặp lại điều gì” còn có thêm một nghĩa khác nữa. Trong đời sống mỗi ngày, khi nghe một điều gì không đúng sự thật về một ai đó, chúng ta không lặp lại những điều ấy. Nếu đã biết là không đúng, nhưng cũng cứ đi kể lại (Lặp đi lặp lại) với người khác. Chẳng hạn, “Tôi nghe có người nói . . . tôi biết chuyện này không đúng . . .”, nhưng vẫn kể lại. Khi làm như vậy, chúng ta đã góp phần rao báo những lời đồn dài hay phao tin thất thiệt để làm tổn hại người khác.

Là môn đồ của Đức Chúa Jesus, chúng ta cần mỗi ngày khôn lớn càng thêm, càng được giống Chúa của mình thì chúng ta cũng nhận được đức tính hay quên và dễ bỏ qua của Thiên Chúa. Ngài quên và phủ lấp mọi tội lỗi trong quá khứ của chúng ta. Và chúng ta cũng trông cậy vào sự làm việc của Đức Thánh Linh để hoán cải đời sống mình mỗi ngày mỗi tốt hơn bằng cách tự kềm chế môi miệng mình không phát ra những lời nóng nảy, tức giận, thô tục, hay những lời nói với mục đích để làm thương tổn người khác dầu trước mặt hay sau lưng, giữa đám đông hay lúc vắng người, với bất cứ một ai. Lời Kinh Thánh cũng đã răn dạy, “Bởi cái lưỡi chúng ta khen ngợi Chúa, Cha chúng ta; Và cũng bởi nó chúng ta rủa sả loài người, là loài tạo theo hình ảnh Đức Chúa Trời. Đồng một cái miệng mà ra cả sự khen ngợi và rủa sả! Hỡi anh em, không nên như vậy ”.(Gia-cơ 4: 1- 10).

Lời nói của chúng ta phải là những lời nói ngợi khen, là những lời nâng đỡ lẫn nhau, và là những lời nói để cho người ta hòa thuận với nhau, vì Đức Chúa Giê-su đã dạy, “Phước cho những kẻ làm cho người hòa thuận vì sẽ được gọi là con Đức Chúa Trời!”

Ngọc-Liên

Related Articles

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Back to top button