Tùy BútVăn-Thơ-Truyện

Lặn Theo Mặt Trời

Tục ngữ có câu: “No mất ngon, giận mất khôn.” Khi bụng đã no mà còn ăn ráng thì bắt ngán mà hết biết ngon; như khi nóng giận thì nói năng thiếu lễ độ lại hay sai lầm và quyết định khó sáng suốt mà hư việc. Những thầy dạy võ thường khuyên các võ sinh, trong khi nóng giận thì đừng nên chiến đấu. Trương Phi, người thời Tam Quốc, tài giỏi về võ nghệ, lại kém mưu lược, tánh nóng nảy nên kết quả bị bộ hạ ám sát.
Bảo Huấn nói: Người ta ở đời, nêu gặp kẻ đối xử với mình cách ngang ngược, thì nên coi như đi trong bụi rậm, áo vướng phải gai, chỉ nên thong thả đứng lại, gỡ dần ra mà thôi. Cái gai góc kia có biết chi mà đáng giận. Xử được như thế, thì tâm mình không phiền não mà bao nhiêu nỗi oán hận cũng tiêu tan được ngay. Cổ nhân có câu: “Ta nên coi những sự ngang ngược phạm đến ta như thuyền không lỡ đâm vào ta, như cơn gió dữ lỡ tạt phải ta, nghĩ cho cùng, có chi mà đáng giận.”
Sách Truyền đạo 7:9 khuyên chúng ta, “Chớ nên giận; vì sự giận ở trong lòng kẻ ngu muội.”
Giận lên là phát cơn điên,Người khôn hóa dại, người hiền hóa ngu.Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc
Sách Châm ngôn 29:22 nêu rõ căm giận là điều tội lỗi. “Người hay giận gây ra điều tranh cạnh; và kẻ căm gan phạm tội nhiều thay.”
Để làm phương cách giữ thân nuôi tính, Mạnh Tử dùng ba câu tự phản: tự mình hỏi mình, xét lại mình đã thật là nhân hậu chưa, đã thật là lễ độ chưa, đã thật là khôn ngoan chưa. Vì nếu ta chỉ một mực thấy cái trái của người, thì ngay như anh em, vợ con, bè bạn cho đến con mèo, con chó trong nhà, thật cũng có nhiều lúc đáng làm cho chúng ta bực.
Luận về người chủ gia đình, “Hỡi kẻ làm cha, chớ hề chọc giận con cái mình, e chúng nó ngã lòng chăng” (Cô-lô-se 3:21). Luận về người nội trợ, “Thà ở nơi vắng vẻ, hơn là ở với một người đàn bà hay tranh cạnh và nóng giận” (Châm ngôn 21:19). Các bậc làm cha mẹ chớ nên răn dạy con cái trong khi nóng giận.—Adventist Home, tr. 314-315. Đối với cha mẹ, “Hỡi kẻ làm con, mọi sự hãy vâng phục cha mẹ mình, vì điều đó đẹp lòng Chúa” (Cô-lô-se 3:20). Nhất là trong gia đình, “Đừng bao giờ để mặt trời lặn mà còn hậm hực” (Ê-phê-sô 4:26, Thánh Kinh Tân Ước–Phiên Dịch và Diễn Nghĩa). Nếu có điều chi xích mích với nhau thì nên làm hòa trước mặt trời lặn.
Sau đây là cách đối phó hữu hiệu với những người giận dữ:
1. Đáp êm nhẹ. “ Lời đáp êm nhẹ làm nguôi cơn giận” (Châm ngôn 15:1).
2. Im lặng. Sách có câu: “Nói là bạc mà im lặng là vàng.” Sự im lặng nhẫn nại chịu đựng là lối hay để làm tan biến lòng tức giận. –Ministry of Healing, tr. 486.
3. Tránh xa kẻ cường bạo. “Chớ làm bạn với người hay giận; chớ giao tế cùng kẻ cường bạo, e con tập theo đường lối nó, và linh hồn con bị bẫy hãm hại chăng” (Châm ngôn 22:24, 25).
4. Lấy điều thiện thắng điều ác. Thay vì “ăn miếng trả miếng,” Kinh Thánh dạy chúng ta: “Đừng để điều ác thắng mình, nhưng hãy lấy điều thiện thắng điều ác” (Rô-ma 12:21).
Đào Thanh Khiết

Related Articles

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Back to top button