Tùy BútVăn-Thơ-Truyện

KHIÊM NHƯỜNG VÀ KHÔN SÁNG

 

 

George Bernard Shaw nói: “Nhiều người không hề trẻ, một số người không bao giờ già.” Có phải văn hào Ái Nhĩ Lan muốn nêu lên sự cằn cỗi lẫn ấu trĩ của người đời? Nếu thế thì làm sao chúng ta có thể, cùng một lúc, sống cả như  trẻ thơ và người trưởng thành!

Sách Ma-thi-ơ 18:1-4 ghi lại cuộc đàm thoại giữa Đức Chúa Giê-su và các môn đồ: “Trong lúc đó, môn đồ lại gần Đức Chúa Giê-su, mà hỏi rằng: Ai là lớn hơn hết trong nước thiên đàng? Đức Chúa Giê-su gọi một đứa trẻ đến, để ở giữa môn đồ, mà phán rằng: Quả thật, ta nói cùng các ngươi, nếu các ngươi không đổi lại và nên như đứa trẻ thì chẳng được vào nước thiên đàng đâu. Vậy,  hễ ai trở nên khiêm nhường như đứa trẻ nầy, sẽ là lớn hơn hết trong nước thiên đàng.”

Chữ đổi lại trong lời Chúa có nghĩa là hoán cải hay chuyển biến. Tức là bỏ nếp sống cũ, thay vào nếp sống mới, cải thiện tâm tánh theo đường đạo. Chữ đứa trẻ ở đây, không có nghĩa là nhỏ tuổi, nhưng có nghĩa là người theo Chúa giống như đứa trẻ thơ, hoàn toàn tin cậy nơi Ngài. Họ trở thành khiêm nhường như con trẻ sẽ được thừa hưởng Thiên đàng.

Mặt khác, Sứ đồ Phao-lô khuyên chúng ta: “Hỡi anh em, về sự khôn sáng, chớ nên như trẻ con; nhưng về sự gian ác, hãy nên như trẻ con vậy. Còn về sự khôn sáng, hãy nên như kẻ thành nhân” (I Cô-rinh-tô 14:20). Chúng ta nên tìm hiểu sứ mạng và quyền năng của Đức Chúa Giê-su. Ngài xuống thế gian để cứu chuộc tất cả những ai đến với Ngài, kể cả những kẻ khốn cùng nhất trong nhân loại. Sự hiểu biết về Chúa của chúng ta, không phải hạn hẹp như  trẻ con, nhưng cần thâm sâu như người trưởng thành.

Sứ đồ Phao-lô còn nói rõ thêm về cuộc đời đạo hạnh của người theo dấu chân Chúa: “Khi tôi còn là con trẻ, tôi nói như con trẻ, tư tưởng như con trẻ, suy xét như con trẻ; khi tôi đã thành nhân, bèn bỏ những điều thuộc về con trẻ” (I Cô-rinh-tô 13:11). Đời sống của người theo Chúa cần có sự đổi mới. Lời nói, tư tưởng và hành động của chúng ta cần phản ảnh trung thực nếp sống của người hiểu biết lẽ thật. Sứ đồ “muốn chúng ta không như trẻ con nữa, bị người ta lừa đảo, bị mưu chước dỗ dành làm cho lầm lạc, mà day động và dời đổi theo chiều gió của đạo lạc, nhưng muốn chúng ta…thảy đều hiệp một trong đức tin và trong sự hiểu biết Con Đức Chúa Trời, mà nên bậc thành nhân, được tầm thước vóc giạc trọn vẹn của Đấng Christ” (Ê-phê-sô 4:14, 15, 13).

Nói tóm lại, muốn được cứu rỗi, chúng ta cần có sự chuyển hướng: hoàn toàn đầu phục Chúa, khiêm nhường như trẻ thơ và khôn sáng như người trưởng thành trong Đấng Cứu Thế. Như  vậy, chúng ta tránh khỏi bị lung lay bởi mọi tà thuyết, tránh khỏi cạm bẫy của người đời, vừa gian manh lại tinh quái.

Đào Thanh Khiết

 

Related Articles

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Back to top button