Văn-Thơ-Truyện

HIỆN TẠI DỆT TƯƠNG LAI

 

Thầy Tử Lộ hỏi Đức Khổng Tử:

Người quân tử cũng lo sợ ư?

Đức Khổng Tử trả lời:

Người quân tử chỉ cốt suy nghĩ định liệu công việc của mình, lúc chưa làm được thì vui rằng mình có ý định làm; lúc đã làm được thì lại vui rằng mình có trí làm được việc. Thế cho nên người quân tử có cái vui thú suốt đời, không có cái lo sợ một ngày nào cả.

Kẻ tiểu nhân thì không thế, lúc chưa làm được thì lo sợ rằng không được; lúc đã làm được thì lo sợ hỏng mất. Thế cho nên kẻ tiểu nhân có cái lo sợ suốt đời, không có cái vui thú nào cả.

Chúng ta đang bước vào năm mới. Mỗi ngày chúng ta xích lại gần hơn năm 2000, con số đã làm cho cả thế giới lo âu. Người sợ thiên tai động đất, giặc giã, đói kém; kẻ sợ máy điện toán không biết chấp nhận năm bắt đầu với con số 2, khiến kinh tế khủng hoảng; kẻ khác sợ Chúa đến chưa kịp ăn năn hối lỗi. Thôi thì đủ hạng người lo lắng đủ điều. Người giàu sợ mất của, người nghèo sợ thiếu hụt, người yếu sợ chết, người mạnh sợ hết hưởng thụ, kẻ ác sợ phải đền tội, v.v.

Cái bệnh ưu phiền rất có hại cho sức khỏe. Người lo âu thường mắc chứng đau bao tử, yếu tim hoặc cả hai. Sự lo lắng khiến thân thể tiết ra chất độc, nhiễm vào máu. Trong thời Đông Châu, Ngũ Tử Tư trên đường lánh nạn, tìm cách thoát thân đặng báo thù nhà; suốt đêm trằn trọc, không ngủ được; sáng dậy tóc râu đều bạc trắng. Bởi thế nên, có thơ rằng:

 “Chuyện đời cao, thấp, nông, sâu;

      Nghĩ câu thành, bại; bạc đầu một đêm.”

Nhiều kẻ quá lo sợ cho tương lai, không biết nương tựa vào đâu. Thôi đành nhờ các thầy tướng số mách giúp, “chỉ cần xem một quẻ thôi, bệnh căn là hết ưu phiền[!]”

Theo các nhà tâm lý học thì con người có ba thứ tình cảm căn bản: yêu thương, hờn giận, sợ hãi. Khi hờn giận ai, chúng ta có khuynh hướng chống lại họ; khi sợ hãi ai hoặc điều gì, chúng ta có khuynh hướng tránh xa người ấy hoặc sự ấy; khi yêu thương ai, chúng ta có khuynh hướng đến gần họ.

Bạn và tôi nên chọn khuynh hướng nào? Hãy ngồi lại gần nhau trong tình huynh đệ, hướng về Chúa. Lòng Đức Chúa Trời yêu thương chúng ta là nguồn cội của lòng chúng ta yêu Chúa và anh em. “Quyết chẳng có điều sợ hãi trong sự yêu thương, nhưng sự yêu thương trọn vẹn thì cắt bỏ sự sợ hãi; vì sự sợ hãi có hình phạt, và kẻ đã sợ hãi thì không được trọn vẹn trong sự yêu thương” (I Giăng 4:18). Hãy tưởng tượng chúng ta là những thành bánh xe, còn Chúa là trục bánh xe ở chính giữa. Bánh xe lăn tròn cũng thể như chúng ta sinh hoạt tập thể. Chúng ta càng gần Chúa bao nhiêu, thì chúng ta càng gần anh em bấy nhiêu.

G.Le Bon nói: “Đời sống hiện tại dệt đời sống tương lai.” Nếu chúng ta kính Chúa, yêu người hôm nay, thì chúng ta sẽ có ngày mai. Sách Thi thiên 34:4 cho chúng ta thấy những lời chứng đạo vững chắc: “Tôi đã tìm cầu Đức Giê-hô-va, Ngài đáp lại tôi, giải cứu tôi khỏi [tất cả] các điều sợ hãi.”

Thật vậy, “Chúng ta không có gì lo sợ cho tương lai, trừ phi chúng ta quên rằng Chúa đã hướng dẫn chúng ta trong quá khứ…”—Life Sketches of Ellen G. White, tr. 196.

Đào Thanh Khiết

 

Related Articles

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Back to top button