Sứ đồ Phao-lô đã giải thích thế nào một người biết rằng Phúc Âm của Đức Chúa Giê-su ảnh hưởng đời sống mình. Ông nói rằng một người đã biết đạo Chúa, thì phải thực hành sự biết đạo của mình qua cách sống của mình. Trong chương 4 của bức thư gởi tín đồ ở hội thánh Ê-phê-sô, ông nói rất rõ ràng: “Vậy xin anh chị em hãy cởi bỏ sự giả dối; Mỗi người trong chúng ta hãy nói thật với người lân cận mình, . . . Anh chị em có quyền giận nhưng không được phạm tội, đừng giận dai cho đến lúc mặt trời lặn, và đừng cho Ác Quỷ có cơ hội. Kẻ hay trộm cắp chớ trộm cắp nữa, . . . Đừng có một lời dữ nào thoát ra từ miệng anh chị em, nhưng khi cần, chỉ nói những lời có ích cho sự xây dựng, đem ân lành đến cho người nghe”(Êph.4:25-29). Ông nhắc nhở cho những người đã được biết Chúa, đã xưng mình được Chúa tha tội cho rồi thì hãy sống cách nào để thể hiện rõ ràng mình là những người đã được Chúa yêu thương, ông tiếp, “Hãy loại bỏ khỏi anh chị em những cay đắng, giận dữ, thịnh nộ, la lối, vu khống, cùng tất cả những tật xấu. Hãy đối xử với nhau cách nhân từ, hãy thương xót nhau và tha thứ nhau, như Đức Chúa Trời đã tha thứ anh chị em trong Đấng Christ vậy” (Êph. 4:30-32).
Hãy đối xử nhau cách nhân từ. Như thế, sự giận dữ, thịnh nộ và la lối không là hành động của lòng nhân từ. Rồi Sứ đồ Phao-lô còn nói rằng, cả những lời cay đắng (Nặng nhẹ, than thân, cho mình bị thiệt thòi), hay nói đúng ra là đổ tội cho người khác, làm cho người ta cảm thấy ưu phiền, buồn bã cũng bị xem là các hành động không nhân từ. Và dĩ nhiên vu khống, cũng tương tự như nói lời cay đắng. Kinh Thánh nói rằng sự tử tế và lòng nhân hậu là kết quả của lòng người nào đã để cho Thần Linh của Đức Chúa Trời cảm hóa. Sách 2 Phi-e-rơ 1:5-9 đã giải thích tiến trình của một người biết đạo (Có đức tin) sẽ đưa đến lòng nhân từ với tha nhân: “ Vì đã nhận được những ân phúc ấy nên anh chị em hãy thêm các điều nầy vào đời sống mình: Có niềm tin, thêm nhân đức; Có nhân đức, thêm hiểu biết; Có hiểu biết, thêm tiết độ; Có tiết độ, thêm nhẫn nhục; Có nhẫn nhục, thêm thánh thiện; Có thánh thiện, thêm lòng nhân từ đối với nhau; Và có nhân từ, thêm tình yêu thương. Nếu anh chị em có được những điều đó và đang nẩy nở thì các đức tính ấy sẽ khiến anh chị em hữu dụng trong sự hiểu biết về Giê-su Chúa Cứu Thế chúng ta. Nhưng ai không có những đức tính ấy thì bị mù lòa; Quên rằng mình đã được tẩy sạch khỏi tội lỗi trước kia.” Như vậy, ta thấy sự nhân-từ, chỉ một bậc dưới tình yêu thương, gần như là tuyệt đỉnh thăng hoa của một người biết đạo, của một người biết rằng mình được Chúa yêu và đã được Ngài tha hết, tẩy sạch mọi tội lỗi của mình.
Nhiều người tự xưng rằng mình là tín đồ của Đức Chúa Giê-su, hay xưng rằng mình là Cơ Đốc nhân, nhưng phủ nhận rằng sự tiết độ là cần thiết. Hay họ cho rằng, tin Chúa là tin ở trong lòng đâu cần phải diễn tả bằng hành động. Đúng vậy, hành động nhân đức chưa hẳn là một con người nhân đức. Tuy nhiên, một người nhân đức luôn luôn phải có hành động nhân đức. Nhưng nếu không có tiết độ biết kềm chế dục vọng hay bản ngã mình, thì sẽ không thể nào làm cho một người có được sự nhẫn nhục hay sự thánh thiện. Và không có được sự thánh thiện và lòng tin kính, người ta khó có thể có được sự nhân từ. Khi đã biết bày tỏ sự nhân từ của mình rồi, người ta nên thêm vào đó tình yêu thương. Tức là làm sự nhân từ của mình với một lòng yêu thương, chứ không chỉ là một thái độ biểu diễn bề ngoài.
Kinh Thánh ghi lại rất nhiều trường hợp mà các thánh nhân đã có những hành động nhân từ. Và Đức Chúa Giêsu, chính Ngài, khi làm chức vụ giảng đạo và chữa bệnh, đã bày tỏ lòng nhân từ của Ngài với bao kẻ khốn khổ. Trong tất cả các chuyện ghi lại, có lẽ câu chuyện về người đàn bà phạm tội tà dâm là câu chuyện hùng hồn nhất cho chúng ta thấy lòng nhân từ của Chúa Cứu Thế.
Một ngày kia người ta kéo đến trước mặt Chúa một người đàn bà bị bắt quả tang phạm tội tà dâm. Ở đây, người ta xin Chúa cho phép họ ném đá cô ta cho đến chết! Họ hỏi Chúa cho phép họ xử tử một con người đã phạm tội. Trước mặt Chúa, chúng ta cũng đều là những kẻ đã phạm tội, chúng ta sẽ muốn Chúa làm gì với chúng ta? Người đàn bà phủ phục che mặt mình vì xấu hổ và sợ hãi, chờ đợi lời phán quyết của Chúa cho số mạng của nàng.
Nhưng Đức Chúa Giê-su là Đấng nhân từ. Ngài không đọc lại điều luật mà người đàn bà đã vi phạm (Chắc chắn nàng biết luật mà mình đã phạm). Ngài cũng không đọc lại hình phạt của tội nàng vi phạm là gì (Chắc chắn nàng biết hình phạt của tội mình là gì rồi). Ngài cũng không la rầy và mắng mỏ người đàn bà ấy. Khi các kẻ cáo tội nàng đã đi rồi, Đức Chúa Giê-su nói, “Ta cũng chẳng bắt tội ngươi. Hãy đi, và đừng phạm tội nữa.” Đó là sự nhân từ được tỏ bày từ lòng yêu thương! Chúng ta muốn được nghe Chúa phán với mình lời nhân từ ấy biết bao, “Ta cũng chẳng kết án ngươi. Hãy đi, và đừng phạm tội nữa.” Lời nói ân-hậu của Ngài phải làm lòng kẻ có tội mềm lại vì tâm linh người đã cảm thấu được sự nhân từ, sự dịu dàng của một tình yêu vô bờ mà Chúa có cho người.
Nguyễn Thị Ngọc Liên