Từ buổi sáng thế Đức Chúa Trời vẫn thường xuyên chuyện trò với vợ chồng A-đam, Ê-va mỗi buổi chiều khi Ngài đi ngang qua vườn Ê-đen (Sáng thế-ký 3:8). Về sau khi con người đi vào sa ngã, tội lỗi vướng mắc trên đất, Chúa không còn mặt đối mặt với loài người trong quan hệ khắng khít Chúa-tôi. Nhưng vì lòng thương xót và tình yêu thương của Đức Chúa Cha, Ngài sẵn sàng ‘đối thoại’ với con cái Ngài bất kể người đó là tôi tớ tiên tri của Chúa hoặc chỉ là tín đồ bình thường một khi họ tỏ ra lầm bầm, than thở, phàn nàn về những thử thách, hoạn nạn trong cuộc sống ở thế gian này. Đức Giê-hô-va đã phán, “Bây giờ hãy đến, cho chúng ta biện luận cùng nhau” (Ê-sai 1:18).
Ta cứ tưởng tượng làm sao có mối quan hệ tay đôi thân thương như vậy khi vua nói chuyện với thần dân, giữa tổng thống, chủ tịch một nước với công dân bình thường mỗi khi có những ưu tư, oan ức cần được giãi bày, giải tỏa? Chưa kể ngay trong quan hệ gia đình, cha con, chủ tớ cũng không có sự cãi lý cùng nhau. Nhưng cứ theo các tích thuật lại trong Kinh Thánh dựa trên các câu, các đoạn trích dẫn từ miệng các tiên tri, sứ đồ, quan xét, vua chúa, tôi tớ, con dân của Ngài thì hiển nhiên mối quan hệ giữa Chúa và người là một sự giao lưu hữu quan, được thể hiện trên căn bản thân tình giữa Cha và con. Chẳng thế mà ngày nay có cả bài hát xưng Đấng Cứu Thế là ‘Giê-su Thiết hữu’, người bạn thiết thân nhất của những kẻ yêu Ngài, và cũng là Đấng họ kính yêu tôn sùng nhất. Thiết hữu đây không phải hiểu gọn là chỉ có Chúa Giê-su mà bao gồm cả ba Ngôi, Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con và Đức Thánh Linh.
Quả thật trong cuộc sống ai cũng có ‘vấn đề’, mức độ phức tạp, nghiêm trọng tùy trường hợp, tùy hoàn cảnh, cho nên trong lúc thế cùng lực kiệt, không biết kêu ai thì con người chỉ còn cách quay lại kêu cầu cùng Chúa. Hơn ai hết Chúa hiểu điều này và Ngài luôn là Đấng biết lắng nghe, sẵn sàng giải đáp những vấn nạn, nan đề của cuộc sống. Quan hệ thông công giữa Chúa và người không chỉ hạn chế trong sự bày tỏ nỗi niềm, kêu xin thống hối mà Ngài còn cho phép con cái Chúa ‘biện luận, lý giải’ với Ngài nếu quả thật có điều oan khiên vướng mắc. Chính lúc này con người sẽ thấy ‘gần’ Chúa hơn, vì lẽ con người sẽ ‘cần’ Chúa hơn, một trải nghiệm mà trong lúc bình an vô sự con cái Chúa ít khi có dịp nhận ra. Không thiếu những gương trong Cựu Ước, tôi tớ Chúa như Gióp, Đa-vít, Đa-ni-ên . . . đã trực tiếp dám cật vấn Chúa, dám than phiền trách Chúa khi bản thân những người này cho là bị đối xử nặng nề trong nỗi gian truân họ phải trực diện. Chúa đã giải đáp cho họ, chỉ ra những yếu đuối vi phạm của họ và tùy trường hợp đã phục hồi, gia ơn cùng giải tỏa nỗi ẩn ức trong họ. Tân Ước còn thuật lại chuyện một người đàn bà dân ngoại gốc Gờ-réc vì ‘biện lẽ’ với Chúa Giê-su mà Ngài đã đổi ý và đuổi quỉ ra khỏi con gái của bà (Mác 7:24-29), một ơn huệ mà thường chỉ dành cho con cái của Chúa.
Để tìm hiểu thêm, ta hãy đọc lại nhiều đoạn ghi trong sách Gióp (đoạn 38 trở đi) và sách Thi thiên mà vua Đa-vít đã minh họa sinh động bằng chính những vụ việc của bản thân ông. Ta nên để ý là những người này dù trong cơn tuyệt vọng ngã lòng có ca thán ỉ ôi nặng lời kêu la cùng Chúa, nhưng từ đáy lòng họ vẫn một lòng trung tín với Đấng Chí Tôn. Chính Gióp đã thốt lên, “Dẫu Chúa giết ta, ta cũng còn nhờ cậy nơi Ngài; Nhưng ta sẽ binh vực tính hạnh ta trước mặt Ngài” (Gióp 13:15). Vua Đa-vít còn than thở ganh tị cả với những kẻ ác, “Miệng thì nói hành thiên thượng, Còn lưỡi lại phao vu thế gian” thế mà “Chúng nó bình an vô sự luôn luôn, nên của cải chúng nó thêm lên” (Thi Thiên 73: 9, 12). Nhưng rồi khi được giải cứu qua các hoạn nạn, tác giả Thi thiên nhìn nhận, “Đức Giê-hô-va là Đấng chăn giữ tôi . . . Dầu khi tôi đi trong trũng bóng chết, Tôi sẽ chẳng sợ tai họa nào; vì Chúa ở cùng tôi” (Thi Thiên 23:1, 4).
Hãy đến biện luận cùng Chúa, hãy trao tâm sự cho Ngài vì Ngài là Đấng Công Bình, chậm nóng giận, hay làm ơn, và giàu lòng thương xót, rồi Ngài sẽ xem xét mọi sự, giải quyết mọi sự cho kẻ hết lòng cầu tìm Ngài, để cuối cùng thì như sứ đồ Phao-lô đã nhắn gởi, “Vả, chúng ta biết rằng mọi sự hiệp lại làm ích cho kẻ yêu mến Đức Chúa Trời, tức là cho kẻ được gọi theo ý muốn Ngài đã định” (Rô-ma 8:28).
Đỗ Thảo Du
(trong cơn đại nạn)
0 378 4 minutes read