Lời Kinh Thánh

Đức Chúa Trời Mà Áp-ra-ham Thờ Lạy Có Giống Các Thần Khác Không?

Đức Chúa Trời Mà Áp-ra-ham Thờ Lạy Có Giống Các Thần Khác Không?

Các dân tộc trên thế giới, từ thuở xa xưa, từ thời tiền sử, dù bất cứ ở vùng đất nào, đều thờ đủ loại thần. Thiên nhiên luôn luôn ảnh hưởng đến đời sống con người và vì không giải thích được các hiện tượng thiên nhiên, người ta lại càng hãi hùng hơn và giải thích rằng đó là hành động của thần thánh. Dân cư ngày xưa sống bằng nghề chăn bầy, săn bắn, chài lưới, và nông nghiệp nên đời sống họ chịu ảnh hưởng của thiên nhiên và của thời tiết. Núi cao đầy bí hiểm, nên có thần núi; mưa bão, lụt lội đến, nên có thần nước; giông tố gây sấm chớp tàn phá đốt cháy nên có thần sấm sét, v. v. . .

Các nền văn minh lâu đời nhất của thế giới là của Ai-cập, Mê-sô-pô-ta-mi, vùng bắc Ấn-độ, vùng thượng ngạn sông Yangxi của Trung Quốc, và vùng Inca Nam Mỹ châu. Văn hóa các nơi nầy cho thấy người ta thờ nhiều thần (đa thần). Mỗi thần có chức vị khác nhau tùy theo ảnh hưởng của “thần” ấy nhiều hay ít trong đời sống con người. Hàng cao trọng nhất là những thần của trời, của không gian, của nước, và của đất. Trời thì có thần của các ngôi sao chỉ đường, mặt trăng, mặt trời; đất thì có các thần ảnh hưởng canh nông, mùa màng.

Khi văn minh con người tiến triển và người ta định cư tạo dựng thị tứ, các ngành kỹ nghệ hay tiểu công nghệ phát triển hơn, thì người ta có thêm thần của mỗi nghề họ làm. Các thần nầy có tước vị thấp hơn các thần thiên nhiên, người ta thờ thần của nghành làm sắt, làm đồng, thần buôn bán, thần bếp lửa, thần của mỗi ngành thủ công nghệ. Người ta có cả ngàn vị thần mà họ thờ lạy. Văn hóa đa thần từ thời cổ đại ấy kéo dài cho đến thế kỷ 21 ngày nay. Người Hy Lạp, người La Mã, người Tàu, đạo Hindu hay các đạo của thời đại ngày nay cũng thờ nhiều thần, mỗi thần biểu hiệu cho mỗi cá tính (chiến tranh, hòa bình, lửa, nước, yêu đương, thương mãi, nghề nghiệp, v. v. . .)

Ông Áp-ra-ham là người của 4000 năm trước, vốn ở tại một vùng gọi là xứ U-rơ, của văn hóa Canh-đê, vùng Mê-sô-pô-ta-mi (vùng Cận Đông giáp giới các quốc gia Syria, Iran, Iraq và Turkey ngày nay). Gia đình Áp-ra-ham làm nghề đúc tượng thần, nên làm ăn rất phát đạt. Vì làm nghề đúc tượng, Áp-ra-ham nhìn thấy mặt thật của các thần mà người ta thờ lạy. Ông không thể nào thấy mình có thể thờ lạy, tin tưởng vào các khúc cây, khúc gỗ, cục đất sét mà mình đã đẻo, nắn và sơn son thếp vàng theo bàn tay người thợ cả. Ông muốn đi tìm một vị Thần, không bởi tay người đục đẻo hay sơn phết, và Đấng ấy có thể nhìn thấy, nghe thấy ông dầu bất cứ nơi nào ông đi chứ không phải chỉ là một vì thần liên hệ đến một vật gì đó hay một nơi nào đó mà thôi.

Ông Áp-ra-ham cảm thấy có một sự kêu gọi linh thiêng biểu ông hãy đi tìm cho bằng được Đấng Tối Cao ấy, và đó là một Đấng Chủ Tể của muôn loài, vạn vật chứ không chỉ của riêng một nhóm người, hoặc ở tại một địa phương mà thôi. Áp-ra-ham rời bỏ quê hương, bỏ cả ngành tiểu công nghệ đã làm gia đình ông giàu có, đưa cha mình, vợ mình, cháu mình và các gia nhân của gia đình, cùng với mọi loài chiên lừa, lên đường đi tìm Thượng Đế. Trên đường giong ruổi, rày đây mai đó, ông trở thành người thủ lãnh của toàn gia quyến. Người ta trông cậy nơi ông làm người đưa đường, làm người tìm chỗ cắm trại, dựng lều, tìm mạch nước nuôi dưỡng họ. Họ nhìn lên Áp-ra-ham như thể ông là thần bảo bọc họ. Nhưng Áp-ra-ham biết mình không phải là thần, ông cầu nguyện cùng một Đấng mà ông không thấy mặt nhưng biết Ngài hiện diện khắp nơi. Và Áp-ra-ham trò chuyện cùng Đấng Tối Cao của mình trực tiếp, ông không cần phải nhờ vả một thầy tế hay một người trung gian nào.

Sắc mặt của các thần đến từ đâu?

Thần thánh do con người có lòng sợ hãi, dị đoan đặt ra nên thần phản ảnh cá tánh của con người, đến cả mặt mũi các thần cũng theo ý sáng chế của người ta. Người ta đặt hình ảnh của các thần họ thờ lạy theo sự tưởng tượng của họ. Mỗi thần có một sắc mặt khác nhau. Có thần thì mang hình ảnh hiền hòa hay hung tợn mà người ta nghĩ ra, có thần thì mang hình cầm thú (rồng, chim ưng, phượng hoàng, bò, cá, sư tử) hoặc nửa người nửa thú. Nhưng với ông Áp-ra-ham, không hề có một ảnh tượng nào xứng đáng để ông đặt Thiên Chúa vào trong ấy. Vì Ngài là Đấng Toàn Năng và Chí Thánh. Điều nầy cũng đã được Thiên Chúa chỉ dạy cho dân được chọn của Ngài rằng không làm tượng hoặc vẽ hình của bất cứ cá nhân hay cầm thú hay cây cỏ nào để thờ lạy cả. Và loài người cũng không được chạm vẽ hình Đức Chúa Trời, vì con người không thể diễn tả hết được sự vinh quang của Thiên Chúa; và bất kỳ hình ảnh nào chúng ta có thể thực hiện cũng sẽ không xứng đáng và đầy đủ để diễn tả sự vinh hiển của Ngài. Sự thiêng liêng và thánh khiết của Ngài sẽ không được thể hiện đúng đắn bởi trí tưởng tượng hữu hạn của con người. Và thờ lạy với các hình, tượng ấy cũng chẳng khác chi thờ lạy một vật do tay người làm ra, chứ thật sự chúng không phải là Thiên Chúa (điều răn thứ nhì của Mười Điều Răn của Thiên Chúa).

Cách thờ lạy Thiên Chúa Chí Thánh

Các dân tộc thời xưa, tôn giáo nào cũng vậy, họ xây những lâu đài, chùa chiền nguy nga để đặt tượng thần của họ vào đấy và thờ lạy. Vì đó là ý họ, người ta lúc nào cũng ham thích những sơn son thếp vàng, đình đám. Sự cúng tế các thần của họ đầy những món ăn linh đình, thịt rượu ê hề mà chính họ thèm ăn để dâng lên cho các thần, trong khi người chung quanh họ chết đói. Có khi người ta lại còn đặt tính ham mê nhục dục của họ thành tính tình của các thần của họ, và bày việc phải dâng trinh nữ trẻ tuổi hay con trẻ vô tội cho các thần để làm vợ hoặc phục dịch thần! Các ngày lễ thờ thần của người ta đôi khi kéo dài nhiều ngày, rồi họ rước tượng thần của họ đi khắp phố phường cho mọi người dân có dịp được chiêm ngưỡng dung nhan của thần. Nhưng Thiên Chúa hay Đức Chúa Trời Chí Cao của Áp-ra-ham không phải vậy. Ngài là một Đấng mà cá nhân mỗi con người có thể thờ lạy và trò chuyện cùng Ngài tại bất kỳ nơi nào, thời điểm nào. Các đền thờ mà Áp-ra-ham dựng nên để thờ lạy Chúa dọc con đường ông đi rất là đơn giản, chúng chỉ là những hòn đá chồng chất trên một ngọn đồi, và tại đó ông và gia quyến cầu nguyện cùng Chúa.

Khi đã biết được Đức Chúa Trời chính là Đấng Tạo Hóa Chúa Tể của muôn loài vạn vật, Áp-ra-ham cương quyết chỉ thờ lạy một mình Ngài, và mỗi mình Ngài mà thôi. Dĩ nhiên ảnh hưởng sống giữa vòng văn hóa của các dân tin đa thần cũng có ảnh hưởng đến họ. Áp-ra-ham và con trai ông là Y-sác, tuyệt đối chỉ thờ lạy một mình Đức Chúa Trời, nhưng con trai của Y-sác là Gia-cốp, vì rời bỏ nhà cha mình giong ruổi khi tuổi còn thanh niên, và trở về sống với vòng bà con ở vùng Mê-sô-pô-ta-mi, nên tuy không thờ lạy các thần của dân vùng đó, Gia-cốp cũng không ngăn cấm hai người vợ của mình và các gia nhân trong gia đình cất giữ hoặc thờ lạy các tượng thần ấy… Mãi cho đến khi ông về đến đất Bê-tên, Đức Chúa Trời ra lệnh cho Gia-cốp phải củng cố và làm thanh sạch đời sống và gia đình mình, lúc đó ông mới biểu vợ và các gia nhân phải chôn hết tất cả tượng của các tà thần dưới một gốc sồi trong sa mạc Sê-chem. Hành động ấy của Gia-cốp thể hiện ông đã hoàn toàn không còn vương vấn với các tà thần, và ông chỉ thờ lạy một Đức Chúa Trời Tối Cao mà thôi.

Gia-cốp về sau được Đức Chúa Trời chọn làm tổ phụ của một dân tộc mà Chúa chọn họ và dạy cho họ cách sống để làm gương cho toàn các dân ở khắp thế gian; Ngài đổi tên Gia-cốp thành Y-sơ-ra-ên.

(Theo Kinh Thánh sách Sáng Thế Ký đoạn 11 – 35)

Ngọc Liên

Related Articles

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Back to top button