Câu Chuyện Truyền GiáoTùy Bút

Đem Lại Niềm Vui Cho Mẹ (Châm Ngôn 23:22-26)

Đức Chúa Trời dựng nên loài người và Ngài ra lệnh cho loài người phải sinh sản thêm ra trên mặt đất. Đó là một ân huệ Chúa ban cho con người. Tạo dựng một tổ ấm gia đình và nuôi dạy con cái, không chỉ là một sự chọn lựa mà còn là những trọng trách của con người. Nếu ai đã chọn nhận trách nhiệm ấy, Đức Chúa Trời muốn họ cũng nhận được niềm phước hạnh trong hôn nhân và trong sự nuôi dạy con cái.

Nhưng thế gian là một nơi không toàn hảo. Chúng ta đã thấy bao nhiêu điều mẹ cha mơ ước, hay niềm vui thỏa khi mang một đứa trẻ vào đời hay niềm hãnh diện nhìn đứa trẻ ấy mỗi ngày khôn lớn, không luôn luôn là những nụ cười mà có khi lại là những giọt lệ ưu tư muộn phiền.

Vì lẽ ấy, Đức Chúa Trời ban cho loài người Kinh Thánh để làm sách Chỉ Nam hướng dẫn bậc làm cha làm mẹ biết cách nuôi dạy con cái mình. Đồng thời, Kinh Thánh cũng là sách dạy dỗ cho kẻ làm con biết sống thế nào để mang lại hạnh phúc cho chính bản thân chúng và mang sự thỏa lòng cho cha mẹ là người đã cưu mang chúng.

“Cha người công bình sẽ có niềm vui lớn; Người nào sinh con khôn ngoan sẽ vui mừng về nó. Ước gì cha và mẹ con được hớn hở; Và người đã sinh ra con được mừng vui” (câu 24, 25).

Thế kỷ 21 là thời đại mà kỹ nghệ, văn minh và cả văn hóa thế giới đã tiến bộ vượt bực. Những người trẻ tuổi thời đại nầy được nhìn thấy và học biết những kiến thức mà thế hệ cha mẹ của họ, khi ở cùng lứa tuổi của họ, không biết hoặc không có cơ hội để học biết như họ. Tuy nhiên, con người và xã hội loài người đã hiện hữu hằng ngàn năm. Trong nhiều ngàn năm lịch sử ấy, cá tính, tình cảm và bản chất con người không thay đổi. Môi trường có khác nhau, nhưng sự tranh đấu nội tâm, mối tương quan người ta có cho nhau, thời hiện đại cũng chẳng khác chi của thời tiền cổ. Mỗi thời đại, mỗi thế hệ, con người cùng có các tình cảm như vui, buồn, yêu, ghét. Vì lẽ ấy, những lời Kinh Thánh dạy trong sách Châm ngôn, cho dầu đã viết hơn 3000 năm trước, ngày nay vẫn tiếp tục áp dụng được cho người hiện đại. Những người làm con, vì vậy, hãy nhớ rằng bậc cha mẹ của mình đã từng là người trưởng thành và đã sống qua cái kinh nghiệm làm người trong xã hội khi người con chỉ là một bào thai chưa thành hình. Cho nên sự khôn ngoan qua kinh nghiệm sống của cha và mẹ vẫn luôn luôn hơn người con. Con đường đời nào bố mẹ đã đi qua, người con cũng cần phải 20 hay 40 năm sau mới bước đến!

Người mẹ, không chỉ là người đã cưu mang và đem sự sống đến cho con mình, bà cũng là người đã dạy cho đứa trẻ thơ những điều căn bản để nó có thể sống còn. Mẹ dạy cho con từ việc biết lật, biết bò, biết những bước chập chững đầu tiên. Bà là người thầy ngôn ngữ học cho đứa con, bà dạy cho con biết nghe và học nói, phân biệt màu sắc, hình tượng. Bà mẹ là người đã dạy cho đứa trẻ biết kinh nghiệm về các giác quan của nó. Người mẹ cũng đã dạy cho con biết phân biệt vật dơ, vật sạch, đồ ăn nào ăn được và vật nào mang chất độc hại. Rồi khi đứa trẻ có thể tạm tự lo thân, người mẹ cũng là người đã dạy cho đứa con những kinh nghiệm cư xử của một con người trong xã hội loài người. Không có mẹ, đứa trẻ có thể không bao giờ biết đi hay biết nói ngôn ngữ loài người, hoặc biết cư xử với người đồng loại.

Đứa trẻ khôn ngoan là đứa trẻ biết vâng lời và ghi nhớ những điều mẹ dạy. Cho dầu khi đứa con thành nhân, cha mẹ nó cũng vẫn là người đã nhìn thấy cuộc đời trước nó nhiều năm. Không gì mang sự vui mừng, thỏa nguyện cho cha mẹ bằng có đứa con khôn ngoan, sống vừa lòng người, và đẹp lòng Đức Chúa Trời.

“Hãy nghe lời cha đã sanh ra con; Chớ khinh bỉ mẹ con khi người trở nên già yếu” (câu 22).

Đức Chúa Trời ban cho loài người Mười Điều Răn. Bốn điều đầu là về mối tương quan mà người phải có với Đức Chúa Trời là Đấng Tạo Hóa của họ. Sáu điều sau là về mối tương quan mà người phải có với người đồng loại của họ. Mệnh lệnh đầu tiên trong sáu điều ấy là về mối tương giao con người phải có với bậc sinh thành của họ, “Hãy hiếu kính cha mẹ ngươi, hầu cho ngươi được sống lâu trên đất” (Phục truyền Luật Lệ-ký 5:16). Người nào biết kính trọng cha mẹ mình, biết nghe theo sự dạy dỗ của họ – vì cha mẹ là người đi trước và cũng là người yêu mình hơn ai hết – thì người ấy sẽ có nhiều phúc lợi để trường thọ và thành công hơn. Người con có lòng hiếu thảo, thương yêu cha mẹ, nhất là khi cha mẹ không còn sự mạnh khỏe tinh anh, biểu lộ cá tính của một con người có lòng nhân hậu, độ lượng, biết ơn và không hợm hĩnh. Các cá tính ấy sẽ mang lại sự kính trọng và lòng nhân từ của người chung quanh đối với anh ta. Đó cũng là một điều kiện mang lại cơ hội cho người được sống lâu và bình an.

Các người làm con, đừng chờ mỗi năm một ngày, nhân dịp Lễ Mẹ mới nói những lời cảm ơn, hay gởi tặng hoa cho mẹ. Không điều gì làm một bà mẹ vui hơn cho bằng có những đứa con nghĩ đến mẹ, nhớ lời mẹ dạy và bày tỏ lòng thương mến với mẹ bằng sự thăm hỏi thường xuyên và bằng cách sống phản ảnh sự dạy dỗ của mẹ cha. Đó là những điều làm cho mẹ vui lòng hơn hết. Bởi vì, “Con khôn ngoan làm cho cha vui vẻ; Nhưng con ngu dại khiến mẹ buồn phiền” (Châm ngôn 10:1).

Tiếng Nói Hy Vọng

Related Articles

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Back to top button