Một tiếng kêu kỳ lạ hú lên. Ông Chris Mauk, người nông dân trong làng diễn tả rằng, “Tôi nghe giống như là tiếng máy bay phản lực.” Trong lúc ông đang ngồi ăn bữa cơm chiều với gia đình, họ thì thầm, “Chúng tôi tưởng rằng máy bay thật lớn bay qua mà thôi.” Bỗng nhiên cơn sóng đập mạnh vào nhà của Ông Mauk, đẩy ông chìm dưới nước, tống nước biển vào phổi, đưa ông trồi tới, và đập ông vào những khúc cây. Khi trồi lên mặt biển, ông không thấy gia đình mình nữa, chỉ nghe những tiếng kêu inh ỏi. Nhìn xung quanh là những mảnh vụn của những căn nhà và cây cối nổi lênh đênh.
Thiên tai nầy xảy ra tại làng Amsor và các vùng lân cận thuộc Papua New Guinea, chiều thứ Sáu, lúc 6 giờ ngày 17 tháng 7, 1998. Cơn động đất tạo những sóng lớn dữ tợn đánh vào những làng mạc. “Sóng thần” nầy đã làm hơn 3000 người thiệt mạng.
Tại sao thiên tai xảy ra? Ðây có phải là dấu hiệu trước ngày tận thế mà Ðức Chúa Giê-su nói trước không? Chúng ta hãy xem Kinh Thánh nói gì về tận thế.
Thiên Tai Là Dấu Hiệu
Sau khi Ðức Chúa Giê-su dạy cho môn đồ của Ngài về tận thế, họ thắc mắc và hỏi rằng, “Xin Chúa phán cho chúng tôi biết lúc nào những sự đó sẽ xảy ra? Và có điềm gì chỉ về sự Chúa đến và tận thế” (Ma-thi-ơ 24:3). Ngày nay chúng ta cũng muốn biết chừng nào tận thế và dấu hiệu gì xảy ra trước ngày cuối cùng.
Ðức Chúa Giê-su cho chúng ta biết rõ về những dấu hiệu nầy. Một trong những dấu hiệu là thiên tai đến với trái đất chúng ta. Ngài nói, “nhiều chỗ sẽ có đói kém và động đất” (Ma-thi-ơ 24:7). “. . . dân các nước sầu não rối loạn vì biển nổi tiếng om sòm và sóng đào” (Lu-ca 21:25).
Ðói Kém
Hai phần ba các con trẻ sanh trên thế giới vào những nước thiếu thức ăn. Tại Ấn Ðộ, dân số khoảng chừng 800 triệu, nhưng hơn 600 triệu người không đủ ăn. Những người sống trong xứ Sudan đang bị đói kém. Hội trưởng Lester Brown của World Watch Institute nói, “Trên thế giới con người sống từng bữa ăn một và sống từng mùa gặt nầy cho đến mùa gặt tới.”
Chúng ta kêu cầu, “Chúa ơi, chừng nào hết đói kém? Chừng nào mới có đủ thức ăn cho các trẻ em? Ðức Chúa Giê-su hãy đến vì thế gian chúng con đang gặp nạn.” Chúa đáp, “Lòng các ngươi chớ hề bối rối; hãy tin Ðức Chúa Trời, cũng hãy tin ta nữa. Trong nhà Cha ta cho nhiều chỗ ở; bằng chẳng vậy, ta đã nói cho các ngươi rồi. Ta đi sắm sẵn cho các ngươi một chỗ. Khi ta đã đi, và đã sắm sẵn cho các ngươi một chỗ rồi, ta sẽ trở lại đem các ngươi đi với ta, hầu cho ta ở đâu thì các ngươi cũng ở đó” (Giăng 14:1-3).
Ðộng Ðất
Ðức Chúa Giê-su cũng có phán về động đất. Chúng ta có thể nói rằng, “Thế giới lúc nào cũng có động đất.” Nhưng hãy xem sự kiện lịch sử. Trước thế kỷ 20, chỉ có 11 trận động đất lớn, hơn 6 chấm theo cường độ Richter: 476 La Mã, 526 Antioch, 1556 Shenshi, 1692 Jamaica, 1707 Nhật Bản, 1755 Lisbon, 1783 Ý, 1811 Missouri, 1812 Venezuela, 1868 Puru, 1896 Nhật Bản.
Nhưng trong thế kỷ 20, chúng ta thấy hết cơn động đất nầy đến cơn động đất khác. Sau đây là những vụ động đất lớn trong thế kỷ nầy:1905 Ấn Ðộ, 1906 San Franciso, 1908 Ý, 1920 Trung Hoa, 1923 Nhật Bản, 1931 New Zealand, 1932 Long Beach, 1939 Turkey, 1950 Ấn Ðộ, 1960 Chile, 1961 Iran, 1964 Alaska, 1972 Nicaragua, 1976 Guatemala, 1976 Trung Hoa, 1977 Iran, 1980 Algeria, 1985 Mexico, 1987 Ecuador, 1988 Armenia, 1989 Northern California, 1990 Iran, 1994 Los Angeles, 1995 Nhật Bản.
Bạn có biết không? Chỉ trong 90 năm nay, có hơn một triệu rưỡi người chết vì những cơn động đất. Các nhà địa chất và nhà nghiên cứu địa chất đang thắc mắc: chuyện gì sẽ xảy ra và đang chờ đợi một cơn động đất rất lớn.
Tại sao ngày nay thiên nhiên đảo lộn như thế? Không ai có thể kiềm chế sự thiệt hại sao? Thiên tai là một trong những dấu hiệu phải xảy ra trên thế giới chúng ta—đó là lời Kinh Thánh. Nhưng chúng ta đừng xem đây là tuyệt vọng và chán nản, nhưng hãy xem là điều vui mừng vì khi tận thế là Chúa sẽ đến, đưa chúng ta về thiên quốc. Ở đó không còn đói kém nữa, không còn động đất nữa, và không còn chết chóc nữa.
Hy Vọng
Bà Shirley Munbret, cảm thấy đất rung động hôm thứ Sáu nhưng tiếp tục nấu bữa ăn chiều. Bà không nghe tiếng của cơn sóng đến. Khi lượn sóng dữ tợn đánh vào căn nhà của bà thì bà không thấy chồng sau đó, nhưng hai con của bà còn sống sót nhờ níu dính sát vào vách tường của căn nhà. Bà Munbret nằm dưỡng bịnh, quấn băng bó trên đầu và nói, “Căn nhà của tôi đã trôi đi, nhưng tôi nắm giữ con tôi.”
Chúng ta có thể bám víu vào ai để vượt qua những thiên tai, những hoạn nạn, những bệnh tật; chúng ta có thể nương cậy vào ai; chúng ta có thể tin ai? Chỉ có Chúa mới cứu được chúng ta, cứu bạn và tôi vượt qua những thảm cảnh. Ðức Chúa Giê-su nói rằng, “Ta thường ở cùng các ngươi luôn cho đến tận thế” (Ma-thi-ơ 28:20).
Mục sư Nguyễn Khắc Vinh