Lời Kinh Thánh

Dầu Đường Lắm Khó Khăn (Phần 2)

Phần 2: Sự Cám Dỗ Của Tiền Tài

Chúng ta thấy có những người có đạo sống một cuộc đời thanh bạch, hiến cả cuộc đời của mình để phụng vụ Thượng đế và hy sinh để mang lại chút an ủi cho đời sống người đồng loại. Tôi làm việc cho một hãng tư nhân tại Hoa Kỳ. Hãng tôi rất lớn. Mỗi ngày lái xe vào sở, đậu xe trong bãi đậu xe rộng thênh thang, phần lớn toàn bãi đậu xe là những xe hiệu Nhật Bản, hiệu Đức bóng loáng, đời mới . . . Tôi đi đón con gái tôi, nó làm việc cho Giáo hạt. Nhìn xe đậu trong bãi đậu xe, tôi có thể biết đây là chỗ làm của một cơ quan tôn giáo. Phần lớn là những xe đời cũ hơn, vài chiếc xem sang tốt nhất là cỡ Camry Toyota.

Nhưng chúng ta cũng có thể thấy có những người dùng tôn giáo để lợi dụng niềm tin của người khác đặng làm giàu cho cá nhân mình. Có thể là chúng ta thấy rất nhiều!

Những ai đã có dịp đi du lịch thế giới, hẵn đã có dịp thấy những chùa chiềng, đền đài, nhà thờ thật nguy nga, thật vĩ đại. Có bao giờ chúng ta tự hỏi, tổ chức tôn giáo làm sao mà có thể giàu có để mà xây dựng những cung điện vĩ đại đến vậy dưới danh nghĩa xây dựng đền thờ cho Thượng đế hay cho thần nào đó của họ không?

Là tín hữu, cũng có thể chúng ta cũng đã thấy có những người ở trong hội thánh, vì đối với họ, giữ theo lề luật của hội thành không khác như đó chỉ là đòi hỏi của một cái job. Vì job tôi đòi hỏi tôi phải đi nhà thờ ngày thứ bảy, giữ gìn cách sống của mình, nên tôi làm những điều đó đặng được chức vụ tốt, lên chức lớn trong giáo hội, nhưng lòng mình không hẳn đã hoàn toàn có một niềm tin. Ngày nào việc làm không còn nữa, thì những người nầy cũng chẳng còn giữ đạo hay ở trong hội thánh hay gìn giữ một đời sống Cơ Đốc nữa.

Trong mắt của Đức Chúa Trời, giàu có không phải là một điều bị cấm kỵ, hay là một điều xấu. Sự thạnh vượng, theo Kinh Thánh, cũng là một ơn phước do Đức Chúa Trời ban. Nhưng khi người ta, vì tiền tài mà tham lam, và thờ lạy sự giàu có hay đặt những thứ mà sự giàu có mang lại là quan trọng thì ấy là lúc họ đã vi phạm điều răn của Chúa.

Trong vòng những đồ đệ theo Đức Chúa Giê-su, 12 người môn đồ đã đi theo với Ngài suốt mấy năm trường, cũng có người vẫn không bỏ được lòng tham tiền tài của thế gian. Kinh Thánh nói đến Giu-đa Ích-ca-ri-ốt, là kẻ đã bán Chúa cho các nhà lãnh đạo Do Thái để lấy 30 miếng bạc. Chúng ta không biết động lực nào đã làm Giu-đa bán Chúa. Có thể vì Giu-đa muốn Chúa làm cách mạng, làm vua để ông được làm tướng chăng? Hay có thể Giu-đa thất vọng, vì Chúa đã không chịu nhận lãnh sự tôn vương của dân chúng đặng lãnh đạo dân Do Thái chống lại thực dân La Mã chăng. Hay có thể Giu-đa chỉ là một kê tham tiền không hơn không kém mà đem thầy mình bán đi. Trong Kinh Thánh, theo lời Giăng, cũng là một môn đệ của Chúa, có kể lại câu chuyện Ma-ri Ma-đờ-len đã đập bể một bình dầu quí và dùng dầu ấy để rửa chân của Đức Chúa Giê-su, vì bà quí mến Chúa và vì Ngài đã mang anh bà là La-xa-rơ sống lại từ kẻ chết. Nhưng Giu-đa Ích-ca-ri-ốt thấy bà dùng dầu quí xức chân Chúa thì tiếc lấy tiếc để. Giăng đã viết lại, “Giu-đa nói rằng: Sao không bán dầu thơm ấy lấy ba trăm đơ-ni-ê đặng bố thí cho kẻ nghèo? . . . Người nói vậy, chẳng phải lo cho kẻ nghèo đâu song vì người vốn là tay trộm cắp, và giữ túi bạc, trộm lấy của người ta để ở trong” (Giăng 12: 1— 6).

Lòng tham tiền, lòng ích kỳ có thể làm người ta không đặt Chúa trên hết. Giu-đa đã để đồng tiền làm chủ đời mình, và kết quả là ông đã bán Chúa cho những kẻ thù Ngài để họ hành hạ và giết Ngài. Muốn làm tín đồ Chúa, chúng ta phải đặt niềm tin và lòng yêu mến của mình nơi Chúa lên hàng đầu. Đó phải là động lực thúc đẩy mọi hành vì, cử chỉ, và mọi mục tiêu của đời sống chúng ta. Sứ đồ Phao-lô, một người sinh ra trong gia đình trung lưu, có chức phận trong hàng ngũ lãnh đạo của người Do Thái, đã bỏ tất cả để đi theo Chúa và đi truyền bá đạo Chúa trong những hoàn cảnh gian nan ngặt nghèo nhất, đã viết, “Như vậy, miễn đủ ăn đủ mặc thì phải thỏa lòng; Còn như kẻ muốn nên giàu có, ắt sa vào sự cám dỗ, mắc bẫy dò, ngã trong nhiều sự tham muốn vô lý thiệt hại kia, là sự làm đắm người ta vào sự hủy diệt hư mất. Bởi chứng sự tham tiền bạc là cội rễ mọi điều ác, có kẻ vì theo đuổi nó mà bội đạo, chuốc lấy nhiều điều đau đớn” (I Ti-mô-thê 6:8-10). Giu-đa đã chuốc lấy sự đau đớn nhất cho mình. Khi thấy Chúa bị hành hạ, ông đã đòi người ta thả Chúa và quẳng tiền trả lại. Nhưng quá trễ! Giu-đa không sống được với tội ác mình, đã tự treo cổ tự tử. Chúng ta có thể không là Giu-đa, bán Chúa mình, nhưng chúng ta cũng đừng để lòng tham tiền và ích kỷ lo tư lợi làm chúng ta đánh mất cơ hội cho mình được dự phần trong nước thiên đàng với Chúa.

Ngọc Liên

(Kỳ tới: Sự Cám Dỗ Của_Lòng Nóng Nảy Và Nông Nổi)

Related Articles

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Back to top button