Câu Chuyện Truyền GiáoTùy Bút

Chủ Đích Của Giáng Sinh

Những Gì Thất Lạc Đã Tìm Lại Được

Chúng ta đang ở vào giữa mùa Giáng Sinh. Cho dù Mùa Giáng Sinh và ý nghĩa ngày lễ này đã bị thương mại hóa, điều quan trọng duy nhất chúng ta cần biết, ấy là, Giáng Sinh nghĩa là ghi nhớ lại sự giáng trần của một Đấng vĩ đại hơn bất cứ một con người nào, và sự giáng thế của Ngài đánh dấu một biến cố quan trọng nhất cho tương lai của toàn nhân loại cũng như cho sự tồn tại của thế giới. Vì lẽ ấy, thời điểm Đấng ấy giáng trần đã được đánh dấu bằng niên lịch. Mẹ Ngài, người nữ đồng trinh tên là Ma-ri-a đã thụ thai Ngài qua một phép lạ diệu kỳ. Sự ra đời của Ngài xảy ra vào năm 0 của Dương lịch và mỗi năm từ ngày Ngài hạ sinh nơi trần giới, được tính đến nay là 2011 năm! Lễ Giáng Sinh là lễ kỷ niệm sự giáng thế làm người của Con Trời là Đức Chúa Jesus. Thiên tử đã lâm phàm trong hình hài của một hài nhi, và đã lớn lên, sống cuộc sống của một con người. Ngài đã đến thế gian và chịu mọi sự thử thách mà loài người phải gánh chịu, nhưng Ngài đã chiến thắng mọi sự cám dỗ và chẳng hề phạm tội. Chúa đã đến, để tìm những con người lạc mất. Ngài đã đến để tìm kiếm và cứu vớt nhân loại ra khỏi sự giam giữ trong gông cùm của một quyền hành đen tối đang thống trị thế gian. Ngài phải đến để hoàn tất chương trình cứu chuộc của Đức Chúa Trời.

Trước khi Chúa  ra đời, một thiên sứ đã nói với Giô-sép, người hôn phu của Ma-ri, rằng đứa bé được sinh ra phải được đặt tên là “Jesus, bởi vì Ngài sẽ cứu dân mình ra khỏi tội” (Ma-thi-ơ 1:21). Nhiều năm sau, chính Đức Chúa Jesus đã nói về chính mình. “Con của Người đến để cứu những kẻ bị lạc mất” (Lu-ca 19:10). Đúng ra, Ngài còn giải thích cho những người nghe cái ý tưởng của sự mất mát và tìm lại được qua 3 ví dụ để cho họ hiểu được cái tư tưởng cứu kẻ bị lạc mất ấy (Lu-ca 15).

Tôi nhớ một lần đi chợ, sau khi trả tiền xong, tôi trở về nhà. Khi mang những gói hàng ra để vào tủ, tôi mới nhận biết rằng mình đã mất cái ví tiền. Không phải chỉ $60 đồng tiền mất trong ví, mà còn mấy thẻ tín dụng và căn cước của mình nữa. Tôi hốt hoảng. Tôi còn nhớ cái cảm giác lạnh cả người khi không thấy cái ví của mình. Tôi nghĩ đến những điều tai hại nhất có thể xảy đến cho tôi vì tôi đã làm mất ví. Tôi lục hết tất cả các giỏ đi chợ. Tôi lục hết những thứ mình đã cất vào tủ, có lẻ gì mình bỏ ví vào một bao ni-lông đựng rau chăng? Tôi lục lọi thùng xe, ghế xe, cốp xe. Tôi cố hồi tưởng lại từng hành động của mình sau khi trả tiền ở chợ. Tôi lái xe trở lại chợ, không biết mình có đã vô tình để quên ví trên xe của chợ, hay đã làm rớt nó khi chất các giỏ hàng lên xe.

Tôi không tìm thấy gì cả ngoài bãi đậu xe.Nếu ví tôi rớt, chắc đã có người lượm lấy mất rồi; Hoặc để quên trên xe chắc đã bị người khác thấy và giữ luôn rồi. Tôi bước vào chợ, đi trở lại quầy tính tiền khi nãy; Cô tính tiền không còn ở đó, quầy tính tiền của cô đã đóng. Tôi đi tìm người quản lý tiệm. Không biết cơ may rằng có thể có ai nhặt được ví tiền của tôi mà giao cho tiệm chăng. Khi tôi vừa hỏi, người quản lý hỏi lại tôi, ví của bà màu gì? Và còn điều mừng rỡ nào hơn  cho tôi khi ông ta nói, Bà để quên trên xe của chợ, may làm sao, nhân viên của chợ cũng vừa đi tìm chiếc xe để đẩy vào chợ, thấy ví của bà, họ mang trình lại cho tôi.

Những sự lo lắng trong lòng tôi hoàn toàn tan biến. Lòng tôi vui không sao kể xiết. Tôi gọi cho chồng tôi, cho các con tôi, cho mấy chị tôi báo tin mừng tôi tưởng ví đã bị mất, mà đã tìm lại được. Chưa bao giờ tôi thấy mình vui mừng và hạnh phúc đến dường ấy.

Trong cả 3 câu chuyện Chúa kể, Ngài nói rằng những người bỏ công đi tìm điều mình thất lạc, khi tìm được thì liền báo tin cho mọi người cùng biết về cài tin mừng ấy, và họ ăn mừng. Tôi hiểu được niềm vui ấy. Tôi cảm thông được nỗi vui của họ khi đã tìm được một đều mình ngỡ rằng đã mất.

Đức Chúa Giê-su kể câu chuyện của người đàn bà mất một đồng tiền và nhất quyết quét nhà, đốt đèn đi tìm đồng tiền bị mất; Hay người chăn chiên khi mang chiên về chuồng, đếm thấy bầy chiên 100 con của mình đã thiếu mất 1 con; Hay là người cha có 2 đứa con, một đứa bỏ nhà ra đi, hoang đàng, cha không được tin tức gì của nó. Trong cái lạc mất của câu chuyện Chúa kể, sự mất mát ấy lớn hơn cả việc mất ví của tôi. Cái niềm tiếc nuối của người đàn bà mất đồng tiền có thể giống như tôi tiếc nuối chiếc ví bị mất của mình. Nhưng trong sự lạc mất của con chiên non nớt giữa rừng hoang trong đêm vắng lặng, và sự bỏ đi của đứa con lầm lạc giữa những điều sa đọa của cuộc đời, còn có một lòng thương nhớ vô cùng của người chăn chiên, của người cha. Đức Chúa Giê-su muốn cho người nghe của Ngài thấu nổi lòng của Ngài: Sự tiếc nuối cho điều mình yêu quí đã bị mất; Niềm thương nhớ và sự đau lòng của Ngài khi thấy các con cái Ngài bị sa đọa, lầm lạc. Bằng bất cứ giá nào, giá mắc nhất, Ngài cũng sẵn lòng bỏ ra để chuộc lại những kẻ bị thất lạc ấy.

Giáng Sinh là lúc mà chúng ta hồi tưởng lại chương trình tìm kiếm và giải cứu của Đức Chúa Trời. Từ thiên đàng, Đức Chúa Giê-su đã giáng trần để đi tìm, để giải cứu những kẻ lầm lạc. Và còn hơn nữa, chúng ta còn có một niềm hy vọng và vui mừng vì Đức Chúa Giê-su đã hứa, cái chương trình mà Thiên Quốc dự định ấy cho chúng ta, sẽ chắc chắn thành công và hoàn tất. Lời hứa ấy của Chúa là lời kêu mời đã gửi đến cho mọi người, rằng khi chương trình tìm kiếm và giải cứu của Đức Chúa Trời đã hoàn tất, chúng ta sẽ được dự buổi liên hoan ăn mừng vì kẻ lạc mất cuối cùng đã được Chúa tìm lại được.

Ngọc Liên

Related Articles

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Back to top button