Ca dao có câu, “Ở nhà thì sợ cái nghèo, ra đi thì sợ cái đèo Cù Mông.” Có những điều không đáng sợ, chẳng hạn sợ bóng sợ gió, sợ mà không có lý do.
Vào năm 1944 khi Nhật Bản thất trận, Shoichi Yokoi là một người lính chiến đã chạy trốn và sống trong hang trên hòn đảo Guam. Vì sợ hãi cho mạng sống, ông đã ẩn nấp trong rừng rậm; ông chỉ ra hang trong ban đêm để tìm thức ăn. Để sống qua ngày, ông ăn con nhái, chuột, ốc, tôm, quả hạch, và quả xoài. Quần áo của ông thô sơ làm bằng vỏ cây. Yokoi biết cuộc chiến tranh đã chấm dứt vì thấy những tờ truyền đơn đã rải khắp nơi trong rừng núi của đảo Guam, nhưng ông sợ hãi là khi bước ra khỏi nơi ẩn nấp, ông sẽ bị hành hình. Thời gian trôi qua 28 năm trời, sau cùng có hai người đi săn thấy ông ẩn núp trong hang. Họ giải thích cho ông rằng cuộc chiến tranh đã chấm dứt từ lâu rồi, và ông không cần phải trốn nữa.
Có nhiều cái sợ ngày hôm nay; nào là sợ thất bại, sợ tiếng đồn, sợ mất việc, sợ thiếu tiền, sợ bệnh, sợ chết, v.v. Sợ có thể làm tim đập mạnh, bàn tay chảy mồ hôi, bắp thịt run rẩy. Sợ hãi là một trong những cảm xúc của căng thẳng. Sợ hãi làm cho chúng ta yếu đuối, sợ hãi làm cho chúng ta mất đức tin.
Yếu đuối
Một cuộc thí nghiệm về sự sợ hãi của khỉ con. Khi nó được sáu tháng, nhà thí nghiệm tách biệt mẹ nó thì năng lực chống nhiễm trùng của nó giảm bớt mười lần. Mặc dù mẹ nó và nó trở lại với nhau, kháng thể (immune) của khỉ con còn yếu đuối cho đến vài tuần hoặc vài tháng mới được phục hồi. Đây có nghĩa là trong thời gian sợ hãi con người có thể dễ bị nhiễm trùng và bệnh tật có thể xâm nhập một thời gian sau đó. Và có một cuộc nghiên cứu khác giữa hai nhóm học sinh. Nhóm học sinh không hòa mình trong môi trường thì số lượng “natural killer cells” giảm bớt so với nhóm học sinh thoải mái hòa mình cùng môi trường thích hợp.
Chính sự sợ hãi làm cho con người yếu đuối, tác động của nó làm cho cơ thể suy nhược.
Đức tin
Mahatma Ghandi và Tổng thống Franklin D. Roosevelt nói, “Không có gì sợ hãi, trừ phi chính sự sợ hãi.” Có nhiều điều khiến chúng ta lo sợ, mà chúng ta không làm gì được. Nếu một người đứng trước tử thần, thì Chúa phán, “Đừng sợ, vì ta đã chuộc ngươi” (Ê-sai 43:1). Nếu một người thiếu thốn, thì Chúa nói, “Đừng sợ, vì ta ở cùng ngươi” (Ê-sai 43:5). Việt Nam chúng ta có câu, “Trời sanh Trời dưỡng.” Nếu sợ bắt bớ, chúng ta hát, “Tôi đã để lòng tin cậy nơi Đức Chúa Trời, ắt sẽ chẳng sợ chi; người đời sẽ làm chi tôi?” (Thi thiên 56:11).
Thiếu đức tin và trông cậy thì đưa đến sự sợ hãi. Để có sự bình an trong tâm hồn, chúng ta nên giao phó mọi việc cho Chúa. Chúng ta cần đặt niềm tin vào Đấng có thể giải quyết mọi vấn đề.
Jim Vaus làm việc cho bọn cướp của Mickey Cohem tại Los Angeles, và ông chuyên môn dùng thủ đoạn nghe trộm điện thoại của người khác một cánh bí mật. Tình cờ một ngày khi Mục sư Billy Graham đến giảng, Chúa hoán cải đời sống của ông. Báo chí đã viết về ông ngày hôm sau. Khi ông nhìn thấy báo đăng tên ông thì ông nghĩ đến bọn cướp sẽ làm gì khi ông bỏ băng đảng. Xét cho cùng, ông biết nhiều cái bí mật có thể khai ra để đưa bọn cướp vào tù. Đối với bọn cướp, ông đã trở thành kẻ phản bội họ. Khi ông nhìn ra cửa sổ sáng hôm ấy, một chiếc xe limousine ngừng trước nhà của ông. Jim nhận ra những người đến là những kẻ giết người vô tâm. Tuy nhiên, ông tìm được bình an khi đọc Châm ngôn 16:7, “Khi tánh hạnh của người nào đẹp lòng Đức Giê-hô-va, thì Ngài cũng khiến các thù nghịch người ở hòa thuận với người.” Bọn cướp gọi ông đi St. Louis để nghe trộm điện thoại; ông từ chối và giải thích Chúa đã thay đổi cuộc đời của ông. Nghe điều đó, bọn cướp lúng túng và bỏ đi. Đức tin đánh tan sự sợ hãi.
Trong bất cứ hoàn cảnh nào làm chúng ta lo sợ, Chúa hứa rằng “Ta sẽ chẳng lìa ngươi đâu, chẳng bỏ ngươi đâu” (Hê-bơ-rơ 13:5).
Mục sư Nguyễn Khắc Vinh
0 268 3 minutes read