Một năm dần trôi qua, là con cái Chúa, chúng ta đã sống thế nào?! Khi nhìn lại cuộc đời đã qua chúng ta thấy được gì? Hãy cùng suy gẫm về cây Chuối! Chúng ta biết rằng “Chuối” là loài cây không chỉ gần gũi với người dân Việt, có sức sống mãnh liệt mà còn đóng vai chính hoặc phụ cho nhiều món ăn ngon.
Theo các tài liệu khoa học, chuối thuộc chi Musa, có nguồn gốc ở vùng nhiệt đới Đông Nam Á. Quả chuối chín là món ăn tráng miệng bổ dưỡng, thông dụng toàn cầu.
Ở nước ta có khoảng 5 giống chuối cho trái ngon: sứ (Xiêm), mật, già hương, già lùn, cau. Riêng chuối hột còn giúp trợ thận và hệ tiêu hóa.
Được biết, cùng một giống chuối, tùy theo thổ nhưỡng từng vùng sẽ quyết định chất lượng quả chuối “có một không hai”. Ví như giống chuối sứ ở Mỹ Tho, Tiền Giang ngon không nơi nào trong nước bì kịp. Còn quả chuối mật chín chắc thịt, tươm mật thơm ngọt chỉ có ở các vùng Bình Định, Phú Yên. Chuối cau ngon nhất được dân sành ăn “phát hiện” ở Tân Uyên, Bình Dương và Nha Trang. Còn chuối già hương lại khoái vùng đất đỏ bazan Ban Mê Thuộc. Riêng chuối hột đặc sắc thuộc vùng duyên hải, từ Huế đến Khánh Hòa. Song sẽ thiếu sót nếu bạn nghĩ chuối chỉ để ăn quả. Bởi vì thân cây chuối còn có thể dùng để nấu rất nhiều món ngon.
Một đời của cây Chuối theo nhiều người thì chỉ sống đến sau khi trái đã chín. Vì một lý do rất đơn giản, cả đời của Chuối chỉ cho một buồng chuối. Sau khi trái chín, được thu hoạch thì người ta lại chặt cây chuối xuống. Trái sống thì để làm chuối nướng, trái chín thì dùng để chế biến món tráng miệng, chuối ngào đường…. Nhưng với thân thì có thể dùng vào chế biến món ăn như gỏi chuối, còn lá thì dùng vào gói đồ, và nhất là gói bánh tét, bánh chưng vào dịp Tết…
Quả thật, khi nghĩ về cây Chuối thì mấy ai nghĩ về sự cuối cùng của nó…. vì cuối cùng của sự cống hiến thường hay bị lãng quên. Người ta chỉ ăn trái, ngọt, ngon. Hay họa chăng là lá chuối bóng loáng, đẹp dài để sẵn sàng làm một công cụ nhằm cho ra lò những đòn bánh tét, bánh chưng tuyệt vời. Bỏ lá hết rồi thì bánh là bánh, còn là lại trở về nguồn cội, làm phân lại bón tiếp vào cây.
Một vòng đời cây chuối là thế, còn con cái của Chúa thì sao? Chúng ta không giống với những loài vật vô tri, hay những chim trời tung cánh khi nó đã đủ lớn. Chúng ta cũng không phải cống hiến vì luống công. Vì “Phàm sự gì có thì tiết; mọi việc dưới trời có kỳ định. Có kỳ sanh ra, và có kỳ chết; có kỳ trồng, và có kỳ nhổ vật đã trồng; …. Kẻ làm việc có được ích lợi gì về lao khổ mình chăng?” (Truyền đạo 3:1-9). Chúng ta ngẫm lại sự đời, thấy một năm qua đã thành công vượt bậc, một năm qua thu hoạch rất nhiều, một năm qua tiền lương đã bị tuột dốc vì kinh tế thị trường đang khủng hoảng, hay tài khoản ngân hàng của chúng ta đã được lắp đầy bằng con số ngoại tệ, và hàng tỉ tỉ đồng…. mọi sự rồi sẽ thế nào nếu đột nhiên trái của nó chín? Động đất, đói kém, v.v. sẽ mang thế giới đến hồi kết hay đó là dấu hiệu để cho biết “Ngày của Chúa đến” không còn lâu nữa! Tiếp nhận hay không thì tùy thuộc vào chúng ta. Chúng ta đã sẵn sàng để trái của Chúa chín hay chưa?! Chúng ta đã sẵn sàng cho ngày của Chúa trở lại hay đang mãi mê trong lạc thú thế trần để rồi khi ngẫm lại thì chúng ta sẽ trở về bụi đất! Vì khi đã gieo thì sẽ gặt! Thử hỏi chúng ta đã sẵn sàng để Ngài có thể gặt được chưa?
Một thân cây Chuối với thân con người có khác gì nhau nếu chúng ta cứ dửng dưng không hề đặt niềm tin vào Đấng đã dựng nên mọi loài. Hãy sẵn sàng ngay ngày hôm nay để đươm hoa và kết trái cho Chúa. Nguyện xin Chúa mở mắt cho chúng ta để có thể nhận biết được ý muốn của Ngài và sống xứng đáng với những ơn phước đã nhận được!
Snowray