Thống kê về Bệnh Tiểu đường
Tiểu đường là một bệnh rất nghiêm trọng, đã ảnh hưởng tới nhiều người. Theo thống kê phát hành ngày 26 tháng 1, 2011 của Hội Tiểu Đường Mỹ, có 25.8 triệu trẻ em và người lớn bị bệnh tiểu đường ở Mỹ – 8.3 phần trăm dân số. Số người được chẩn bệnh là 18.8 triệu. Số người không được chẩn bệnh là 7 triệu. Còn những người ở trong tình
trạng có thể bị bệnh (Prediabetes) là 79 triệu. Năm 2010, có 1.9 triệu trường hợp mới bị tiểu đường trong số những người từ 20 tuổi trở lên. Bệnh tiểu đường là nguyên nhân chính gây ra các biến chứng: Mù lòa (4.4%), thận hư (44%), ảnh hưởng tới thần kinh (60%), và cưa chân (60%). Sự chữa trị bệnh này rất tốn kém: 174 tỷ Mỹ kim cho năm 2007. Chúng ta có thể phòng ngừa hay chữa trị bệnh này như câu chuyện thật sau đây.
Lời Chứng Của Một Bệnh Nhân
Đây là tóm lược câu chuyện của Tom Thompkins, một ký giả chuyên viết về sức khỏe, đăng trong tạp chí Vibrant Life online. Sau nhiều tháng có những triệu chứng mà ông giữ kín – khát nước kinh khủng, đi tiểu thường xuyên, luôn luôn mệt mỏi, và lên cân đều đều. Cuối cùng, ông gọi một người bạn thân và kể về sự nghi ngờ của mình. Bác sĩ Lois Jovanovic, giám đốc Bệnh viện Sansum ở Santa Barbara, California, một chuyên viên nổi tiếng quốc tế về bệnh tiểu đường, đã trách tôi là không gọi bà sớm hơn, và ra lệnh cho tôi tới văn phòng ngay lập tức. Kết quả thử máu cho biết tôi có cùng một bệnh đã gây cho cha tôi cái chết từ từ, đau đớn, và tôi đã thêm vào con số thống kê của những người bị bệnh tiểu đường. Tôi choáng váng nghe bà nói, chấp nhận sự chẩn bệnh như một người chấp nhận án tử hình của chánh án. Tôi thấy cha tôi đau đớn vì những biến chứng lâu dài mà bây giờ tôi nhìn thấy trong tương lai mình – mù lòa, thận hư, tuần hoàn yếu kém, và cuối cùng, bị cơn đau tim.
Trên đường về nhà, tôi gọi vợ tôi mà cảm thấy nghẹn lời. Tôi đã không chuẩn bị để đối diện với sự chết. Với giọng nói bình tĩnh và khích lệ mà tôi đã yêu mến trong những năm vừa qua, nàng nói, “Anh đừng lo. Chúng ta sẽ cùng nhau đối phó.”
Tôi tránh xa đời sống xã hội và hướng về nội tâm. Thuốc uống, chế độ dinh dưỡng và cảm thấy tội nghiệp cho mình đã trở thành trọng tâm của đời sống tôi. Với 276 pounds và với lượng đường trong máu là 337 (bình thường là 80-120), tôi biết con đường dài khó khăn trước mặt. Một tuần lễ sau, những đầu ngón tay của tôi trở thành cái gối nhỏ để đâm kim, và tủ thuốc của tôi thì đầy thuốc và những đồ thử máu. Gia đình tôi đối phó với sự ăn uống giới hạn của tôi một cách nhẹ nhàng nhưng cương quyết. Sự khuyến khích không ngừng của họ giúp tôi lên tinh thần. Ngay cả đứa con trai 13 tuổi cũng kiểm soát các món ăn của tôi để biết chắc là tôi không ăn gian.
Chẳng bao lâu sự cố gắng của tôi đã đem lại kết quả. Một tháng sau, tôi xuống 15 pounds và số đường trong máu cũng hạ thấp. Bác sĩ giảm thuốc xuống một nửa. Tháng kế tiếp, tôi mất tổng cộng 25 pounds. Tôi hăng hái tập thể dục. Bây giờ, tám tháng sau khi được chẩn bệnh, tôi cân 214 pounds, tức là tôi đã xuống 62 pounds. Tôi chạy bộ hai dặm mỗi buổi sáng, và lượng đường trong máu bây giờ còn có 96. Tôi thấy có nhiều sinh lực và không cần dùng thuốc nữa. Tóm lại, tôi như một người mới.
Đối với tôi, sự rủa sả bị “Bệnh tiểu đường” đã trở thành một ơn phước. Bệnh này bắt buộc tôi phải chỉnh đốn lại đời sống và sức khỏe mình. Tôi chấp nhận hoàn toàn trách nhiệm về cả hai với niềm phấn khởi. Bác sĩ Jovanovic đã nói với tôi rằng một ngày nào đó, tôi sẽ cảm tạ về bệnh tiểu đường của tôi và tôi đã không hiểu bà muốn nói gì. Bây giờ thì tôi đã hiểu. Vì thế tôi nói, “Cảm tạ Chúa đã cho con bị bệnh tiểu đường. Và cảm tạ Chúa đã khiến đời sống của con đáng để sống một lần nữa.”
Tài liệu sưu tầm trên mạng ngày 6 tháng 11, 2011
www.diabetes.org và www.vibrant life.com