Nghiên Cứu Giáo Lý

Bảy Lời Trăn Trối Của Đức Chúa Giê-su

Trước khi trút linh hồn Đức Chúa Giê-su đã thốt lên bảy lời trăn trối sau cùng. Những lời này mang đầy ý nghĩa cho chúng ta là những tín đồ của Ngài. Các sách Phúc Âm đã ghi lại những lời Chúa thốt lên trước khi Ngài lìa trần thế. Đây là những lời tâm niệm cho chúng ta ghi nhớ, vì chúng ta là những tín đồ quyết một lòng theo Chúa suốt đời mình.

1. Cha ơi, xin tha thứ cho họ vì họ không biết việc mình làm (Lu-ca 23:34)
Đức Chúa Giê-su phán những lời này ngay sau khi những người lính đã treo Ngài trên thập giá. Dầu đau đớn không cùng, Ngài vẫn thốt lên lời nài xin Đức Chúa Cha tha tội cho những kẻ đang hành hạ Ngài, và cho cả chúng sinh là những kẻ Ngài đã bằng lòng hy sinh mạng sống mình làm giá cứu chuộc cho. Đức Chúa Giê-su đến thế gian vì nhiều lý do, nhưng lý do hệ trọng hơn cả là, Ngài đã đến để chúng ta được tha thứ mọi tội lỗi. Vì lẽ đó chúng ta cũng hãy lấy lòng nhân từ mà tha thứ cho nhau như Chúa đã tha thứ cho những kẻ đã hành hung Ngài.

2. Hỡi người đờn bà kia, này là con trai của người! (Giăng 19:26, 27)
Đây có lẽ là lời thứ hai Đức Chúa Giê-su thốt ra sau khi người ta đã đóng những cây đinh vào tay và vào chân Ngài để giữ cho thân xác Ngài không rơi khỏi thập giá. Bị treo lơ lửng giữa từng không, trong cơn đau đớn vô vàn, Chúa nhìn xuống chân thập tự và thấy mẹ mình đang phủ phục khóc con. Ngài thấu hiểu nỗi đau người mẹ phải cam chịu khi chứng kiến con trai mình bị giết. Ngài biết mình đã phải chết sớm không được ở trần thế để báo hiếu cho mẹ. Giây phút ấy Đức Chúa Giê-su đã giao trách nhiệm làm con cho người môn đệ chí thân của Ngài. Và Kinh Thánh ghi lại, kể từ giờ phút ấy, người môn đệ đã mang mẹ Ngài về và chăm sóc bà.

3. Quả thật hôm nay ta nói cùng ngươi, ngươi sẽ ở cùng ta trong thiên đàng (Lu-ca 23:43)
Đây là lời Chúa đã phán cùng kẻ tử tù bị hành quyết kế bên Ngài. Khi lìa đời, Chúa đã bị treo giữa hai kẻ tội phạm. Hai kẻ tội phạm này là biểu tượng của hết thảy chúng ta: những tội nhân. Kẻ tử tội bên tay trái Chúa nói rằng, “Nếu ông thật là Đấng Cứu Thế thì hãy cứu chính ông và cả hai chúng ta nữa đi.” Tội nhân này nói với một lòng chẳng tin. Nhưng kẻ tử tội bên tay phải đã rầy tên tử tội ấy, và anh ta đã xưng nhận rằng Chúa là Đấng vô tội đã phải chịu chết thay cho mọi tội nhân. Vì lẽ anh ta tin Chúa Giê-su là Đấng Cứu Chuộc, anh ta đã được Chúa hứa rằng anh sẽ được vào nước Ngài.

4. Đức Chúa Trời ôi, Cha ơi, sao Cha lìa bỏ con? (Ma-thi-ơ 27:46)
Những lời thống thiết của một Con Người cảm thấy tội lỗi của thế gian chồng chất trên mình. Đức Chúa Giê-su đã oằn oại dưới những tội lỗi của loài người mà Ngài phải gánh thay. Sự nhục nhã, sự đau đớn, sự gớm ghiếc của tội lỗi quá ghê tởm đã làm Chúa chúng ta thấy dường như đến cả Cha Ngài là Đức Chúa Trời cũng phải ngoảnh mặt không nhìn Ngài. Khi Chúa thốt những lời này, Ngài muốn mỗi một chúng ta là những kẻ mà Chúa phải chết cho hãy nhớ rằng vì quá yêu thương chúng ta mà Đức Chúa Con đã phải xa lìa Cha Ngài và chịu chết cách thảm thiết.

5. Ta khát! (Giăng 19:28)
Chúa đã lê lết qua trọn các con đường của Giê-ru-sa-lem để lên đến Đồi Gô-gô-tha. Ngài đã đổ mồ hôi, nhỏ những giọt máu khắp con đường Ngài đi qua và giờ đây đang bị treo giữa bầu trời trưa nắng chói chang. Lưỡi Ngài khô đắng, cổ họng Ngài nóng hừng, và Ngài thốt lên lời than của một con người bằng xương bằng thịt, Tôi khát! Phải nhớ rằng Đức Chúa Giê-su đã chết trên thập giá thế nào thì đó lẽ ra là cái giá mà chính mỗi người chúng ta phải trả. Trên thập giá Chúa chúng ta đã tha thứ, thì chúng ta cũng phải tha thứ. Trên thập giá, Chúa chúng ta đã khát, thì chúng ta cũng phải khát. Khát đây là khát như Ngài đã nói trong Ma-thi-ơ 5:6, Phước cho những kẻ đói khát sự công bình, vì họ sẽ được no đủ. Chúng ta cũng phải khát sự công bình như Chúa chúng ta vậy.

6. Mọi sự đã được trọn! (Giăng 19:30)
Đức Chúa Giê-su không bỏ cuộc. Ngài đến thế gian để làm tròn bổn phận cứu rỗi của Ngài cho đến chết. Sứ mạng Chúa tại thế gian đã hoàn thành. Đó là một tin mừng cho hết thảy nhân loại. Vì sao Ngài đến thế gian? Vì Đức Chúa Trời yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một của Ngài, hầu cho hễ ai tin Con ấy thì được cứu (Giăng 3:16). Trong tiếng Hy Lạp, chữ “được trọn” có nghĩa là “đã trả xong”, như khi người ta trả một món nợ và không còn thiếu gì nữa cả. Chúa đã trả xong món nợ cho hết thảy chúng ta. Đó là lời kêu chiến thắng dầu đang giữa sự thương đau.

7. Cha ơi, Con giao linh hồn con trong tay Cha (Lu-ca 23:46)
Kinh Thánh ghi lại, vừa khi thốt lên những lời này xong thì Đức Chúa Giê-su trút linh hồn. Đức Chúa Giê-su đã chọn cái chết của Ngài. Ngài không vùng vẫy giằng co để được sống lâu hơn nữa. Chúa biết vì sao Ngài phải đến thế gian. Khi chào đời trong thế gian này, và lúc đã đủ khôn ngoan, Chúa đã biết mình sẽ phải chịu chết. Ngài đã biết rằng Ngài đến để làm tròn ý Cha mình, rằng Ngài là Con Chiên Hy sinh của Đức Chúa Trời. Là tín đồ của Chúa chúng ta cũng vậy, phải biết rằng mình nằm trong chương trình của Đức Chúa Trời. Mỗi giờ, mỗi giây, chúng ta phải cầu nguyện rằng, “Ý Cha được nên.” Lời cuối cùng Chúa kêu lên cũng là lời của một đức tin hoàn toàn. Dầu đang bị đè nặng dưới gánh nặng của tội lỗi, dầu lúc ấy Chúa không biết tương lai mình sẽ ra thế nào, Ngài vẫn đặt lòng tin nơi Cha Ngài, và giao phó linh hồn mình trong tay Cha. Dầu Ngài đang cảm thấy như Ngài có thể phải đương đầu với sự xa cách đời đời với Chúa Cha, Ngài vẫn giao phó mọi sự trong tay Cha. Đó là một gương cho chúng ta noi theo.
Bảy lời cuối cùng Đức Chúa Giê-su thốt lên không phải là lời trăn trối của một con người thường tình. Đó là những lời thôi thúc, những lời nhắc nhở và những lời an ủi. Và những lời Chúa phán đây là những lời cuối cùng trước khi Ngài lìa sự sống của trần gian nhưng không phải là những lời cuối cùng của Ngài nơi dương trần. Sau khi sống lại, Chúa đã ở cùng các đồ đệ của Ngài thêm 40 ngày nữa để an ủi, khuyên răn, dạy dỗ và thúc giục họ trước khi Ngài trở về trời. Và những lời đầu tiên Chúa phán khi Ngài sống lại đã là những lời chiến thắng, “Đừng khóc nữa, vì ta sống lại và sống.” Chúa của chúng ta đã sống. Để chúng ta mỗi người cũng có được niềm hy vọng trong sự sống đời đời.
Nguyễn thị Ngọc Liên
(Dựa theo ý bài giảng của
Mục sư Dough Batchelor)

Related Articles

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Back to top button