Văn-Thơ-Truyện

BẬC THANG TIN KÍNH

                                                

Đức Khổng Tử thấy người bẫy chim chỉ bẫy được những sẻ con vàng mép, bèn hỏi:

Tại sao không đánh được sẻ già?

Người bẫy chim đáp:

Sẻ già biết sợ, khó bắt. Sẻ non tham ăn, dễ bắt. Giá như sẻ non theo sẻ già, thì bắt sẻ non cũng khó. Nhược bằng sẻ già theo sẻ non, thì bắt sẻ già cũng dễ.

Nghe xong, Khổng Tử quay bảo học trò:

Người quân tử trước khi theo ai, phải cẩn thận. Theo ai mà biết phòng xa như

người lão luyện thì được toàn thân; theo ai mà hay nông nổi như trẻ dại thì bại hoại.

Những người theo Chúa thường có nhiều mục đích khác nhau. Có kẻ theo Chúa

với hình thức bề ngoài. Sứ đồ Phao-lô gọi họ là những kẻ “giữ hình thức tin kính bề ngoài, nhưng lại chối bỏ quyền năng của lòng tin  kính [quyền năng của Chúa]” (II Ti-mô-thê 3:5, BDM). Những kẻ khác theo Chúa vì tư lợi, “thiếu mất lẽ thật, coi sự tin kính như là nguồn lợi vậy” (I Ti-mô-thê 6:5). Hai hạng người nầy dễ sa vào cạm bẫy của ma quỉ.

Hạng người thứ ba, vì thật lòng tin kính Chúa, nên tránh khỏi bẫy dò của kẻ dữ. “ Nhưng, hỡi con, là người của Đức Chúa Trời, hãy tránh những sự đó đi, mà tìm điều công bình, tin kính, đức tin, yêu thương, nhịn nhục, mềm mại. Hãy vì đức tin mà đánh trận tốt lành, bắt lấy sự sống đời đời, là sự mà con đã được gọi đến, và vì đó mà con đã làm chứng tốt lành trước mặt nhiều người chứng kiến” (I Ti-mô-thê 6:11, 12). Hằng ngày, những con chiên của Chúa liên tục leo lên bậc thang tin kính. “Vì chính lý do nầy, hãy hết sức thêm cho đức tin anh chị em nhân từ, thêm cho nhân từ hiểu biết, thêm cho hiêu biết tiết chế, thêm cho tiết chế kiên trì, thêm cho kiên trì tin kính, thêm cho tin kính tình huynh đệ, thêm cho tình huynh đệ yêu thương” (II Phi-e-rơ 1:5-7, BDM).

Những bậc thang tin kính sẽ biến cải đời sống của con cái Chúa, không những chỉ tốt đẹp vài phần, nhưng trọn vẹn mười phần. “Vì sự  luyện tập thân thể chỉ ích lợi đôi phần còn lòng tin kính lại ích lợi hoàn toàn” (I Ti-mô-thê 4:8, BDM). Lòng tin kính Chúa, tự nguyện từ trong tâm, cần được rèn luyện và phát triển. “Hãy tránh những điều gì bất kính, huyền hoặc, nhưng phải luyện tập lòng tin kính” (I Ti-mô-thê 4:7, BDM).

Chính quyền năng của Đức Chúa Trời đã ban mọi điều cần thiết cho phần thuộc thể và thuộc linh của chúng ta. “Quyền phép Đức Chúa Trời đã ban cho chúng ta mọi điều thuộc về sự sóng và tin kính” (II Phi-e-rơ 1:3). Đời sống tin kính hiện tại là điều kiện tiên quyết cho đời sống vĩnh cửu tương lai. “Nhờ thế con đường vào nước đời đời của Chúa và Đấng Cứu Thế Giê-su Cơ Đốc chúng ta sẽ được mở rộng tiếp đón anh chị em” (II Phi-e-rơ 1:11, BDM).

Đào Thanh Khiết

 

Related Articles

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Back to top button