Văn-Thơ-Truyện

Ai Là Người Lân Cận?

Vua Cung Vương nước Sở đi săn, giữa đường rơi mất cây cung. Các quan theo hầu cố xin tìm cho được. Vua nói, “Thôi, tìm làm chi! Người nước Sở đánh mất cung, chắc phải có một người nước Sở khác bắt được cung, đi đâu mà thiệt.” Đức Khổng Tử hay việc, mới bảo, “Đáng tiếc cho cái chí vua Sở không làm to hơn được nữa! Hà tất phải nói người nước Sở? Giá vua bảo, ‘Người nầy đánh mất cung, người khác bắt được cung, cây cung ấy vẫn được dùng’ thì tốt biết bao!”
Câu chuyện trên ngụ ý nói: Của cải hay đồ đạc là vật vô tri, mất cái nầy có thể tạo cái khác được. Còn người đời đối với mình nếu không phải đồng bào, đồng chủng, thì cũng đồng loại, phải yêu thương mà giúp đỡ lẫn nhau; không nên bo bo tiếc của mà để người khác thiếu thốn hay vì nóng của mà hại người. Kinh Thánh chép, “Đừng mắc nợ ai chi hết, chỉ mắc nợ về sự yêu thương nhau mà thôi, vì ai yêu kẻ lân cận mình ấy là đã làm trọn luật pháp. Vả, những điều răn nầy: Ngươi chớ phạm tội tà dâm, chớ giết người, chớ trộm cướp, chớ tham lam, và mọi điều răn khác nữa, bất luận điều nào, đều tóm lại trong một lời nầy: Ngươi phải yêu thương kẻ lân cận mình như mình” (Rô-ma 13:8, 9). Thành ngữ có câu, “Tứ hải giai huynh đệ.” Nghĩa là: Người trong bốn biển đều là anh em cả.
Trong ngụ ngôn về người Sa-ma-ri nhân từ, một thầy dạy luật muốn thử Đức Chúa Giê-su nên hỏi, “Thưa thầy, tôi phải làm gì để được hưởng sự sống đời đời? Ngài phán rằng: Trong luật pháp có chép điều gì? Ngươi đọc gì trong đó? Thưa rằng: Ngươi phải hết lòng, hết linh hồn, hết sức, hết trí mà kính mến Chúa là Đức Chúa Trời ngươi; và yêu người lân cận như mình. Đức Chúa Giê-su phán rằng: Ngươi đáp phải lắm; hãy làm điều đó, thì được sống”(Lu-ca 10:25-28).
Nhưng thầy dạy luật muốn tự bào chữa nên hỏi lại, ai là người lân cận? Để trả lời, Đức Chúa Giê-su kể chuyện một người Do Thái đi từ Giê-ru-sa-lem xuống Giê-ri-cô, giữa đường bị cướp. Chúng lột hết quần áo, đánh đập tàn nhẫn rồi bỏ nạn nhân nằm ngất ngư bên vệ đường. Một thầy tế lễ thấy nạn nhân bèn tránh sang bên đường, rồi bỏ đi. Một thầy phó tế thấy vậy cũng bỏ đi luôn. Đến lúc người Sa-ma-ri đi ngang qua nhìn thấy, động lòng trắc ẩn, nên lại gần, lấy dầu thoa bóp và băng bó các vết thương. Rồi người ấy đỡ nạn nhân lên lưng lừa mình, chở đến quán trọ cấp cứu. Hôm sau, trước khi lên đường, người ấy trao cho chủ quán một số tiền để dùng vào việc săn sóc nạn nhân và dặn nếu thiếu, khi trở về sẽ trả thêm.
Đoạn, Đức Chúa Giê-su hỏi, “Trong ba người đó, ngươi tưởng ai là lân cận với kẻ bị cướp? Thầy dạy luật thưa rằng: Ấy là người đã lấy lòng thương xót đãi người. Đức Chúa Giê-su phán rằng: Hãy đi, làm theo như vậy”(Lu-ca 10:36, 37). Thế mới biết, người lân cận trong ngụ ngôn là bất cứ ai mà chúng ta có dịp tiếp xúc, không phân biệt chủng tộc, quốc gia, tôn giáo, hay ý thức hệ. Bổn phận chúng ta là phải thương yêu, giúp đỡ họ.
Đào Thanh Khiết

Related Articles

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Back to top button