Tiếp theo báo kỳ trước, sau đây là sự kiện 3 và 4 về ngày thứ Bảy Sa-bát.
Sự Kiện #3: Ngày Sa-bát Không Thể Vâng Giữ Vào Bất Cứ Ngày Nào
Mỗi chữ trong Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời đã được viết trên bảng đá bằng ngón tay của Ngài. Mỗi chữ đều quan trọng và chứa đầy ý nghĩa. Không có một dòng chữ nào dư thừa hoặc bí ẩn. Những kẻ có tội hay là công chính, có học hay là vô học, không thể nhầm lẫn về chữ “ngày thứ Bảy.” Tuy thế, Sa-tan muốn thế giới chấp nhận ngày Chủ Nhật là ngày thờ phượng, hoặc bất kỳ ngày nào cũng được miễn là bất tuân mạng lệnh của Đức Chúa Trời.
Sách Sáng thế Ký miêu tả nguồn gốc của ngày Sa-bát như thế này, “Ấy vậy, trời đất và muôn vật đã dựng nên xong rồi. Ngày thứ bảy, Đức Chúa Trời làm xong các công việc Ngài đã làm. . . Ngài ban phước cho ngày thứ bảy, đặt là ngày thánh; vì trong ngày đó, Ngài nghỉ các công việc đã dựng nên và đã làm xong rồi” (Sáng thế Ký 2:1-3). Ngày thứ Bảy Sa-bát, Chúa nghỉ, Chúa ban phước, và Chúa biệt riêng ngày đó làm ngày thánh.
(1) Chúa nghỉ ngày thứ Bảy và Chúa kêu gọi chúng ta nghỉ cùng ngày đó. Đây là dịp chúng ta thông công mật thiết với Ngài. Nếu chồng nghỉ ngày này và vợ nghỉ ngày nọ thì vợ chồng không bao giờ có dịp thông công với nhau, sớm muộn tình yêu cũng sẽ phai mờ.
(2) Chúng ta tin rằng sự ban phước từ Chúa là quan trọng cho nên chúng ta cầu nguyện cho nhau và cầu khẩn Ngài ban phước. Tuy Chúa ban phước mỗi ngày, nhưng ngày thứ Bảy Chúa ban phước đặc biệt hơn những ngày khác.
(3) Con người không thể biến một ngày nào đó thành ngày thánh cho dù họ đọc Kinh Thánh, hát Thánh Ca, kiêng ăn và cầu nguyện. Chúa đã biệt riêng ngày thứ Bảy ra thánh và Chúa không muốn chúng ta vi phạm.
Trong Xuất Ê-díp-tô Ký đoạn 16, Đức Chúa Trời ban phước cho dân Do Thái bánh ma-na trong suốt thời gian 40 năm sống trong đồng vắng. Ngày nào bánh ma-na cũng rơi xuống từ trên trời. Họ lượm đủ ăn cho mỗi ngày và không thể giữ bánh ma-na qua đêm vì sẽ bị hư. Nhưng vào ngày thứ Bảy, Chúa không ban cho họ bánh. Ngược lại Chúa phán dặn rằng chỉ vào ngày thứ Sáu họ có thể lượm gấp hai, và khi họ cất giữ bánh qua đêm thì bánh vẫn còn tươi và ngọt.
Chúa thử xem dân sự của Ngài có vâng giữ ngày thứ Bảy không! Nhưng một số người Do Thái đã có ý tưởng giống như nhiều người Cơ Đốc ngày hôm nay. Họ cảm thấy rằng giữ bất cứ ngày nào trong bảy ngày cũng được. Kinh Thánh có chép, “Ngày thứ bảy, một vài người trong vòng dân sự ra đặng lượm lấy, nhưng tìm chẳng thấy chi hết. Đức Giê-hô-va bèn phán cùng Môi-se rằng: Các ngươi chẳng chịu vâng giữ điều răn và luật pháp ta cho đến chừng nào?” (Xuất Ê-díp-tô Ký 16:27, 28).
Chúa kết tội họ vì họ vi phạm điều răn của Ngài bằng cách đi ra để làm việc vào ngày thứ Bảy. Chúa có kết tội tương tự như vậy những ai vi phạm ngày Sa-bát hôm nay không? Hãy nhớ Chúa không bao giờ thay đổi, “hôm qua, ngày nay, và cho đến đời đời không hề thay đổi” (Hê-bơ-rơ 13:8).
Tại sao Chúa ban phước cho ngày thứ Bảy là ngày thờ phượng? Vì Đức Chúa Trời tạo dựng xong thế giới trong sáu ngày, cho nên Ngài dành riêng ngày thứ Bảy để kỷ niệm sự tạo thế. Mỗi lần chúng ta thờ phượng Chúa trong ngày thứ Bảy là nhớ đến sự kỷ niệm của Đấng Sáng Tạo.
Ngày kỷ niệm có thể thay đổi không? Không, vì nó đưa chúng ta về nguồn cội một công trình hoàn hảo. Thí dụ, ngày 4 tháng 7 là ngày Độc Lập của nước Hoa Kỳ. Chúng ta có thể thay đổi được không? Dĩ nhiên là không, vì Bản Tuyên Ngôn Độc Lập đã được ký vào ngày 4 tháng 7 năm 1776.
Ngày sinh nhật của bạn cũng không thay đổi được vì ngày đó nói lên lúc nào bạn chào đời, đánh dấu một kỷ niệm quan trọng. Mỗi lần tổ chức ăn mừng sinh nhật là liên tưởng đến ngày bạn ra đời. Cũng như thế, mỗi lần ăn mừng ngày thứ Bảy Sa-bát là liên tưởng đến sự tạo dựng thế gian.
Sự Kiện #4: Ngày Thứ Bảy Là Ngày Sa-bát
Một số người từ chối thứ Bảy Sa-bát vì tin rằng trải qua hằng ngàn năm biết bao nhiêu điều thay đổi cho nên chúng ta không biết ngày nào là ngày Sa-bát. Vì vậy giữ ngày nào cũng được. Nhưng điều này là sai lầm. Sau đây là bốn chứng minh xác định ngày thứ Bảy chính là ngày Sa-bát.
(1) Theo Kinh Thánh, Chúa Giê-su đã chết vào ngày thứ Sáu và sống lại vào ngày Chủ Nhật, ngày đầu tiên trong tuần. Hầu như tất cả nhà thờ ghi nhận điều này bằng cách kỷ niệm lễ Phục Sinh vào Chủ Nhật (Easter Sunday) và lễ Thương Khó vào thứ Sáu (Good Friday).
Kinh Thánh chép, “Người bèn đi đến Phi-lát mà xin xác Đức Chúa Giê-su. Khi đã đem xác Ngài xuống khỏi cây thập tự, người lấy vải liệm mà bọc, rồi chôn trong huyệt đã đục nơi hòn đá, là huyệt chưa chôn ai hết. Bấy giờ là ngày sắm sửa, và ngày Sa-bát gần tới. Các người đờn bà đã từ xứ Ga-li-lê đến với Đức Chúa Giê-su, theo Giô-sép, xem mả và cũng xem xác Ngài đặt thế nào. Khi trở về, họ sắm sửa những thuốc thơm và sáp thơm. Ngày Sa-bát, họ nghỉ ngơi theo luật lệ” (Lu-ca 23:52-56).
Đây là bằng chứng rõ ràng rằng Chúa Giê-su đã chết trước ngày Sa-bát. Ngày mà Chúa chết là “ngày chuẩn bị” vì nó là thời gian để được sẵn sàng cho ngày Sa-bát. Hãy để ý rằng các phụ nữ nghỉ ngơi trong ngày Sa-bát “theo luật lệ.” Điều răn có chép, “Ngày thứ bảy là ngày Sa-bát,” vì vậy chúng ta biết họ nghỉ ngơi vào ngày thứ Bảy. Câu Kinh Thánh kế tiếp nói, “Ngày thứ nhất trong tuần lễ, khi mờ sáng, các người đờn bà ấy lấy thuốc thơm đã sửa soạn đem đến mồ Ngài. Họ thấy hòn đá đã lăn khỏi cửa mồ” (Lu-ca 24:1, 2).
(2) Lịch đã không hề thay đổi và không ai có thể nhầm lẫn các ngày trong tuần lễ. Cũng như Chúa Giê-su và các môn đồ của Ngài giữ ngày Sa-bát giống như Môi-se đã giữ, chúng ta biết chắc ngày thứ Bảy là ngày Chúa Giê-su giữ. Giáo hoàng Gregory XIII đã thay đổi lịch vào năm 1582, nhưng không hề ảnh hưởng đến chu kỳ tuần lễ. Ông đã thay đổi từ thứ Sáu ngày 5 tháng 10 đến thứ Sáu ngày 15 tháng 10. Điều này không ảnh hưởng chu kỳ tuần lễ và không ảnh hưởng những ngày thứ tự trong tuần.
(3) Người Do Thái vâng giữ ngày thứ Bảy kể từ thời của A-bra-ham, và họ vẫn giữ cho đến ngày hôm nay. Bất cứ nơi nào trên thế giới, người Do Thái cũng đều tiếp tục vâng giữ ngày Sa-bát. Điều này họ đã làm hơn 4,000 năm.
(4) Hơn 100 ngôn ngữ trên thế giới sử dụng từ ngữ “Sa-bát” cho ngày thứ Bảy. Ví dụ, trong tiếng Tây Ban Nha ngày thứ Bảy là “Sabado,” nghĩa là ngày Sa-bát. Điều này có nghĩa là nguồn gốc của ngôn ngữ ngày xưa đã dùng chữ Sa-bát và áp dụng cho ngày thứ Bảy.
Mục sư Nguyễn Khắc Vinh