Ba Má tôi là những nhà truyền giáo. Những năm sau ngày đình chiến, Ba tôi được bổ nhiệm làm mục sư tại miền Trung. Lúc ấy, trụ sở và nhà thờ chính của giáo hội Cơ Đốc Phục Lâm Trung phần ở tại thành phố Đà Nẵng, nơi góc đường Phan Thanh Giản và Phan Chu Trinh. Ba tôi không chỉ làm mục sư sở tại của hội thánh Đà Nẵng, ông cũng đảm trách cả việc chăm sóc và gầy dựng các hội thánh nhỏ trong các miền quê của tỉnh Quảng Nam và Quảng Tín.
Những năm đầu đời ở miền trung ấy cũng là những năm hình ảnh ngày lễ Nô-ên ghi đậm trong lòng tôi nhất. Mỗi năm, cứ vào khoảng đầu tháng mười hai là mấy anh em chúng tôi đã náo nức đón chờ ngày lễ kỷ niệm Chúa ra đời. Ba tôi bắt đầu mua giấy thủ công màu và giao cho bọn trẻ chúng tôi cắt làm dây trang hoàng nhà thờ, và làm lồng đèn ngôi sao thật lớn để treo trước thánh đường. Các anh tôi, lớn hơn thì lo cắt giấy màu thành những sợi nhỏ, chúng tôi nhỏ hơn thì nối những sợi giấy màu thành những khoanh giây xích nối liền nhau. Ba tôi có khiếu vẽ, nên năm nào ông cũng cặm cụi viết vài tấm băng-rôn lớn với bốn chữ Mừng Chúa Giáng Sinh để treo tại các nhà thờ. Mỗi năm Ba tôi chọn một cây thông tươi thật vừa vặn để đặt trên bục giảng. Dựng xong cây Nô-ên, Ba tôi mang ra những thùng đựng các dây đèn nhiều màu, dây kim tuyến, hộp đựng các trái cầu thủy tinh nhiều màu sắc, các mẫu hình thiên sứ, ông già Nô-ên, các ngôi sao năm cánh, v. v. . . và cho phép chúng tôi được trang hoàng cây Nô-ên cho nhà thờ.
Vì là mục sư ở tỉnh nhỏ nên Ba tôi không có được bao người phụ tá. Mỗi mùa Giáng Sinh ông phải là người viết kịch và giao cho các anh tôi tìm người tập kịch. Ông sáng tác những bài thơ giáng sinh để có người ngâm theo khi vở kịch giáng sinh được trình diễn. Ba cũng sắp sửa những bài hát cho chương trình đêm thánh nhạc kịch của mùa Nô-ên. Ca đoàn ngày ấy rất đông vì nhà thờ có nhiều trẻ con và thanh thiếu niên. Ba Má tôi có bảy đứa con, từ nhỏ vài tuổi đến 15, 16, ngần ấy cũng là một phần ba nhân sự của ca đoàn. Kế đến là các con của chú họ tôi, ông Trương Địch. Lúc ấy chú Địch cũng có khoảng tám người con ở trong tuổi hát được. Rồi vài ba người con của ông Phạm Nhàn, và vài người cháu của ông Phạm Thành. Thế là ban hát có trên 20 người. Và cũng lại Ba tôi, đóng vai nhạc trưởng cho ban hát thanh thiếu niên nhà thờ Đà Nẵng thời ấy. Ngoài các tiết mục do tín hữu tại nhà thờ Đà Nẵng đảm trách, chương trình đêm Nô-ên thêm xúc tích vì còn có các ban vũ của các thiếu nữ từ hai nhà thờ Đức Mỹ và Quảng Huế ra tham gia. Năm nào các chị cũng ráo riết tập dượt cho chương trình ngày lễ Giáng sinh.
Một tiết mục đặc sắc của mùa Nô-ên là cuộc thi đố Kinh Thánh. Phần đố là những câu hỏi khúc mắc của Kinh Thánh do Ba tôi soạn, và mỗi thí sinh tham gia phải học thuộc lòng mục lục Kinh Thánh và những đoạn Kinh Thánh dài đến vài trang. Cuộc đố Kinh Thánh của nhà thờ Đà Nẵng rất hào hứng và phấn khởi. Rất nhiều tín hữu tham gia thật nhiệt tình.
Trang hoàng cho mùa Nô-ên và nôn nức sắp xếp chương trình cho ngày lễ Giáng Sinh của nhà thờ đã trở thành một truyền thống của gia đình chúng tôi. Ngày nay các con tôi đã lớn, nhiều khi tôi tự nghĩ khi treo những trái cầu, gắn những sợi dây kim tuyến trên cây, lòng chúng có nôn nao nhớ những ngày giáng sinh khi chúng còn ấu thơ, khi tôi cho chúng giúp trang hoàng cây Nô-ên của gia đình không. Với tôi, mỗi lần cầm một mẫu hình ông già Nô-ên nhiều màu sắc, hay nghe một mùi nhựa thông tươi, lòng tôi vẫn còn chút gì xôn xao của tuổi thơ, mà cũng buồn mang mác vì những mùa Giáng Sinh không cầu kỳ và những người thân yêu của ngày thơ ấu dường như đã thuộc vào tiềm thức của một cõi đời nào đâu đâu.
Mùa Giáng Sinh 2008
Ngọc Liên
0 332 3 minutes read