Một buổi sáng năm 1888, nhà phát minh ra chất nổ Alfred Nobel thức giấc, và đọc trên tờ báo thấy có viết lời cáo phó của chính ông! Thật ra, anh trai của ông qua đời, thế nhưng người phóng viên đã viết lộn cáo phó cho Nobel. Lần đầu tiên trong đời, Alfred Nobel nhìn về ông như những người khác đã nhìn: “Vua chất nổ”—chỉ có thế thôi! Không ai nhắc gì đến những nỗ lực khác của ông. Ông đơn giản chỉ là một nhà buôn bán sự chết, và ai cũng sẽ chỉ nhớ đến ông như vậy. Alfred sửng sốt. Ông quyết tâm làm cho thế giới biết về mục đích sống thật sự của đời ông.
Trong những ngày còn lại của mình, ông đã nỗ lực đấu tranh cho nền hòa bình thế giới, để tìm hướng giải quyết những mâu thuẫn giữa con người, giữa các quốc gia, giữa các sắc tộc. Trước lúc chết, ông viết di chúc để lại toàn bộ tài sản đồ sộ của mình để thiết lập nên một giải thưởng, mà ngày nay được con người đánh giá là giải thưởng cao quý nhất thế giới: Giải thưởng Nobel. Giờ đây, khi nhắc đến tên Nobel, ít người biết đến lịch sử “thuốc nổ” của ông, họ chỉ biết nhiều đến giải thưởng Nobel mà thôi.
Nhiều người ngày nay sống một cuộc sống vô định, họ không tìm thấy mục đích thiết thực của cuộc sống, từng ngày của họ qua đi một cách vô vị, không lợi ích gì cho ai mà cũng hoàn toàn tẻ nhạt với chính họ. Cụm từ “giết thì giờ” thật là xa lạ đối với những ai đang tận dụng tất cả những gì mình có để nỗ lực cống hiến cho tha nhân.
Có bao giờ bạn suy nghĩ và định hướng cho mục đích của cuộc đời mình? Mục đích sống ngày nay của bạn là gì? Bạn muốn mọi người nhớ gì về bạn khi bạn qua đời? Chúa Giê-su đã theo đuổi một mục đích sống cao cả, và Ngài mong mỏi những ai theo Chúa cũng bước đi cùng mục đích ấy: “Hầu việc người ta, và phó sự sống mình làm giá chuộc cho nhiều người” (Mác 10:45).
Mục sư Dương Quang Thoại
0 232 2 minutes read