Hứa Hành tự là Trọng Bình, người châu Hoài, thuộc tỉnh Hà Nam. Thuở nhỏ đi học, hỏi thầy rằng:
— Thưa Thầy, đọc sách để làm gì?
Thầy đáp:
— Đọc sách để đi thi được đỗ đạt.
Hứa Hành tỏ vẻ ngạc nhiên, hỏi vặn lại:
— Đọc sách chỉ để như thế mà thôi ư?
Thầy học lấy làm lạ và bảo với cha mẹ của Hứa Hành rằng:
— Đứa bé nầy thông minh khác thường, ngày sau chắc phải hơn người, tôi không đủ sức làm thầy của nó vậy.
Nói xong, thầy học liền tạ từ mà đi nơi khác. Hứa Hành lớn lên siêng học như kẻ đói muốn ăn, khát muốn uống.
Mục đích của việc học là để mở mang trí tuệ, để biết lẽ phải điều quấy, để giữ hạnh kiểm đúng đắn . . . chớ không phải chỉ để thi đỗ làm quan. Trong Kinh Thánh có ghi lại chuyện người đàn bà góa dâng tiền. “Đức Chúa Giê-su ngồi đối ngang cái rương đựng tiền dâng, coi dân chúng bỏ tiền vào thế nào. Có lắm người giàu bỏ nhiều tiền; cũng có một mụ góa nghèo kia đến bỏ hai đồng tiền ăn một phần tư xu. Ngài bèn kêu môn đồ mà phán rằng: Quả thật, ta nói cùng các ngươi, mụ góa nghèo nầy đã bỏ tiền vào rương nhiều hơn hết thảy những người đã bỏ vào. Vì mọi kẻ khác lấy của dư mình bỏ vào, còn mụ nầy nghèo cực lắm, đã bỏ hết của mình có, là hết của có để nuôi mình”(Mác 12:41-44).
Chúa biết mọi ý nghĩ, mọi ý định, mọi kế hoạch, mọi hành động của chúng ta. Người đàn bà góa kia chỉ dâng hai đồng tiền thôi, nhưng sự hy sinh của bà thật là cao quý vì bà đã dâng hết tiền của của mình. Danh từ động cơ luận trong triết học chủ trương rằng, sự phê bình thiện ác thị phi cần phải xét theo cái nguyên nhân của hành động mà đoán định. Kinh Thánh dạy: “Chớ yêu thế gian, cũng đừng yêu các vật ở thế gian nữa; nếu ai yêu thế gian, thì sự kính mến Đức Chúa Cha chẳng ở trong người ấy. Vì mọi sự trong thế gian, như sự mê tham của xác thịt, mê tham của mắt [vật chất], và sự kiêu ngạo của đời, đều chẳng từ Cha mà đến, nhưng từ thế gian mà ra” (I Giăng 2:15, 16). Ba điều đam mê trên đem lại sự thích thú nhất thời cho bản chất ích kỷ của loài người.
Ngược lại, “có ba điều nầy: Đức tin, sự trông cậy, tình yêu thương; nhưng điều trọng hơn trong ba điều đó là tình yêu thương” (I Cô-rinh-tô 13:13). Giữ vững ba điều nầy tức là vinh danh Chúa và được phước hạnh đời đời. “Chúng tôi không chú tâm vào những sự vật hữu hình, nhưng vào những sự vật vô hình vì sự vật hữu hình chỉ là tạm thời, còn sự vật vô hình mới là vĩnh cửu” (II Cô-rinh-tô 4:18, BDM). Nếu chúng ta lấy tình yêu thương Đức Chúa Trời để làm động lực cho mọi hành động của mình, tức là chúng ta theo đúng tinh thần của luật pháp Ngài. “Vì lời của Đức Chúa Trời là lời sống và linh nghiệm, sắc hơn gươm hai lưỡi, thấu vào đến đỗi chia hồn, linh, cốt, tủy, xem xét tư tưởng và ý định trong lòng. Chẳng có vật nào được giấu kín trước mặt Chúa. . .” (Hê-bơ-rơ 4:12, 13).
“Vậy, anh em hoặc ăn, hoặc uống, hay là làm sự chi khác, hãy vì sự vinh hiển Đức Chúa Trời mà làm” (I Cô-rinh-tô 10:31).
Đào Thanh Khiết
0 304 3 minutes read