Khi người ta hỏi cụ Hà Thị Xinh bí quyết sống thọ của cụ là gì? Bà cụ bật cười, ‘Chẳng có gì cả. Có gì ăn nấy. Ở đời nên sống vui vẻ, đơn giản như con chim trên rừng, đừng để lòng dạ phải nặng nề hờn giận’. Cụ Xinh năm nay 107 tuổi quê xã Đông Sơn tỉnh Phú Thọ, đang sống trong một bản làng nằm sâu trong một thung lũng khoảng ba ngàn dân mà có tới 6 cụ tuổi từ 100-109, chưa kể nhiều cụ suýt soát 100! Ở tuổi này cụ vẫn còn ru cháu, theo trâu ra đồng, tẻ bắp, phụ việc nhà, còn xỏ được kim đan được áo. Chuyện cứ như là cổ tích.
Quay sang Mỹ, người già nhất nước Mỹ là cụ ông Walter Breuing, hiện sống ở Great Falls, bang Montana vừa mừng sinh nhật thứ 113 trong tháng này. Hỏi cụ bí quyết sống lâu thì cụ trả lời, ‘tôi cho rằng các bạn nên rời khỏi bàn ăn khi còn cảm thấy đói’ (ý cụ bảo đừng ăn cố như các ông bà mình hay có tật sợ bỏ dư đồ ăn thì tiếc). Cụ có thói quen từ 35 năm nay, một ngày chỉ ăn hai bữa, bữa điểm tâm thật no và bữa ăn trưa bình thường. Cụ không ăn tối, thay vào đó bằng ăn trái cây và uống nhiều nước. Cụ cũng siêng năng lao động, làm 2 jobs cho đến năm 66 tuổi, và thực sự nghỉ hưu khi tuổi đời chỉ còn một năm là đủ bách niên!
Chuyện bí quyết sống lâu thì hầu như ai cũng có lần được nghe, được đọc nhưng điều khá ngạc nhiên khi tờ báo uy tín của Mỹ (U.S. News & World Report) sau khi điều tra thực nghiệm trong nhiều năm đã nhìn nhận tỷ lệ người già sống thọ nhất tại các thành phố không phải chỉ ở Mỹ mà cả trên toàn thế giới lại thuộc về nhóm người già sống quanh vùng Loma Linda (California). Họ là những người theo đạo Cơ Đốc Phục Lâm có đức tin cao, có lối sống điều độ, có thói quen dinh dưỡng chủ yếu là dùng các thức ăn như rau, đậu, trái cây, ngũ cốc nguyên chất và các thứ hạt.
Là những người đồng đức tin với nhóm người này ta không lấy làm lạ về mặt ăn uống những người anh chị em của chúng ta gần như ‘ăn chay’ cộng thêm hai loại sữa và trứng, còn về mặt đức tin thì họ là những người có mối thông công mật thiết với Đức Chúa Trời, biết trông cậy và phó dâng mọi sự cho Chúa, và đặc biệt biết dành riêng ngày sa-bát làm thì giờ trong tuần để thờ phượng Chúa, vui hưởng gia đình và bạn hữu, nghỉ ngơi và phục hồi sinh lực. Nhìn chung họ cũng không khác chúng ta là mấy, nhưng khi có dịp được tiếp cận ít người trong số họ ta dễ nhận ra một điều: không phải nhiều tuổi là đáng kể, nhưng có nhiều sinh lực trong đời sống của họ mới là điều quan trọng. Đa phần đều có thái độ tích cực, lạc quan, vui vẻ, biết chia xẻ và thỏa lòng trong cuộc sống.
Cũng bàn về chuyện tuổi thọ thì tháng ngày ở trọ trên đất ngắn dài là tùy thuộc Chúa cho, nhưng sách Truyền đạo có câu, ‘Người dầu sống đến hai ngàn năm, mà không hưởng được chút phước nào, cuối cùng cả thảy há chẳng về chung một chỗ sao?’ (Truyền đạo 6:6). Luận về chữ phước thì nó vô chừng, mỗi người hiểu theo một cách, nhưng theo tôi tớ của Chúa là vua Đa-vít thì ông khẳng định, ‘Tôi đã nói cùng Đức Giê-hô-va rằng: Ngài là Chúa tôi; Trừ Ngài ra tôi không có phước gì khác’ (Thi thiên 16:2). Vậy thì ơn phước ở đây, dù tuổi thọ sống lâu được chia đồng đều cho những người cao tuổi, nhưng những người có Chúa dù sao cũng thấy cuộc sống có ý nghĩa và khi về già có trọn niềm tin là Chúa sẽ không ‘từ bỏ tôi trong thì già cả; cũng đừng lìa khỏi tôi khi sức tôi hao mòn’ (Thi thiên 71:9,10).
Đỗ Xuân Thảo
0 274 3 minutes read